Lối sống tại Đà Nẵng đang trong quá trình không ngừng tiếp biến, loại trừ, bổ sung, tiếp nhận và tự tìm kiếm sự phát triển. Vì thế, cần xác định rõ các giá trị đạo đức, văn hóa đặc trưng của Đà Nẵng để hình thành hành vi ứng xử văn minh, hiện đại, đầy tính nhân văn, xây dựng, phát triển Đà Nẵng theo chiều sâu…
Đó là vấn đề được nêu tại hội thảo “Xây dựng lối sống Đà Nẵng văn minh, hiện đại, nhân văn” do Ban Tuyên giáo Thành ủy tổ chức sáng 12-12.
Đội ngũ xích lô Đà Nẵng thường xuyên được tập huấn về giao tiếp, ứng xử để phục vụ khách du lịch. Ảnh: NGỌC HÀ |
Tại hội thảo, các nhà nghiên cứu, quản lý chỉ ra rằng, sau 20 năm chia tách, Đà Nẵng không ngừng phát triển, kéo theo lối sống của người dân ít nhiều biến đổi, kể cả vùng nông thôn lẫn đô thị. Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Đặng Việt Dũng nhấn mạnh, tuy vẫn chưa hết tính chất quá độ từ nông thôn sang đô thị, nhưng lối sống đô thị ở Đà Nẵng càng ngày càng đa dạng, biến đổi nhanh hơn, phức tạp hơn, sâu sắc hơn, toàn diện hơn theo chiều hướng hiện đại, hội nhập với thế giới, trong đó chứa đựng nhiều yếu tố tích cực nhưng cũng không ít những xu hướng tiêu cực.
Việc di dời, giải tỏa, xây dựng cơ sở hạ tầng thay đổi diện mạo đô thị cùng với việc phát triển kinh tế đã góp phần loại bỏ dần các nếp sống lạc hậu của cư dân nông nghiệp nông thôn; hình thành tác phong công nghiệp, hiện đại, có văn hóa, ý thức tổ chức kỷ luật, ý thức công dân, tinh thần trách nhiệm cao.
Tuy nhiên, công tác chỉnh trang và mở rộng đô thị diễn ra rất nhanh cũng làm xáo trộn và ảnh hưởng đến lối sống của người dân thành phố. Các luồng nhập cư, mặc dù mang những hơi thở mới trong văn hóa nhưng cũng dễ làm nảy sinh những tiêu cực về tình hình trật tự an toàn xã hội.
Lượng người di cư đến thành phố Đà Nẵng ngày càng đông, kết cấu hạ tầng giao thông, cơ sở vật chất đô thị không đáp ứng kịp đã gây nên tình trạng quá tải, nhiều hệ quả phát sinh như ô nhiễm tiếng ồn, tai nạn giao thông, ô nhiễm môi trường… khiến môi trường trở nên ngột ngạt hơn, tác động không nhỏ đến lối sống người dân.
Ông Nguyễn Hữu Chiến, nguyên Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao nhận định, sự phát triển của thành phố dẫn đến kinh tế thuần nông không còn, sự đa tạp về nguồn gốc cư trú… Từ đó kéo theo sự chuyển đổi nhanh các định hướng giá trị, rõ rệt nhất là đề cao tính cá nhân, lỏng lẻo tính cộng đồng, chấp nhận ứng xử nội bộ trong từng nhóm xã hội mà không cần biết đến cách thức hay tiêu chuẩn của các nhóm xã hội khác, có xu hướng tìm cho mình lối giao tiếp gián tiếp thông qua các phương tiện truyền thông. Bên cạnh đó, xu hướng đô thị hóa cũng loại bỏ những tiêu cực của tính tiểu nông như làm việc tùy hứng, biểu hiện gia trưởng…
Trong khi đó, tại vùng nội thị, theo ông Tô Văn Hùng, Trưởng ban Đô thị HĐND thành phố, tốc độ đô thị hóa nhanh chóng, nhưng vẫn manh mún, chưa xứng với tiềm năng thành phố. Đằng sau những ngôi nhà khang trang là những khu nhà chen chúc kiệt hẻm. Đô thị hóa nhanh chóng cũng dẫn theo những biến đổi ngược chiều như lối sống đô thị nhuốm màu nông thôn.
Cũng theo các nhà nghiên cứu, quản lý, sau 20 năm phát triển, Đà Nẵng đã tạo nên bộ mặt khang trang, không gian đáng sống nhưng cũng bộc lộ những bất cập về vấn đề con người. Nguyên nhân chính từ sự mất cân bằng trong phát triển kinh tế và văn hóa và đã đến lúc Đà Nẵng cần thay đổi.
