Nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2018

.

Trong ngày đầu tiên của năm 2018, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ký ban hành Nghị quyết  01/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2018, đề ra phương châm hành động “kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, hiệu quả”.

Theo đó, trọng tâm chỉ đạo điều hành của Chính phủ năm 2018 là thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; thực hiện quyết liệt cải cách hành chính; tăng cường kỷ luật, kỷ cương, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực thi pháp luật và sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành ở tất cả các ngành, các cấp; đẩy mạnh phòng chống tham nhũng, lãng phí; chú trọng các nhiệm vụ phát triển văn hóa - xã hội; thực hành dân chủ và công bằng xã hội, nâng cao đời sống nhân dân…

Tăng trưởng GDP: 6,7%

Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương xây dựng hệ thống chỉ tiêu cụ thể phục vụ công tác chỉ đạo điều hành theo chức năng, nhiệm vụ, phạm vi, lĩnh vực công tác được giao; tập trung thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp; trong đó, tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững. Phấn đấu tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) đạt 6,7%, kiểm soát tốc độ tăng giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4%.

Tăng cường kỷ luật tài chính, điều hành ngân sách chặt chẽ, tiết kiệm, trong phạm vi dự toán được giao. Tăng cường thanh tra, kiểm tra, chống thất thu, buôn lậu, gian lận thương mại, quản lý chặt chẽ giá tính thuế, chống chuyển giá, trốn lậu thuế.

Triệt để tiết kiệm các khoản chi ngân sách, rà soát, sắp xếp các nhiệm vụ chi chưa thực sự cấp thiết; hạn chế mua sắm xe ô-tô công và trang thiết bị đắt tiền; hạn chế tối đa tổ chức hội nghị, lễ hội, hội thảo, khánh tiết, công tác nước ngoài... nhằm kiểm soát bội chi ở mức 3,7% GDP.

Quản lý chặt chẽ và sử dụng hiệu quả tài sản công, nợ công, tăng cường quản lý các quỹ ngoài ngân sách, kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc vay, sử dụng vốn vay, trả nợ. Phấn đấu đến cuối năm 2018, dư nợ công khoảng 63,9% GDP, nợ Chính phủ khoảng 52,5% GDP, nợ nước ngoài của quốc gia khoảng 47,6% GDP.

Tăng cường quản lý, giám sát chặt chẽ đầu tư công, kiên quyết phòng, chống lợi ích nhóm, tham nhũng, lãng phí; xử lý nghiêm các vi phạm trong hoạt động đầu tư công; chấn chỉnh những bất cập trong các dự án đối tác công tư, nhất là các dự án BOT. Tăng cường các biện pháp để không phát sinh nợ đọng xây dựng cơ bản.

Phấn đấu thành lập mới 135.000 doanh nghiệp trong năm 2018

Thành lập Ủy ban quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp (DN). Tổ chức phân công, phân cấp thực hiện các quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ của chủ sở hữu Nhà nước đối với DN Nhà nước và vốn Nhà nước đầu tư vào DN. Đẩy mạnh cổ phần hóa gắn với niêm yết trên thị trường chứng khoán và thoái vốn nhà nước tại các DN mà Nhà nước không cần nắm giữ theo các nguyên tắc thị trường, công khai, minh bạch, đúng pháp luật và bảo đảm lợi ích cao nhất của Nhà nước. Tạo chuyển biến căn bản trong việc xử lý các DN, dự án thua lỗ. Sớm ban hành các văn bản hướng dẫn và thực hiện Luật Hỗ trợ DN nhỏ và vừa. Phấn đấu thành lập mới 135.000 DN trong năm 2018.

Đẩy mạnh thực hiện cơ cấu lại nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới theo kế hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1819/QĐ-TTg ngày 16-11-2017 và Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Phấn đấu năm 2018, có ít nhất 52 huyện và 37% xã đạt chuẩn nông thôn mới; tốc độ tăng trưởng GDP của khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản đạt khoảng 3,0%, kim ngạch xuất khẩu đạt 36-37 tỷ USD.

Tập trung phát triển các ngành dịch vụ có giá trị gia tăng cao, dịch vụ hỗ trợ nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ công nghệ thông tin, truyền thông, tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, logistics, du lịch... Tăng cường và đổi mới công tác xúc tiến, quảng bá du lịch; phát triển sản phẩm du lịch đa dạng, độc đáo; xây dựng thương hiệu du lịch Việt Nam và từng vùng, từng địa phương nhằm từng bước phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đạt khoảng 15 triệu lượt khách du lịch quốc tế đến Việt Nam. Phấn đấu tốc độ tăng trưởng GDP của khu vực dịch vụ đạt khoảng 7,4%.

