Chính trị - Xã hội
Phụ nữ Cẩm Toại Đông bảo vệ môi trường
Để bảo vệ môi trường thôn, xóm sạch đẹp và tiết kiệm chi phí nhằm tạo nguồn thu cho quỹ khuyến học, thời gian qua, Chi hội Phụ nữ thôn Cẩm Toại Đông (xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang) thực hiện nhiều mô hình thiết thực trong công tác bảo vệ môi trường, đặc biệt là sản xuất và sử dụng chế phẩm sinh học EM từ những phế phẩm sinh hoạt hằng ngày.
Phụ nữ thôn Cẩm Toại Đông (xã Hòa Phong) sản xuất chế phẩm sinh học EM. |
Thôn Cẩm Toại Đông có 350 hội viên phụ nữ và cũng chừng ấy hội viên sử dụng chế phẩm EM do Chi hội Phụ nữ thôn phát động, hướng dẫn thực hiện từ năm 2015 đến nay. Chế phẩm EM được sản xuất từ các phế phẩm sinh hoạt trong gia đình là rác thải hữu cơ như: các loại hoa đã qua sử dụng, trái cây hư, vỏ trái cây, lá sả, lá khoai, lá sắn... 1kg phế phẩm, 1g đường cát và 3 lít nước được trộn đều rồi ngâm ủ trong 2 tuần sau đó có thể dùng lau sàn nhà, bếp, tường và rửa chén bát. Phương pháp này được Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố Đà Nẵng tổ chức giảng dạy đầu năm 2015 và được Chi hội Phụ nữ thôn Cẩm Toại Đông học tập, sau đó về triển khai lại cho tất cả hội viên và người dân trong thôn.
Chị Nguyễn Thị Bích Hạnh, Chi hội trưởng Phụ nữ thôn Cẩm Toại Đông cho biết: “Ban đầu triển khai cách làm này, hội viên phụ nữ trong thôn khá bỡ ngỡ, chúng tôi phải mang các nguyên vật liệu cần thiết ra làm tại chỗ, vài ngày sau để chị em sử dụng. Qua kiểm nghiệm thực tế, họ thấy hiệu quả, rồi làm theo”.
Mô hình này không chỉ được vận dụng rộng rãi trong từng hộ gia đình mà ở các trường học, nhóm lớp độc lập tư thục trong thôn cũng được giáo viên ưu tiên lựa chọn. Cô Đặng Thị Diệu, công tác ở nhóm trẻ Măng Non, thôn Cẩm Toại Đông chia sẻ: “Được Chi hội Phụ nữ thôn tận tình hướng dẫn phương pháp này, chúng tôi làm thử, thấy thơm, lau chùi sạch sẽ lại tiết kiệm chi phí nên hai năm nay, nhóm trẻ của tôi đều sử dụng sản phẩm này để vệ sinh sàn nhà và các vật dụng khác”.
Ngoài mô hình này, Chi hội Phụ nữ thôn Cẩm Toại Đông cũng sáng tạo nhiều cách làm phù hợp với thực tiễn, được hội viên tích cực hưởng ứng, như: sử dụng giỏ nhựa khi đi chợ; phân loại rác thải tại nguồn và trong những dịp cưới hỏi, liên hoan trong thôn xóm thì hội viên phụ nữ có trách nhiệm đến tận nơi xin chủ nhà thu gom vỏ lon bia, nước giải khát để gây quỹ “Ươm mầm trạng nguyên”. Với cách làm này, mỗi năm, Chi hội thu được hơn 10 triệu đồng, để tổ chức phát thưởng cho hàng trăm học sinh đạt thành tích cao trong học tập và hỗ trợ đột xuất những em có hoàn cảnh khó khăn đóng học phí, mua sắm dụng cụ học tập.
Theo bà Nguyễn Thị Thương, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Hòa Phong (huyện Hòa Vang), công tác vận động, tập hợp hội viên thực hiện các mô hình bảo vệ môi trường của Chi hội Phụ nữ thôn Cẩm Toại Đông luôn có tính hiệu quả xã hội cao, được duy trì hoạt động qua nhiều năm, mang lại lợi ích cho người dân, nhất là trẻ em nghèo, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.
PHƯƠNG TẤN