KỶ NIỆM 45 NĂM NGÀY KÝ HIỆP ĐỊNH PARIS (27-1-1973 – 27-1-2018)

Bước ngoặt trong lịch sử Việt Nam

.

Những bài học vô cùng quý giá

Hội nghị Paris và Hiệp định Paris mãi mãi đi vào trong lịch sử cách mạng Việt Nam nói chung và ngoại giao Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh nói riêng, như một dấu son không bao giờ phai mờ. Hiệp định Paris còn là bằng chứng tất yếu của sự nghiệp đấu tranh chính nghĩa của dân tộc Việt Nam được sự ủng hộ mạnh mẽ của nhân dân tiến bộ toàn thế giới.

Cố vấn đặc biệt Lê Đức Thọ (giữa), đại diện đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Cố vấn đặc biệt của Tổng thống Hoa Kỳ, Tiến sĩ Henry Kissinger chúc mừng nhau sau lễ ký tắt.(Ảnh tư liệu)
Cố vấn đặc biệt Lê Đức Thọ (giữa), đại diện đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Cố vấn đặc biệt của Tổng thống Hoa Kỳ, Tiến sĩ Henry Kissinger chúc mừng nhau sau lễ ký tắt.(Ảnh tư liệu)

Khác hẳn với lịch sử ngoại giao trên thế giới, thành công của cuộc đàm phán đưa tới Hiệp định Paris gắn liền với phong trào của nhân dân thế giới đoàn kết và ủng hộ Việt Nam. Việt Nam đã tranh thủ được sự giúp đỡ to lớn của Liên Xô, Trung Quốc, các nước xã hội chủ nghĩa, sự giúp đỡ chí tình của Đảng Cộng sản Pháp, nhân dân Pháp và phong trào cánh tả, phong trào không liên kết, nhân dân các nước tư bản, nhân dân Mỹ và phong trào phản chiến của binh lính Mỹ. Sự hình thành của mặt trận nhân dân thế giới ủng hộ nhân dân Việt Nam đã thể hiện phương châm kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, sức mạnh dân tộc với sức mạnh quốc tế, kết hợp ngoại giao Nhà nước với ngoại giao nhân dân.

Bài học thứ nhất và quan trọng nhất là tuyệt đối tin tưởng vào sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng. Đây là nhân tố quyết định mọi thắng lợi. Trong suốt quá trình đàm phán, Bộ Chính trị đã luôn theo dõi và chỉ đạo sát sao cả về chiến lược và sách lược đối với hai đoàn đàm phán để đi đến thắng lợi cuối cùng. Thứ hai, giữ vững độc lập, tự chủ, coi đây là nguyên tắc quan trọng nhất trong xử lý các vấn đề đối ngoại. Hội nghị Paris một lần nữa khẳng định rằng, chỉ có giữ vững độc lập, tự chủ trong quyết định chiến lược, sách lược, ta mới có thể chủ động tiến công, chủ động tạo thời cơ và tranh thủ thời cơ để bảo vệ lợi ích dân tộc. Thứ ba, sự phối hợp chặt chẽ của các ngành, các cấp, các lĩnh vực là nhân tố quyết định bảo đảm thắng lợi. Trong suốt quá trình đấu tranh ngoại giao tại Hội nghị Paris, sự phối hợp nhịp nhàng giữa ba mặt trận chính trị, quân sự và ngoại giao, giữa “đánh” và “đàm”, giữa các binh chủng hợp thành thế trận chiến tranh nhân dân, có ý nghĩa vô cùng quan trọng.

Ngay tại Paris, sự phối hợp chặt chẽ và thực hiện phương châm “tuy hai mà một, tuy một mà hai” của hai đoàn đàm phán dưới sự lãnh đạo thống nhất của Đảng ta cũng là nhân tố hết sức quan trọng để đi đến thắng lợi. Thứ tư, chủ động, sáng tạo là phương cách bảo đảm thắng lợi trong đấu tranh ngoại giao. Ngoại giao thời kỳ chống Mỹ, cứu nước mà đỉnh cao là Hội nghị Paris thực sự đã trở thành một mặt trận chiến lược, đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp của dân tộc. Trong suốt quá trình đàm phán tại Paris, mặt trận ngoại giao đã chủ động tiến công, đồng thời tận dụng tối đa các thế mạnh đặc thù của mình để giành thắng lợi. Thứ năm, Hội nghị Paris là bài học tiêu biểu về kết hợp sức mạnh của dân tộc với sức mạnh của thời đại.

Kỷ niệm thắng lợi oanh liệt của Hội nghị Paris là dịp để bày tỏ lòng tri ân sâu sắc đến những người con của Tổ quốc đã chiến đấu quên mình vì độc lập, tự do, thống nhất đất nước. Sự hy sinh và công ơn to lớn ấy sẽ mãi mãi là tấm gương sáng cho lớp lớp thế hệ người Việt Nam. Đây cũng là dịp để bày tỏ lòng biết ơn chân thành tới các bạn bè quốc tế khắp năm châu, trước hết là nhân dân các nước xã hội chủ nghĩa, đã kề vai sát cánh với nhân dân Việt Nam trong suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Ôn lại các ý nghĩa trọng đại và bài học sâu sắc của Hội nghị Paris để thêm vững tin vào sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, quyết tâm phát huy tinh thần Hội nghị Paris, vận dụng sáng tạo các bài học của hội nghị trong bối cảnh tình hình và nhiệm vụ mới, quyết tâm góp phần xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN trong thời kỳ mới.

D.Minh tổng hợp

;
.
.
.
.
.
.