Thay thế cán bộ, công chức trì trệ

Năm 2018, phấn đấu giảm khoảng 2,5% số đơn vị sự nghiệp công lập. Quản lý chặt chẽ số lượng biên chế công chức, biên chế sự nghiệp; dừng việc giao bổ sung biên chế; chấm dứt việc tự phê duyệt và giao biên chế vượt quá số đã được cấp có thẩm quyền giao; có kế hoạch và giải pháp để giải quyết dứt điểm số biên chế vượt quá số biên chế được giao. Các cơ quan, đơn vị chưa sử dụng hết số biên chế được giao phải xem xét, cắt giảm phù hợp. Trong năm 2018, giảm 1,7% biên chế công chức so với số giao năm 2015; giảm tối thiểu 2,5% biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách Nhà nước so với số giao năm 2015.

Tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính trong xây dựng pháp luật, thực thi công vụ và hoạt động của các cơ quan trong hệ thống hành chính Nhà nước từ Trung ương đến cơ sở; thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở; tạo động lực và áp lực, chuyển biến thái độ xử lý gắn với trách nhiệm chính trị trong thực thi công vụ đối với cán bộ, công chức, nhất là người đứng đầu. Kịp thời thay thế các cán bộ, công chức trì trệ, cản trở, không hoàn thành nhiệm vụ. Xử lý nghiêm và kịp thời theo quy định của pháp luật các tổ chức và cá nhân có vi phạm trong thực thi công vụ. Đẩy mạnh đổi mới phương thức, lề lối làm việc của cơ quan hành chính Nhà nước; giảm hội họp, giấy tờ hành chính và chế độ báo cáo, tăng cường họp trực tuyến và tin học hóa các hoạt động của các cơ quan hành chính Nhà nước; khắc phục tình trạng thanh tra, kiểm tra, kiểm toán chồng chéo; xây dựng nền hành chính chuyên nghiệp, hiện đại, hiệu quả; xử lý nghiêm các hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực, vi phạm pháp luật, sách nhiễu người dân và DN.
Xây dựng Chính phủ điện tử phục vụ người dân. Tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu các ngành, các cấp trong việc chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ xây dựng Chính phủ điện tử.

Tiếp tục đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng. Tập trung chỉ đạo điều tra các vụ án tham nhũng lớn để truy tố, xử lý nghiêm minh trước pháp luật theo tinh thần không có vùng cấm, tất cả hành vi vi phạm đều phải được xử lý đúng pháp luật. Mở rộng hoạt động hợp tác quốc tế về phòng, chống tham nhũng; tiếp thu những kinh nghiệm tốt của thế giới để nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng ở Việt Nam; đẩy mạnh công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo; triển khai thanh tra theo kế hoạch gắn với thanh tra đột xuất khi có dấu hiệu vi phạm, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm pháp luật về khiếu nại, tố cáo, tập trung vào các lĩnh vực dễ phát sinh tiêu cực, tham nhũng, dư luận có nhiều quan tâm, có nhiều đơn thư khiếu nại, tố cáo như: đất đai, tài nguyên khoáng sản, các dự án đầu tư theo hình thức BOT, BT, cổ phần hóa DN Nhà nước, tài chính, ngân hàng, thuế, hải quan, đầu tư nước ngoài...

3 đột phá chiến lược

Chính phủ đề cập việc thực hiện quyết liệt và đồng bộ 3 đột phá chiến lược:

- Hoàn thiện pháp luật gắn với tổ chức thi hành pháp luật theo tinh thần thượng tôn pháp luật; hoàn thiện thể chế về phát triển, ứng dụng khoa học công nghệ, giáo dục, để tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

- Xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiệu quả trên cơ sở xây dựng quy hoạch về kết cấu hạ tầng, xây dựng các đô thị, hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật về đối tác công tư.

- Chấn chỉnh những bất cập trong hình thức đầu tư đối tác công tư, khẩn trương rà soát tổng thể hình thức đầu tư BOT, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án quan trọng như tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam, dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành, sớm hoàn thành tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông, tuyến Metro Bến Thành - Suối Tiên, tuyến hành lang ven biển phía Bắc và phía Nam; kết nối một số tuyến giao thông trong tổng thể hành lang Đông Tây, hành lang Xuyên Á...

B.T

;
.
.
.
.
.
.