Chứng kiến con trai “ngã bệnh” khi đang công tác tại Việt Nam và được nhiều người chung tay giúp đỡ, bố của thầy Eldeniz gửi một bức thư thật đặc biệt…
Câu chuyện về thầy Eldeniz Nasabli (25 tuổi, quốc tịch Azerbaijan) sau 5 tháng mang con chữ đến với trẻ em nghèo vùng cao Sơn La thì bất ngờ nhận hung tin mắc bệnh ung thư máu ở thể nặng nhất và đã phải điều trị tại Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương đã khiến nhiều người thương cảm.
Vì mới sang Việt Nam làm việc nên Eldeniz không có bảo hiểm y tế, đây là một khó khăn rất lớn cho bệnh nhân là người nước ngoài đang ở xa gia đình, xa Tổ quốc. Nhưng rất may mắn, ngay sau khi nhập viện điều trị, Eldeniz đang nhận được sự giúp đỡ của nhiều tổ chức cá nhân.
Chứng kiến con trai “ngã bệnh” và được các bác sỹ Viện Huyết học-Truyền máu Trung ương kêu gọi giúp đỡ về vật chất và cả tinh thần, bố của Eldaniz, Giáo sư, Tiến sĩ Ngữ văn, Trưởng bộ môn ngôn ngữ Nga hiện đại, Trường Đại học Tổng hợp Xlava tại Bacu – Azerbaijan đã cảm động gửi một bức thư thật đặc biệt…
Thầy giáo Eldeniz Nasabli tại Việt Nam |
Trong bức thư ông viết:
Xin chào Việt Nam, xin cảm ơn các bạn Việt Nam!
Việt Nam là một đất nước Phương Đông với nền văn hóa, nghệ thuật và lịch sử độc đáo. Việt Nam là Tổ quốc của những chàng trai dũng cảm hàng ngàn năm nay đã anh dũng chiến đấu chống giặc ngoại xâm bảo vệ từng tấc đất của cha ông. Quê hương của những cô gái xinh đẹp với khuôn mặt rạng rỡ và ánh mắt long lanh.
Tháng 3 năm nay, khi con trai Eldaniz cho tôi biết là sẽ sang Việt Nam dạy tiếng Anh theo hợp đồng, tôi đã tán thành ngay. Vì tôi sẵn có thiện cảm lớn với đất nước và nhân dân Việt Nam. Và thế là chúng tôi khuyến khích và đưa tiễn Eldaniz lên đường sang đất nước xa xôi này.
Eldaniz làm việc một thời gian ngắn ở thủ đô Hà Nội, rồi sau đó chuyển lên Sơn La, một tỉnh cách Hà Nội 400km. Mọi việc tiến triển rất thuận lợi: Sau một thời gian ngắn dạy học, Eldaniz đã được các học trò và phụ huynh tin tưởng và quý mến.
Bản thân Eldaniz cũng hài lòng với công việc của mình và quan hệ tốt với các bạn bè đồng nghiệp Việt Nam. Chúng tôi thường trao đổi với cháu qua điện thoại, cháu gửi ảnh cho chúng tôi luôn. Ở nhà chúng tôi vui mừng khôn xiết và tự hào về cháu.
Nhưng niềm vui của chúng tôi đã quá ngắn ngủi… Ngày 4 tháng 6 chúng tôi được thông báo là Eldaniz đã phải nhập viện với chẩn đoán ung thư máu dạng cấp tính.
Đó là cú sốc lớn đối với chúng tôi. Ngay hôm sau tôi xin được visa, lấy vé máy bay tức tốc đi Hà Nội qua đường Matxcơva. Tôi nóng lòng sang với cháu, nhưng mãi sau 15 tiếng bay tôi mới tới được sân bay Hà Nội.
Bạn của Eldaniz là Eđuar quê ở thành phố Magnhitagork (Liên bang Nga) đã ra đón tôi và đưa thẳng về Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương. Tôi gặp con trai trong tình trạng rất xấu, hai mắt cháu bị xuất huyết, tay thì thâm tím vì truyền thuốc. Cháu đã được truyền hóa chất.
