Chính trị - Xã hội
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc kêu gọi phát triển nông nghiệp hữu cơ
Phát biểu tại Diễn đàn quốc tế về nông nghiệp hữu cơ sáng 16-12, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh sản xuất nông nghiệp hữu cơ là thể hiện sống có trách nhiệm với cộng đồng, với các thế hệ tương lai, tuy nhiên nông nghiệp hữu cơ không thể phát triển theo phong trào ồ ạt, mà cần hết sức bài bản, khoa học.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại diễn đàn.Ảnh: V.G.P |
Thủ tướng cho rằng, nông nghiệp hữu cơ là một bộ phận quan trọng của sản xuất nông nghiệp Việt Nam và nông nghiệp Việt Nam phải thành công thì sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước mới thành công. Nông nghiệp, nông thôn và nông dân là những vấn đề rất nóng bỏng hiện nay trong phát triển đất nước và phải tập trung nghiên cứu vấn đề này dưới các hình thức khác nhau, trong đó đặc biệt cần nghiên cứu một lĩnh vực mà trong nước và thế giới quan tâm là nông nghiệp hữu cơ để bảo đảm nền nông nghiệp tiết kiệm, an toàn, hiệu quả.
Khẳng định rất nhiều sản phẩm của Việt Nam có thể phát triển nông nghiệp hữu cơ, Thủ tướng nhìn nhận việc một số ý kiến nói rằng nông nghiệp hữu cơ chỉ phục vụ người giàu, cho xuất khẩu là chưa đúng, chưa đủ. Nông nghiệp hữu cơ phục vụ cho người dân khi mà ở Việt Nam hiện nay đang chứng kiến sự gia tăng nhanh chóng của tầng lớp trung lưu, từ mức 10% dân số hiện nay sẽ lên khoảng 50% vào năm 2035.
Yêu cầu một nền nông nghiệp sạch, thực phẩm sạch cho gần 100 triệu dân Việt Nam và xuất khẩu cho thế giới là yêu cầu lớn cho phát triển nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp Việt Nam.
Thủ tướng cũng nhấn mạnh quan điểm, nông nghiệp hữu cơ có tính giáo dục cao, sẽ đóng góp to lớn xây dựng mối quan hệ tốt đẹp hơn, phát huy giá trị nhân văn của con người, đồng thời nông nghiệp hữu cơ sẽ đóng góp rất quan trọng cho nền kinh tế phát triển xanh và bền vững.
Cho rằng cần có một nhận thức đúng đắn, thống nhất về phát triển nông nghiệp hữu cơ, Thủ tướng nêu rõ quan điểm, bên cạnh ưu điểm và ý nghĩa nổi trội của nông nghiệp hữu cơ thì nông nghiệp phi hữu cơ, với năng suất cao trong nhiều năm tới vẫn tiếp tục đóng vai trò bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, không thể xem nhẹ. Song hành với nông nghiệp hữu cơ – là động lực của đổi mới sáng tạo trong nông nghiệp thì nông nghiệp phi hữu cơ cũng phải đặt ra.
Thủ tướng nêu rõ, nông nghiệp hữu cơ sẽ đáp ứng một phân khúc thị trường cao cấp, cần thiết, giúp Việt Nam hội nhập sâu hơn, chất lượng hơn với thế giới và mang trọng trách cho tương lai. Và như thế, nông nghiệp hữu cơ không thể phát triển theo phong trào ồ ạt, chưa thể sớm thành sản phẩm phổ cập cho mọi người mà đòi hỏi phát triển hết sức bài bản, khoa học. Theo Thủ tướng, phát triển toàn diện nền nông nghiệp Việt Nam là một yêu cầu.
Phát triển nông nghiệp hữu cơ phải trên cơ sở điều kiện thổ nhưỡng, xác định, lựa chọn chính xác chủng loại sản phẩm, quy mô, vùng sản xuất sản phẩm thích hợp với nhu cầu của từng thị trường để khai thác lợi thế so sánh về điều kiện tự nhiên, xã hội, bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, ưu tiên sản xuất cây trồng bản địa Việt Nam có giá trị cao, gắn với du lịch sinh thái, tuân thủ chặt chẽ các quy định quốc tế về tiêu chuẩn.
Về phát triển nông nghiệp hữu cơ cũng như cả nông nghiệp Việt Nam, Thủ tướng nhấn mạnh cần theo các loại quy mô, mô hình khác nhau, như VAC, hợp tác xã, tập đoàn, doanh nghiệp, làm sao hình thành hệ sinh thái đa dạng phát triển nông nghiệp hữu cơ.
Thủ tướng giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng Đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2018 – 2025, tầm nhìn 2035, trình Thủ tướng phê duyệt trong đầu năm 2018 nhằm định hướng, cụ thể hóa các hoạt động thúc đẩy sản xuất nông nghiệp hữu cơ, bảo đảm đầy đủ cơ sở khoa học, thực tiễn. Theo đó, đề xuất các chính sách nâng cao chất lượng, đẩy mạnh công tác đào tạo, chính sách hỗ trợ, ưu đãi tín dụng, tín chấp, thế chấp và giải quyết nút thắt như đã đưa ra tại diễn đàn.
Thủ tướng nhất trí cần sớm xây dựng quy trình sản xuất nông nghiệp hữu cơ theo tiêu chuẩn quốc tế, thiết lập hệ thống kiểm tra nghiêm khắc, minh bạch và hiệu quả để các sản phẩm Việt Nam có uy tín và giành được sự tin cậy của thế giới. Vì vậy, trong chỉ đạo, ngoài các vấn đề trên thì cơ chế quản lý an toàn thực phẩm theo chuỗi sản xuất rất quan trọng. Sản phẩm hữu cơ dù cho thị trường trong nước hay xuất khẩu, tất cả đều phải nhờ thương hiệu. Thương hiệu có được do sản xuất xanh, sạch và từ đó, tiêu chuẩn, quy trình cụ thể phải rõ ràng. Cơ chế quản lý theo chuỗi nhất quán, minh bạch, nghiêm chỉnh và liêm chính.
B.T (theo Chinhphu.vn)