Chính trị - Xã hội
Người sau cai nghiện gian nan tìm việc
Từ Cơ sở xã hội Bầu Bàng trở về, điều đầu tiên P. ở phường Tam Thuận (quận Thanh Khê) quyết tâm thực hiện là đi xin việc làm. Bởi theo tâm sự của P., chỉ có việc làm mới “cắt” được đám bạn nghiện ngập trước đây. Thế nhưng lần nào đem đơn gửi đến doanh nghiệp, P. cũng bị từ chối vì… lý lịch ở Bầu Bàng! Cuối cùng P. tự đứng ra mở cơ sở kinh doanh gas tại nhà. Đến bây giờ, P. đã có công ăn việc làm ổn định và còn nhận một nhân viên cũng từng là “công dân Bầu Bàng” vào làm.
Câu lạc bộ Thanh niên lập nghiệp khu dân cư Phước Hiệp đã giúp được một số người sau cai có việc làm. |
Nhớ lại những ngày khó khăn xin việc và cả những ngày đầu tập tành kinh doanh để mưu sinh, P. bộc bạch: Đi đến đâu cũng bị lắc đầu vì mình từng là người nghiện. Thậm chí hồi đầu đi bỏ gas, khi biết mình từng nghiện ma túy, có người không lấy gas nữa. Từ bản thân mình, tôi thấy những người sau cai tìm được việc làm là vô cùng khó khăn, cho dù chính quyền địa phương có đứng ra bảo lãnh với nơi tiếp nhận lao động.
Bà Dương Thị Bích Thủy, Chủ tịch UBND phường Nam Dương (quận Hải Châu) cho rằng, đây là thực tế mà các địa phương dù cố gắng cũng không mang lại nhiều kết quả. Bà Thủy dẫn ví dụ, mới đây, một người sau cai được Hội Cựu chiến binh phường nhận dìu dắt, giúp đỡ xin làm tài xế xe tải tại một doanh nghiệp trên địa bàn phường. Thế nhưng khi doanh nghiệp xem bản khai quá trình sinh hoạt của đối tượng do Công an phường xác nhận thì trả đơn với lý do: Từng nghiện ma túy! Mặc dù Hội Cựu chiến binh phường đã có cam kết bảo lãnh về người này với doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Văn Hồ, phụ trách CLB Thanh niên lập nghiệp khu dân cư Phước Hiệp (phường Nam Dương) khẳng định: Chỉ có chỗ thân quen mới dám nhận, còn không thì rất khó. Cụ thể, tại CLB này từ năm 2009 đến nay đã tiếp nhận đào tạo nghề cho 18 thanh-thiếu niên trong khu dân cư thuộc diện gia đình khó khăn, chậm tiến hoặc sử dụng ma túy. Trong số này có 4 em thuộc diện sử dụng ma túy và cả 4 em đều được các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố tiếp nhận vào làm, chủ yếu thông qua sự thân quen của những người phụ trách CLB, còn không thì DN từ chối ngay.
Là địa phương tạo việc làm nhiều nhất cho người sau cai, phường Hòa Minh (quận Liên Chiểu) cũng gặp rất nhiều khó khăn. Theo bà Phạm Thị Kim Út, cán bộ phụ trách lĩnh vực xã hội của phường, hiện nay, phường đang quản lý 37 người sau cai, trong đó có 30 người đã có việc làm ổn định. Để có con số này là cả sự quyết tâm vào cuộc và tinh thần trách nhiệm của lãnh đạo địa phương trong việc phân công các tổ chức, hội, đoàn thể giúp đỡ người sau cai, cũng như bảo lãnh với nơi tiếp nhận lao động về tư cách đạo đức của người sau cai. Bên cạnh đó, nhiều đơn vị tiếp nhận không yêu cầu cung cấp bản khai quá trình sinh hoạt tại địa phương.
Báo cáo của Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội thành phố mới đây cho biết, 3 năm qua, Đà Nẵng đã tổ chức cai nghiện tập trung và tại cộng đồng cho 3.505 đối tượng nghiện ma túy, thế nhưng trong số này chỉ có 280 người sau cai có việc làm ổn định. Con số này rất đáng lo ngại; bởi tạo việc làm ổn định cho người sau cai là một trong những yếu tố quan trọng để họ đoạn tuyệt hẳn với ma túy.
Bài và ảnh: THANH VÂN