Nghị quyết số 21-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII nhấn mạnh: “Đổi mới nội dung tuyên truyền, vận động về công tác dân số. Nội dung truyền thông, giáo dục phải chuyển mạnh sang chính sách dân số và phát triển”. Vì thế, công tác tuyên truyền, vận động, giáo dục luôn được coi là mũi nhọn hàng đầu và là điều kiện để thực hiện thành công công tác dân số, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội và sự phát triển bền vững của thành phố Đà Nẵng.
Xe diễu hành tuyên truyền thực hiện công tác dân số. |
Trong thời gian qua, công tác dân số và thực hiện kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) đã trực tiếp làm tăng 0,38 lần GDP bình quân đầu người, bình quân tăng khoảng 2% mỗi năm. Dân số Việt Nam bước vào thời kỳ cơ cấu “dân số vàng” và dự kiến đạt đỉnh cao vào khoảng năm 2020-2030, với dân số trong độ tuổi lao động chiếm khoảng 70%, cải thiện rõ rệt tình trạng sức khỏe bà mẹ và trẻ em; tỷ lệ tử vong trẻ em dưới 1 tuổi, dưới 5 tuổi đều đạt và vượt chỉ tiêu Quốc hội giao, góp phần đáng kể vào việc tăng thu nhập, cải thiện đời sống nhân dân, giảm tình trạng đói nghèo, tăng cường bình đẳng giới... đóng góp cho sự phát triển bền vững của đất nước.
Để có được những kết quả trên, trong tất cả các giải pháp, quan trọng nhất vẫn là truyền thông thay đổi nhận thức, thay đổi hành vi của người dân. Trong những năm qua, công tác truyền thông, chuyển đổi hành vi đã có nhiều hiệu quả. Ngành dân số có đội ngũ cán bộ làm công tác dân số từ thành phố đến xã, phường và có hơn 1.843 cộng tác viên dân số - sức khỏe cộng đồng bám cơ sở, tuyên truyền chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác dân số tới mọi người dân. Bằng sự nhiệt tình, kinh nghiệm, sự hiểu biết, kiên trì, uy tín và cách tuyên truyền phong phú của mình, cộng tác viên dân số là những mắt xích quan trọng tạo nên thành công của công tác dân số trong thời gian qua. Cùng với chiến dịch truyền thông lồng ghép, đưa dịch vụ KHHGĐ và công tác truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng đã tạo nên bước chuyển biến rất rõ rệt trong nhận thức của người dân, rất nhiều người dân đã hiểu sâu sắc hơn và tự nguyện tham gia vào mặt trận này.
Tuy nhiên, công tác dân số vẫn có nhiều thách thức, nhiều vấn đề mới nảy sinh. Đó là tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh, tốc độ già hóa dân số nhanh, chênh lệch bất lợi mức sinh giữa các vùng, miền; vấn đề tận dụng và phát huy lợi thế cơ cấu dân số vàng khi mà chất lượng nguồn nhân lực còn nhiều hạn chế... Trong khi đó, công tác truyền thông, giáo dục về dân số ở một số địa phương, nhóm đối tượng hiệu quả chưa cao, đặc biệt cho lứa tuổi tương lai của đất nước về chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên và thanh niên; chưa đẩy mạnh tư vấn và khám sức khỏe tiền hôn nhân; nội dung truyền thông, cung cấp dịch vụ chưa toàn diện, chủ yếu tập trung vào KHHGĐ.
Chia sẻ về giải pháp trong công tác truyền thông và vận động xã hội, lãnh đạo Chi cục DS-KHHGĐ thành phố cho biết: Bài học kinh nghiệm trong thực hiện thắng lợi Nghị quyết, chính sách của Đảng, Nhà nước và những thành tựu thành phố Đà Nẵng đạt được là đã thực hiện tốt chiến lược truyền thông vận động chuyển đổi hành vi từng giai đoạn.
Chính vậy, công tác dân số trong giai đoạn mới là “Chuyển đổi sang nội hàm về dân số và phát triển là một vấn đề lớn và mới hoàn toàn. Do vậy, công tác truyền thông vận động cần được triển khai sớm và đổi mới cả về nội dung lẫn phương pháp truyền thông vận động. Công tác dân số và phát triển là vấn đề lâu dài, mang tính chiến lược và có những khó khăn thách thức đang đặt ra ở cả quy mô dân số, cơ cấu dân số, chất lượng dân số. Truyền thông giáo dục nâng cao nhận thức, chuyển đổi hành vi là một trong hai hoạt động có tính quyết định đến sự thành công của công tác này. Trong giai đoạn hiện nay, công tác truyền thông càng được chú trọng và để triển khai có hiệu quả, rất cần sự linh hoạt, uyển chuyển của mỗi một địa phương, nhất là cấp xã, phường.
Hiện nay, Đà Nẵng bước sang giai đoạn hai thực hiện chiến lược dân số và sức khỏe sinh sản (2011-2020). Do đó, công tác truyền thông giáo dục phải có sự chuyển hướng linh hoạt. Trước đây, chúng ta “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng” để cung cấp các dịch vụ, phương tiện tránh thai và truyền thông cho người dân, thì nay nhiệm vụ của các cán bộ, cộng tác viên dân số nặng nề hơn và khó khăn hơn rất nhiều, đó là phải đổi mới nâng cao chất lượng sống của người dân; đưa những ứng dụng mới như tư vấn việc sàng lọc trước sinh và sơ sinh, tư vấn tiền hôn nhân.
Cách thức truyền thông cũng cần phải thay đổi, không chỉ tiếp cận với dân thường mà với cả đối tượng trí thức, những người có điều kiện kinh tế... để họ thấy được những hiệu quả thiết thực của sàng lọc trước sinh và sơ sinh, tự nguyện tham gia dịch vụ đó bằng chính nguồn lực và sự hiểu biết của họ. Các thông điệp truyền thông cho người dân cũng có thay đổi, không còn là “sinh từ 1 đến 2 con” mà đối với những nơi mức sinh đang xuống thấp như quận Hải Châu, quận Thanh Khê thì cần vận động người dân “sinh đủ 2 con”. Đối với những nơi điều kiện kinh tế, xã hội còn nhiều khó khăn, có mức sinh cao vẫn phải tiếp tục vận động giảm sinh để đưa về mức sinh thay thế.
Truyền thông phải luôn luôn đi trước một bước, mỗi địa phương cần lựa chọn đúng mô hình, phương tiện, hình thức, đối tượng để có phương thức thực hiện hiệu quả. Đồng thời tham mưu để các cấp lãnh đạo, đưa ra được quyết sách đúng đắn, hợp lý cho công tác dân số - phát triển cả về nguồn lực, tổ chức bộ máy cùng với sự huy động cả xã hội cùng tham gia.
Bài và ảnh: MINH PHÚC