Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân năm 1968 là một trong những chiến dịch quân sự lớn nhất, có một vai trò quan trọng và mang tính bước ngoặt trong chiến tranh Việt Nam.
Bia chiến tích trận đánh năm 1968 tại xã Hòa Nhơn. Ảnh: hoavang.danang.gov.vn |
Tại Đà Nẵng, vào lúc 2 giờ 20 phút ngày
31-1-1968, toàn thành phố đã diễn ra đồng loạt các cuộc tấn công bất ngờ vào các cứ điểm của địch trên địa bàn. Trước đó, theo kế hoạch chung của Khu ủy 5 và Đặc Khu ủy Quảng Đà, đêm 30-1-1968, quân và dân ta bước vào một cuộc chiến đấu quyết liệt: Tổng tiến công và nổi dậy đồng loạt. Ở Hòa Vang, nhiệm vụ chủ yếu của Đảng bộ và nhân dân toàn huyện là đưa lực lượng quần chúng nhập thị, tiến hành khởi nghĩa giành chính quyền trong thành phố.
Khu 3 Hòa Vang là hướng tiến công chính của lực lượng chính trị tiến vào Đà Nẵng. Các cánh quân khởi nghĩa của nhân dân ta từ các huyện Điện Bàn và Hòa Vang, đủ các tầng lớp nhân dân, có cả cụ già, phụ nữ, thiếu niên, tay cầm cờ, tay cầm gậy, phân thành 15 đại đội-trong đó có 8 đại đội xung kích, hối hả kéo vào Đà Nẵng. Đúng vào lúc ta pháo kích vào sân bay Nước Mặn (nay thuộc quận Ngũ Hành Sơn), 8 đại đội xung kích của ta đã vượt qua nhiều ấp chiến lược về tập trung tại Trung Lương (nay thuộc phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ).
Đến 5 giờ sáng ngày 31-1-1968, khi có lệnh vượt sông vào thành phố, cơ sở cách mạng Hòa Cường đã huy động 100 chiếc thuyền và 3 ca nô chở quân khởi nghĩa qua sông nhưng bị quân ngụy đóng ở ấp chiến lược Cồn Dầu nổ súng chặn lại. Hai đại đội xung kích của ta chuyển hướng tiến công vào ấp chiến lược làm chúng hốt hoảng tháo chạy. Ta bắt được 15 tên ngụy, tề và đánh chiếm bốt gác của địch tại cầu Vịnh Đa để mở đường tiến công vào thành phố, du kích bắn rơi một máy bay trinh sát, bọn chốt gác bỏ chạy tán loạn...
Khu 2 Hòa Vang huy động được 6.000 người chia làm hai bộ phận, 3.000 quần chúng xung kích vào trước nội thành nhưng bị hoãn lại chờ lệnh, còn lại 3.000 người phía sau tập kết ở đường Túy Loan - Cẩm Lệ quay về phản kích vào quận lỵ Hiếu Đức (nay là xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang), đánh sập nhà hành chính, cảnh sát, đốt cháy kho vũ khí, đạn dược...
Hướng Khu 1 Hòa Vang, cuộc đấu tranh quyết liệt diễn ra tại thị trấn Nam Ô, sau đó một lực lượng của ta vượt sông Thủy Tú để tiến vào thành phố. Trước khí thế hừng hực của quân và dân ta, lính Mỹ đã bắn xối xả vào đội hình quần chúng, ông Nguyễn Bá Hiệu (thôn Xuân Thiều, nay thuộc phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu) cầm cờ đi đầu đã hy sinh tại chỗ. Trước tình hình đó, lực lượng vũ trang vừa đánh trả địch, vừa đưa một bộ phận quần chúng vào bên trong thị trấn Nam Ô để nổi dậy tổ chức biểu tình, thị uy cùng với lực lượng vũ trang truy bắt tề, ngụy. Nhân dân đã làm chủ được một ngày, sau đó địch dùng hỏa lực liên tục bắn vào Nam Ô, lực lượng quần chúng buộc phải rút ra nhưng bọn tề ngụy vẫn không dám quay trở lại nơi này một thời gian.
Điều đáng tiếc là do “Giờ G” thay đổi, hai lực lượng quân sự và chính trị không phối hợp chặt chẽ, lại bị địch phát hiện, mất yếu tố bất ngờ nên cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968 ở Đà Nẵng không đạt yêu cầu như đã định. Các cánh quân khởi nghĩa vùng cát Hòa Vang - Điện Bàn, Khu 1, Khu 2 và Khu 3 Hòa Vang, vùng A và B của huyện Điện Bàn đã tiến vào Đà Nẵng theo các hướng đã phân công song đều bị địch phát hiện và chặn lại.
Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân năm 1968 là một trong những chiến dịch quân sự lớn nhất, có một vai trò quan trọng và mang tính bước ngoặt trong chiến tranh Việt Nam.