Nhà sử học Dương Trung Quốc cho rằng, kinh tế suy thoái có thể vực dậy được, song đạo đức suy đồi thì khó vô cùng. Trong tiêu chí Xây dựng lối sống Đà Nẵng văn minh, hiện đại, nhân văn, cần chú trọng chỉ tiêu về lòng tin, sự nhường nhịn bởi đó là văn hóa ứng xử tốt đẹp giữa con người với con người.
Việc xây dựng hình ảnh người Đà Nẵng thân thiện, mến khách và văn minh trong ứng xử, góp phần tạo sự phát triển bền vững cho du lịch.Trong ảnh: Người dân Đà Nẵng vui vẻ trò chuyện và giới thiệu du khách về áo dài Việt Nam. Ảnh: ĐINH LƠ |
Đồng quan điểm, nhà nghiên cứu Bùi Văn Tiếng, Chủ tịch Liên hiệp Các hội văn học-nghệ thuật thành phố dẫn chứng văn hóa dừng đèn đỏ của các nước phương Tây tưởng chừng đơn giản nhưng đó là sự tích lũy, là sản phẩm của 100 năm xây dựng văn hóa.
Do đó, ông Bùi Văn Tiếng cho rằng, hình thành lối sống văn hóa cần rất nhiều thời gian, nhưng hãy bắt đầu với những điều đơn giản nhất, phục hưng các giá trị văn hóa truyền thống, cái nôi nuôi dưỡng tính nhân văn của con người.
Nhà văn Thái Bá Lợi cũng nhìn nhận, người dân Đà Nẵng thời gian qua xây dựng hình ảnh đẹp trong mắt du khách trong và ngoài nước, đặc biệt trong các sự kiện lớn diễn ra tại thành phố. Vì thế, trong lúc giữa cái tốt và cái xấu đan xen, thì cần tuyên truyền, cổ vũ, nhân rộng những điều tốt đẹp, xây dựng lối sống văn minh, hiện đại từ những điều nhỏ nhất, để hình thành những điều lớn hơn.
Trong khi đó, ông Nguyễn Hoàng Long, nguyên Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng đề nghị làm rõ các giá trị liên quan đến xây dựng lối sống văn minh, hiện đại, nhân văn, đặt trong mối quan hệ biện chứng giữa các hành vi, giữa giáo dục và rèn luyện, giữa các giới tính, độ tuổi…
“Chúng ta phải nhìn nhận dưới nhiều góc độ, giữ gìn bản sắc riêng nhưng cũng phải hòa nhập; tôn trọng truyền thống nhưng phát triển theo hướng hiện đại. Văn hóa cần có sự tổng hòa, có vai trò cá nhân, gia đình, tập thể, cộng đồng”, ông Nguyễn Hoàng Long nói.
Từ những ý kiến đóng góp tại hội thảo, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Đặng Việt Dũng cho biết, Ban Tuyên giáo Thành ủy sẽ tiếp thu, ghi nhận và hoàn thiện đề tài khoa học “Lối sống Đà Nẵng”; nghiên cứu chuyên sâu để xác định lối sống Đà Nẵng hiện nay theo 3 khu vực nông thôn, ven biển và nội thị; đề ra các giải pháp thực tiễn để xây dựng lối sống Đà Nẵng văn minh, hiện đại, nhân văn trong thời gian tới.
Đề nghị xây dựng tượng đài 3 nhân vật lịch sử Tại hội thảo, nhà sử học Dương Trung Quốc đề nghị Đà Nẵng nên xây dựng tượng đài 3 nhân vật lịch sử gồm: vua Trần Nhân Tông, người đầu tiên có cái nhìn mẫn tiệp về vị trí xung yếu của đèo Hải Vân, được xem là phên giậu toàn bộ khu vực vịnh Đà Nẵng nói riêng, phía nam nói chung. Vua Minh Mạng, chỉ trong vòng 12 năm đã 3 lần ngự du đến Ngũ Hành Sơn, xây dựng hai con đường lên núi và các ngôi chùa, đền thờ tại đây. Nhà yêu nước Phan Châu Trinh, người có vị trí đặc biệt trong lịch sử Quảng Nam và Đà Nẵng, là “kiến trúc sư trưởng” của phong trào Duy Tân với khẩu hiệu “khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh”. Trọng tâm của phong trào đặt vào sự đổi mới tri thức, từ bỏ cái học cũ và những tri thức lỗi thời cổ xưa để hướng tới nền Tây học trong khoa học kỹ thuật, văn minh mà cho đến ngày nay điều này vẫn còn nguyên tính thời sự trong thực tiễn xây dựng và phát triển đất nước. |
Bài và ảnh: NGỌC HÀ