Chính trị - Xã hội
Xử lý nghiêm hành vi bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái
Giai đoạn 2012-2016, thành phố Đà Nẵng có 78 vụ xâm hại trẻ em (chủ yếu là trẻ em gái và đa số bị xâm hại tình dục). Trong 7 năm gần đây, trung bình mỗi năm xảy ra 166 vụ bạo lực gia đình; tuy nhiên, con số thực tế có thể cao hơn rất nhiều bởi nhiều vụ xử lý còn mang nặng tính “dĩ hòa vi quý”, ít xử lý hình sự.
Thông tin trên được đề cập tại buổi đối thoại giữa Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ với các tầng lớp phụ nữ về phòng, chống bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái, sáng 13-12.
Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ trao đổi bên lề về tình trạng bạo lực với các tầng lớp phụ nữ. |
Tại buổi đối thoại, bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) phường Hải Châu 1 (quận Hải Châu) đặt vấn đề: “Với những vụ việc diễn biến phức tạp gây tổn hại nghiêm trọng thể chất, tinh thần, tạo tâm trạng lo lắng, bức xúc đối với người dân, lãnh đạo thành phố có những biện pháp nào để bảo vệ phụ nữ và trẻ em gái tránh nguy cơ bị bạo lực?”. Trong khi đó, Trung tá Lê Thị Thu Huyền, Chủ tịch Hội Phụ nữ Công an thành phố đặc biệt lo lắng về tình trạng bạo lực học đường, khi Đà Nẵng từng xảy ra một số vụ việc; đồng thời đề nghị các cấp, ngành liên quan có biện pháp ngăn ngừa, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) cần mở các lớp tập huấn, kỹ năng sống cho học sinh tự bảo vệ bản thân.
Đại diện cho phụ nữ trí thức thành phố, bà Nguyễn Thị Như Liêm, Chủ tịch Hội Nữ trí thức cho biết, điều mà Hội quan tâm là kế hoạch, phương thức, điều kiện để thành phố triển khai mô hình “Thành phố an toàn và thân thiện với phụ nữ và trẻ em gái” tại Đà Nẵng. Cũng theo bà Liêm, các ngành chức năng nên tổ chức nghiên cứu về trào lưu sống hiện nay của người dân để có giải pháp thích hợp, bởi ngày càng suy giảm giá trị cũng như chuẩn mực về cuộc sống. Do đó, mọi người không dám đứng ra bảo vệ người yếu thế, dẫn chứng là những vụ bạo lực học đường.
Đại diện thế hệ trẻ, học sinh Đà Nẵng, em Nguyễn Ngọc Như Ý (học sinh Trường THPT Phan Châu Trinh) đặt vấn đề với lãnh đạo thành phố về giải pháp phòng chống cũng như xử lý tình trạng xâm hại trẻ em gái. “Những vụ xâm hại trẻ em gái gây chấn động cả nước thời gian qua khiến chúng tôi thật sự lo ngại. Chúng tôi mong muốn được bảo vệ an toàn”, em Như Ý nói.
Các ý kiến khác cũng tập trung vào tình trạng quấy rối tình dục nơi công sở và nơi công cộng; vấn đề bình đẳng giới trong gia đình; năng lực phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới của cán bộ trong cơ quan quản lý Nhà nước, đoàn thể các cấp.
Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ đồng tình với những ý kiến của các tầng lớp phụ nữ thành phố và cho rằng nhiều vụ bạo lực xử lý còn mang nặng tính “dĩ hòa vi quý”, ít xử lý hình sự nên chưa mang tính răn đe, vấn đề trọng nam khinh nữ ở đồng bào dân tộc cũng cần được quan tâm. Chủ tịch Huỳnh Đức Thơ yêu cầu các ngành chức năng liên quan báo cáo thực trạng bạo lực phụ nữ và trẻ em gái cũng như công tác phòng chống bạo lực phụ nữ và trẻ em gái thời gian qua.
Đại diện Hội LHPN thành phố, Sở GD-ĐT, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH), Sở Văn hóa-Thể thao… đều cho rằng, thời gian qua, công tác phòng, chống bạo lực gia đình, bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái luôn được quan tâm và đưa vào nhiệm vụ chính trị hằng năm. Nhiều mô hình ra đời góp phần tuyên truyền, nâng cao ý thức của người dân, nhất là nam giới trong vấn đề bạo lực; nhiều buổi tuyên truyền, tập huấn kỹ năng sống, phòng vệ, ứng phó trước hành vi bạo lực… Song, việc phối hợp, liên kết giữa các sở, ban, ngành vẫn chưa chặt chẽ nên hiệu quả không cao. Ông Trần Công Nguyên, Phó Giám đốc Sở LĐTB&XH đánh giá, các mô hình phản ứng nhanh, địa chỉ tin cậy chủ yếu thực hiện tuyên truyền, hòa giải và thiếu lực lượng đủ tính pháp lý để xử lý hành vi bạo lực. Trong khi đó, đại diện Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước thành phố Đà Nẵng cho biết, Trung tâm có trợ giúp pháp lý, đặc biệt phụ nữ là nạn nhân của bạo lực gia đình nhưng ít ai tìm đến…
Từ thực tế trên, Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ chỉ đạo Hội LHPN, các sở, ngành tập trung xử lý những kiến nghị của các tầng lớp phụ nữ, giải quyết những tồn tại, hạn chế, tạo sự đồng bộ trong công tác phòng, chống bạo lực, bên cạnh việc hòa giải, nhắc nhở cần có biện pháp xử lý mạnh nhằm tạo sự răn đe… Trước mắt, Chủ tịch UBND thành phố giao Hội LHPN tổng hợp, phối hợp Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở LĐ-TB&XH tham mưu UBND thành phố ban hành văn bản kết luận các nội dung tại diễn đàn. Căn cứ kết luận này, các sở, ngành, UBND các quận, huyện chủ động lồng ghép thực hiện nhiệm vụ trong triển khai các chương trình, đề án, kế hoạch theo chức năng, nhiệm vụ quản lý Nhà nước của đơn vị, địa phương. Hội LHPN cũng được giao phối hợp với Sở Khoa học-Công nghệ thực hiện đề tài khoa học “Giải pháp xây dựng thành phố Đà Nẵng an toàn và thân thiện với phụ nữ” trong năm 2018 để có cơ sở dữ liệu và giải pháp tổ chức thực hiện công tác phòng, chống bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái của thành phố.
Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ đề nghị các cấp, ngành cần tập trung thực hiện 2 kế hoạch quan trọng UBND thành phố mới ban hành năm 2017, gồm Kế hoạch số 1153/KH-UBND về triển khai đề án “Phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới giai đoạn 2016-2020, tầm nhìn đến năm 2030”; Kế hoạch số 9619/KH-UBND về triển khai thực hiện khuyến nghị của Ủy ban về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ của Liên Hợp Quốc giai đoạn 2017-2020.
Bài và ảnh: NGỌC HÀ