Rồi bác sỹ điều trị Vũ Quang Hưng, người đàn ông trạc 40 tuổi đến, chúng tôi làm quen với nhau. Anh sốt sắng động viên Eldaniz. Tôi chưa từng gặp người bác sĩ nào tận tình đến thế.
Tôi được xếp một giường ngủ ngay trong phòng của con trai. Ngày hôm sau bác sỹ Hưng đã đưa tôi đến gặp chủ nhiệm Khoa hóa trị nơi con trai tôi đang điều trị.
Đó là Tiến sỹ y khoa, Phó giáo sư Nguyễn Hà Thanh. Ông Thanh chừng 50 tuổi, tốt nghiêp Trường Đại học Y số 1 Matxcơva mang tên Xetrenov, sau đó ông được đào tạo nâng cao tại Úc. Ông sử dụng thông thạo cả tiếng Nga và tiếng Anh, là một con người giản dị và rất thân thiện. Ông giải thích rõ cho tôi bệnh tình của con trai và cho rằng nhất thiết phải chữa trị tích cực, không thể chậm trễ.
Giây phút xúc động của ông Valex bên PGS.TS. Hà Thanh, Trưởng khoa Điều trị hóa chất tại buổi lễ chia tay (ảnh V.T) |
Ông cho biết chi phí điều trị rất cao, mà tôi thì chỉ có hai ngàn đô la Mỹ rút từ ngân hàng mang theo. Tôi hỏi ông liệu tôi có thể đưa con trai về nước được không, ông trả lời: 'Tuyệt đối không được. Tỷ số laycosit trong máu của Eldaniz là 85%, trong khi mức chuẩn chỉ là 5-10%. Bệnh nhân không thể bay được, áp suất trên máy bay có thể gây xuất huyết não. Vì vậy, bệnh nhân cần phải được điều trị giai đoạn đầu tại đây chừng 1 tháng'.
Tôi hoang mang cực độ. Thấy vậy, ông Thanh trấn tĩnh và an ủi tôi là đừng quá lo lắng, nhân dân Việt Nam không bỏ bạn bè trong hoạn nạn. Tôi chẳng hiểu ông muốn nói gì nữa.
Ông tiếp lời: 'Giáo sư Trí - Giám đốc Viện đã cho đăng trên mạng lời kêu gọi mọi người giúp dỡ Eldaniz. Rồi cô Trinh - Chủ nhiệm một khóa tiếng Anh cũng đã cho đăng trên mạng một lời kêu gọi tương tự.
Nghe vậy tôi đã bình tâm hơn, nhưng vẫn chưa dám tin. Thế nên tôi nói: 'Thưa bác sĩ, tôi có đem theo 2.000 đô la Mỹ, xin ông cứ bắt đầu điều trị cho cháu, gia đình, bạn bè tôi sẽ gửi tiền sang giúp đỡ'. Ông trả lời 'Không sao, không thành vấn đề!'.
...Bạn bè và đồng nghiệp của Eldaniz đã luôn quan tâm chăm sóc và tìm mọi cách cho Eldaniz không lo nghĩ gì về bệnh tình của mình, mặc dù tình trạng bệnh của con trai tôi ngày càng xấu đi do đến bệnh viện quá muộn, lại trải qua đợt hóa trị rất mạnh.
Mắt của cháu không nhìn thấy nữa do xuất huyết nhãn cầu. Các bác sĩ đã làm hết sức mình cho cháu. Tôi chỉ còn biết tìm chỗ ẩn mình để giấu đi những giọt nước mắt xót xa...
Nhiều khi tôi tiếp xúc với các bạn Việt Nam chỉ bằng ánh mắt, bằng cử chỉ mà cũng hiểu được nhau. Lúc đó tôi đã nghiệm ra rằng: Nếu muốn thì chẳng cần ngôn từ người ta cũng có thể giao tiếp với nhau, còn nếu đã không muốn thì chẳng ngôn từ nào giúp được.
