Chính trị - Xã hội

Việt Nam mất 1,7 triệu hécta rừng phòng hộ trong vòng 10 năm qua

21:53, 07/12/2017 (GMT+7)

“Rừng phòng hộ ở Việt Nam đang suy giảm mạnh cả về diện tích và chất lượng. Chỉ tính từ 2004-2014, diện tích rừng phòng hộ đã giảm 1,7 triệu hécta, tương đương tốc độ suy giảm trung bình 23%/năm.”

Ảnh minh họa. (Nguồn: Hùng Võ/Vietnam+)
Ảnh minh họa. (Nguồn: Hùng Võ/Vietnam+)

Thông tin trên vừa được bà Nguyễn Hải Vân, cán bộ nghiên cứu về rừng của Trung tâm Con người và Thiên nhiên, công bố tại hội thảo “Rừng phòng hộ tại Việt Nam: Giải pháp quản lý, bảo vệ và phục hồi nhằm đảm bảo an ninh môi trường,” diễn ra trong ngày 7/12, tại Hà Nội.

Thông tin thêm tại hội thảo, bà Vân cho biết, hiện nay chỉ còn hơn 4,5 triệu hécta rừng phòng hộ, trong đó có hơn 60% là rừng tự nhiên. Từ năm 2004 đến hết năm 2012, diện tích rừng phòng hộ là rừng trồng có xu hướng tăng dần, nhưng đến năm 2013 lại bắt đầu giảm mạnh.

Bà Vân cũng cho biết, trong số 59 Ban quản lý rừng phòng hộ trong phạm vi đánh giá đã có tất cả 168 lần thay đổi diện tích, trong đó có 118 lần là thay đổi giảm diện tích.

“Lý do thay đổi diện tích do rà soát thay đổi quy hoạch 3 loại rừng, chuyển đổi rừng phòng hộ sang rừng sản xuất, chuyển đổi mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác như làm thủy điện, khoáng sản,” bà Vân chia sẻ.

Vị cán bộ nghiên cứu về rừng cũng khẳng định, việc chuyển đổi rừng, suy giảm diện tích rừng phòng hộ nêu trên đã khiến chất lượng rừng hiện nay không đáp ứng được nhu cầu phòng hộ. Đây cũng là nguyên nhân dẫn tới tình trạng lũ quét, sạt lở đất diễn ra trong thời gian vừa qua.

Từ năm 2004 đến 2014, diện tích rừng phòng hộ Việt Nam đã giảm hơn 1,7 triệu hécta, tương đương tốc độ suy giảm trung bình là 2,3%/năm. (Nguồn: PanNature)
Từ năm 2004 đến 2014, diện tích rừng phòng hộ Việt Nam đã giảm hơn 1,7 triệu hécta, tương đương tốc độ suy giảm trung bình là 2,3%/năm. (Nguồn: PanNature)

 Từ góc độ cơ quan được giao bảo vệ rừng, ông Mai Văn Đảm, Phó giám đốc Ban quản lý rừng phòng hộ Thạch Thành, tỉnh Thanh Hóa cũng thừa nhận, rừng phòng hộ đang bị phân mảnh, trong khi diện tích trông giữ lớn hơn, công cụ hỗ trợ còn thiếu thốn.

“Một ban quản lý thường được giao bảo vệ 5.000-10.000 hécta nhưng biên chế chỉ 10 người và phải hợp đồng thêm 10 người nữa trong khi nguồn của đơn vị sự nghiệp rất hạn chế. Lương cán bộ thấp nhưng phải đi rừng, núi cao, đèo sâu, rất khó khăn,” ông Đảm chia sẻ.

Từ thực tế nêu trên, ông Đảm nhấn mạnh, muốn giữ được rừng phòng hộ, phải tạo được sinh kế cho người dân, đó là sinh kế bền vững.

Trên phương diện là cơ quan quản lý, ông Nguyễn Tuấn Hưng, Vụ quản lý rừng đặc dụng và rừng phòng hộ (Tổng cục Lâm nghiệp) lại cho rằng, hầu hết các ban quản lý rừng phòng hộ hiện vẫn chưa tiến hành xây dựng phương án quản lý rừng bền vững, thiếu nguồn lực để triển khai thực hiện.

Trong khi đó, việc xử lý hành vi vi phạm Luật Bảo vệ và phát triển rừng của một số địa phương vẫn chưa được quan tâm đúng mức. Có trường hợp xử lý nhưng chưa đủ sức răn đe, từ đó dẫn đến tình trạng người dân coi thường pháp luật.

Từ thực tế nêu trên, ông Hưng cho rằng, để góp phần quản lý tốt diện tích rừng cần huy động nguồn vốn xã hội; gia tăng giá trị của ngành. Đồng thời, tổ chức tốt công tác tuyên truyền, phối hợp các lực lượng, các cơ quan liên quan trong bảo vệ rừng thực hiện giảm 20% số vụ vi phạm lâm luật.

Chất lượng rừng phòng hộ hiện nay không còn đáp ứng được “nhu cầu phòng hộ”. (Nguồn: PanNature)
Chất lượng rừng phòng hộ hiện nay không còn đáp ứng được “nhu cầu phòng hộ”. (Nguồn: PanNature)
Tổ chức quản lý, diện tích rừng phòng hộ. (Nguồn: Vụ Quản lý RĐD và RPH)
Tổ chức quản lý, diện tích rừng phòng hộ. (Nguồn: Vụ Quản lý RĐD và RPH)

 Theo Vietnam+

.