Với Hòa Vang, chiến dịch Xuân Mậu Thân đã huy động đến mức cao nhất tinh thần yêu nước và ý chí tiến công tiêu diệt giặc của Đảng bộ và nhân dân toàn huyện. Các cán bộ, đảng viên, du kích và những cơ sở trung kiên nơi đây đã bất chấp mọi hy sinh, gian khổ, hỗ trợ đắc lực cho kế hoạch tổng tiến công và nổi dậy tại thành phố Đà Nẵng, góp phần đưa cuộc chiến tranh cách mạng vào thời kỳ phát triển mới: thời kỳ kết hợp tổng tiến công và nổi dậy trên khắp cả ba vùng chiến lược: rừng núi, đồng bằng và đô thị. Quá trình chuẩn bị và thực hiện cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân đã tỏ rõ sức mạnh và khí thế rung trời, chuyển đất của nhân dân.
Nửa thế kỷ đi qua, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 là một chặng đường lịch sử vẻ vang, niềm tự hào to lớn đối với Đảng bộ và nhân dân Hòa Vang hôm nay và mai sau...
VĂN THÀNH LÊ
(Theo tài liệu Ban Tuyên giáo Huyện ủy Hòa Vang cung cấp)
Gặp mặt cán bộ, chiến sĩ tham gia Tổng tiến công Xuân Mậu Thân 1968 Nhân kỷ niệm 50 năm cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, huyện Hòa Vang xây dựng kế hoạch tổ chức gặp mặt cán bộ, chiến sĩ trực tiếp tham gia các trận đánh dịp Tết Mậu Thân 1968 trên địa bàn. Theo đó, các nhân chứng lịch sử sẽ kể lại chi tiết các trận đánh vào sân bay Nước Mặn, sân bay Đà Nẵng, trận địa pháo Thanh Vinh, Tổng kho hậu cần Bàu Mạc, kho xăng Liên Chiểu, quận lỵ Hiếu Đức, thị trấn Nam Ô... Các câu chuyện sẽ phác họa đậm nét khí thế quật cường của quân và dân Hòa Vang anh hùng, góp phần cùng miền Nam giáng đòn quyết định vào ý chí xâm lược của đế quốc Mỹ, buộc chúng phải xuống thang chiến tranh, ngồi đàm phán ở Paris... Dịp này, nhiều địa phương trên địa bàn huyện tổ chức gặp mặt các thương, bệnh binh tham gia cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân năm 1968. Phấn đấu có 2 xã xét công nhận lại đạt chuẩn nông thôn mới Năm 2018, huyện Hòa Vang tập trung triển khai Đề án Nông thôn mới giai đoạn 2017 - 2020, huy động nội lực, phát huy ngoại lực nâng cao chất lượng các tiêu chí đã đạt được, nhất là những tiêu chí chưa bền vững như hộ nghèo, môi trường, thu nhập. Phấn đấu có 2 xã xét công nhận lại đạt chuẩn nông thôn mới là xã Hòa Châu, Hòa Tiến. Bên cạnh đó, huyện sẽ triển khai hiệu quả các nguồn vốn thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, vốn sự nghiệp nông thôn mới 2018, các nguồn hỗ trợ... để đầu tư nâng cấp các tiêu chí nông thôn mới, tập trung đầu tư hoàn thiện hạ tầng giao thông, trường học, phát triển sản xuất, các thiết chế văn hóa. Đầu tư gần 8 tỷ đồng bê-tông hóa đường giao thông nông thôn Đó là kinh phí đầu tư trong năm 2017 thuộc chương trình bê-tông hóa đường giao thông kiệt xóm trên địa bàn huyện Hòa Vang. Từ nguồn kinh phí này, huyện đầu tư bê-tông hóa gần 19km đường giao thông kiệt xóm, giao thông nội đồng và 9,9km kênh mương nội đồng tại các địa phương. Huyện cũng đã đầu tư điện chiếu sáng tại 66 tuyến đường với tổng kinh phí gần 10 tỷ đồng; trong đó có 43 tuyến thực hiện theo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”. Phấn đấu xóa hết hộ nghèo vào năm 2019 Với sự hỗ trợ, giúp đỡ từ nhiều nguồn lực khác nhau, năm 2017 huyện Hòa Vang đã tạo việc làm cho hơn 2.400 lao động, thu nhập bình quân đầu người không ngừng tăng lên. Đó là cơ sở để huyện phấn đấu đến cuối năm 2019, sẽ xóa hết hộ nghèo theo chuẩn thành phố và đến năm 2020, thu nhập bình quân đầu người tăng lên 65 triệu đồng/năm. Được biết, thực hiện chủ đề “Năm nông nghiệp 2017” với định hướng là phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, ngành nông nghiệp huyện Hòa Vang đã triển khai nhiều mô hình sản xuất mới như nuôi gà đồi, nuôi cua thương phẩm, nhân giống hoa lan, trồng dược liệu... Bên cạnh đó, các ngành chức năng đã tổ chức 45 lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật cho hơn 1.000 hội viên nông dân. Cùng với đó, nông dân đã được vay vốn hơn 8,7 tỷ đồng. THANH GIANG |