Eldaniz nhận được sự chăm sóc, yêu thương của bao người khi điều trị ở Việt Nam.
Eldaniz được những phụ nữ thiện nguyện chăm sóc khi điều trị tại bệnh viện khiến cha anh rất cảm động (ảnh V.T) |
Chăm sóc và theo dõi quá trình điều trị của Eldaniz là những người phụ nữ - những bà mẹ thiện nguyện hiến dâng cho sự nghiệp thiêng liêng là giúp đỡ những người hoạn nạn, những trẻ em đau ốm. Tôi muốn nhắc đến tên của họ: Đó là bà Hạnh, bà Phúc (hai chị em sinh đôi), cô Lê Lan, bà Quý, cô Loan, cô Hòa, cô Thanh, cô Đỗ Lan, bà Mừng, cô May Hà cùng chồng là ông Đỗ Hỷ, cô Trang và nhiều người khác nữa. Xin cầu mong cho họ có được sức khỏe và may mắn.
Không có gì mà họ không làm cho chúng tôi, những con người khác ngôn ngữ, khác tôn giáo, khác quê hương, những con người đến từ một bầu trời xa. Tôi muốn viết cả một cuốn sách về họ, về đội ngũ nhân viên y tế của bệnh viện này, từ vị Giám đốc, Giáo sư Trí đến các cô y tá, điều dưỡng viên, về tất cả những con người Việt Nam nói chung.
Các bạn đọc thân mến! Có ở nơi đâu các bạn thấy bác sỹ điều trị tự tay cạo râu, tắm rửa cho bệnh nhân, chụp ảnh rồi nhờ những bạn bè, người thân của mình giúp đỡ họ.
Thầy giáo Eldaniz được các bác sỹ trực tiếp cạo râu khi đang điều trị tại viện (ảnh V.T) |
Bác sỹ Hưng - bác sĩ điều trị của con trai tôi, Thạc sỹ y khoa Vũ Quang Hưng đã làm những điều đó cho con trai tôi. Anh đã trở thành người bạn thân thiết của chúng tôi. Bác sĩ Trưởng khoa cũng là một con người tuyệt vời, ngày nào anh cũng đến thăm hỏi sức khỏe cho con trai tôi. Còn các cô y tá thì khỏi phải nói, chân tình, dịu dàng hiếm thấy.
Mấy hôm sau lại một tốp học sinh từ Sơn La về thăm Eldaniz. Các em rón rén lại gần thầy. Eldaniz khó khăn lắm mới ngồi dậy được, nói chuyện với các em bằng tiếng Anh. Vì mắt không nhìn thấy, Eldaniz mới hỏi tên các em. Khi biết thầy giáo gần như không nhìn thấy và không phân biệt được các em thì chúng hốt hoảng òa lên khóc làm cho cả bệnh viện nhốn nháo. Rồi tôi cũng khóc cùng các em…
Mọi người chạy đến tưởng có chuyện không hay, điều thường xảy ra ở bệnh viện này. Họ nhìn cảnh đau buồn đó và an ủi các em. Nhưng các bé vẫn khóc mãi cho đến khi Eldaniz đứng dậy đi vài bước tới chỗ các em và yêu cầu các em im lặng kẻo thầy giáo sẽ bị bệnh nặng hơn.Thế là các em mới nín khóc và đến chỗ thầy. Con trai tôi nói với các em là sẽ chữa lành bệnh và sẽ trở lại với các em.
Tôi đã được chứng kiến tình cảm thiêng liêng giữa thầy và trò và tôi khẳng định một lần nữa rằng người thầy không phải học mà thành, người thầy phải có tố chất bẩm sinh. Con trai tôi bẩm sinh là một thầy giáo mà tôi không biết. Eldaniz đã theo học và tốt nghiệp khoa kinh tế của Học viện Khai thác dầu mỏ Azerbaijan.
Lần đầu tiên tôi được tiếp cận một dân tộc như vậy và rất ngạc nhiên, tuy tôi thấy họ có rất nhiều điểm gần gũi người Azerbaijan chúng ta. Thời nay con người đối với nhau hoàn toàn khác mà.
Các bạn Việt Nam đã cho ta thấy mẫu hình thực sự của tính nhân văn, sự hòa hợp đa văn hóa và chủ nghĩa nhân đạo. Một điều cần thiết biết bao cho thời nay.
Vị giám đốc Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương - Giáo sư Nguyễn Anh Trí - Anh hùng lao động XHCN, đại biểu Quốc hội, là nhà thơ, nhạc sĩ, tiến sĩ y khoa, nhưng ông thật bình dị, chân tình và thông thái.
Ông đã nhiều lần cùng các vị chức sắc đến thăm Eldaniz. Sau khi bệnh tình của Eldaniz tiến triển tốt, ông đã tổ chức họp báo để cùng tôi cám ơn những ai đã giúp đỡ tinh thần và vật chất cho con trai tôi.
Sau cùng, ông tổ chức buổi chia tay của tập thể bệnh viện với cha con tôi, chúc mừng chúng tôi. Đáp lại, chúng tôi đã hứa là không bao giờ quên tấm lòng đôn hậu này và hứa ngay khi bình phục sẽ quay trở lại Việt Nam.
Có thể bài viết ngắn ngủi này của tôi là lời cảm ơn đối với họ, và mục đích của tôi là giới thiệu về các bạn Việt Nam với những người chưa hoặc biết quá ít về họ. Tôi đã nói với các bạn Việt Nam là qua phim ảnh tôi biết các bạn là những chiến sĩ quả cảm, những nhà yêu nước chân chính, nhưng tôi không biết rằng các bạn còn là những con người giàu lòng trắc ẩn, đôn hậu và cao thượng đến như vậy.
Thưa các bạn, nói thực là chi phí đợt điều trị đầu tiên của Eldaniz ở Việt Nam là hơn 10 ngàn đôla Mỹ. Toàn bộ chi phí này là do các bạn Việt Nam giúp chi trả.
Ngoài ra, để cháu còn tiếp tục chữa trị, họ còn quyên góp một khoản tiền lớn trao cho chúng tôi, nhờ đó mà Eldaniz đã được chạy chữa hai đợt nữa ở Minxk - Belarus, và hiện nay ở Azerbaijan. Đó là về mặt vật chất. Còn sự giúp đỡ về tinh thần thì không gì đo đếm được. Nếu như các bạn tận mắt nhìn thấy cảnh những người bạn trên ba bốn chiếc xe ôtô tiễn chúng tôi ra sân bay, ai cũng rớt nước mắt khi chia tay.
Và đến bây giờ ngày nào các bạn ấy cũng gọi điện hỏi thăm Eldaniz ăn ngủ ra sao, tiếp tục chạy chữa như thế nào.
...Xin gửi lời cám ơn đặc biệt đến ông Khải, đến tập thể y bác sĩ, nhân viên của Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương, đứng đầu là Giáo sư Nguyễn Anh Trí, cám ơn các bà mẹ thiện nguyện. Cám ơn tất cả những ai đã giúp đỡ chúng tôi trong những giờ phút gian nan ấy. Xin phép ôm hôn tất cả các bạn.
Xin chào Việt Nam, xin cảm ơn các bạn Việt Nam
Nhân dịp Năm mới 2018, tôi xin chúc mừng nhân dân Việt Nam, xin chúc các bạn sức khỏe, thành công trong sự nghiệp và hạnh phúc, may mắn trong cuộc sống. Xin chúc mừng các bạn, những con người tuyệt vời!
Giáo sư, Tiến sĩ Ngữ văn, Trưởng bộ môn ngôn ngữ Nga hiện đại
Trường Đại học Tổng hợp Xlava tại Bacu – Azerbaijan.
Valex Nasibov
(Bức thư được dịch bởi bà Nguyễn Lan Hương)
Theo VOV