Trong bão gió Trường Sa - Bài cuối: Ấm áp tình quân dân

.

Lần đầu tiên được ra quần đảo Trường Sa công tác, cũng đúng vào dịp chuẩn bị đón Tết cổ truyền của dân tộc, chúng tôi cảm nhận không khí vui tươi, đầm ấm và đoàn kết của các cán bộ, chiến sĩ (CBCS) - những người đang bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Tết của lính đảo thêm trọn vẹn khi nhận được tình cảm yêu thương của đồng bào cả nước.

Hoa, cây cảnh từ đất liền chuyển ra đảo.
Hoa, cây cảnh từ đất liền chuyển ra đảo.

Rộn ràng không khí Tết

Có mặt trên các điểm đảo khi các CBCS đang tất bật làm công tác giao quân, tiếp nhận hàng hóa chuẩn bị Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018, chúng tôi cảm nhận không khí Tết nơi hải đảo luôn đầy ắp hơi thở của cả nước.

Bởi, trên các chuyến tàu ra 33 điểm đảo Trường Sa của Việt Nam, hàng trăm món quà của Đảng, Nhà nước, các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp và người dân đất liền đã gửi ra các đảo. Trong đó có những cây mai, cây quất được nâng niu cẩn thận để còn nguyên vẹn khi tới đảo. Các điểm đảo vừa trải qua bão dữ nhưng nơi đâu cũng đầy ắp tiếng cười, sự lạc quan.

Nhìn những chiếc bánh chưng, bánh tét xanh mướt màu lá gói, tinh thần tất cả mọi người đều phấn chấn. Trung tá Hoàng Văn Ánh, công tác trên đảo Phan Vinh chia sẻ: “Đây là cái Tết thứ 8 của tôi ở đảo. Hôm nay có lá dong rất tươi và đẹp, anh em sẽ làm thật nhiều bánh.

Tôi biết gói bánh chưng từ khi còn ở nhà. Ra đây có người biết gói, có người chưa nhưng cứ học nhau mà gói và bắt đầu làm từ những cái nhỏ nhất như chẻ lạt, cắt lá... Sự quan tâm của đất liền tiếp thêm hơi ấm cho chúng tôi”.

Tại đảo Núi Le, trên bàn thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh, các CBCS đã sửa soạn mâm cúng với những chiếc bánh chưng vuông vức, đĩa ngũ quả đầy màu sắc và cành mai nhân tạo được ghép từ những vỏ sò, vỏ ốc đầy khéo tay sáng tạo của người lính đảo.

Nhớ hôm vào đảo Thuyền Chài, dù không gian đảo chật hẹp nhưng việc tổ chức đón Tết của chiến sĩ được chuẩn bị khá chu đáo. Để làm đẹp nhà đảo, mọi người đã mang theo một số vật trang trí nhà cửa, chậu hoa, thiệp hoa xuân, bên cạnh đó là những câu hỏi để tổ chức tọa đàm đón giao thừa, những trò chơi, thi hát karaoke...

Trong không khí Xuân rộn ràng ấy, đoàn công tác chúng tôi đã cùng hát ca những bài ca về tình yêu quê hương đất nước, những con người một lòng vì biển đảo. Những món quà từ đất liền gửi ra kết hợp với tăng gia, sản xuất tại chỗ các CBCS đã có một cái Tết thật vui vẻ, đầm ấm hòa vào niềm vui chung cùng cả nước..

Cán bộ, chiến sĩ đảo Phan Vinh gói bánh chưng đón Tết.
Cán bộ, chiến sĩ đảo Phan Vinh gói bánh chưng đón Tết.

Vững vàng tay súng

Giữa không khí đón xuân rộn rã, trong phút chuyển giao nhiệm vụ thay lính mới, chiến sĩ binh nhất Tài Đại Thảo (quê Ninh Thuận) ở đảo Tốc Tan, chia sẻ: “Năm nay, em rất tự hào và phấn khởi khi đón Tết tại đảo. Ở nhà được đón Tết với gia đình và bạn bè, ở đây em có thêm tình đồng chí, đồng đội. Xa đất liền nhưng em nghĩ đây là cơ hội để em rèn luyện bản thân và sẽ phấn đấu hơn nữa”. Còn chiến sĩ Dương Võ Hoài Phương (20 tuổi, quê Phú Yên) không giấu được cảm xúc:

“Đón Tết đầu tiên trên đảo, em cũng hồi hộp lắm. Em muốn gửi lời chúc cho các chiến sĩ đã hoàn thành nhiệm vụ trở về cùng gia đình có một cái Tết vui vẻ, hạnh phúc nhưng không quên những ngày tháng đáng nhớ ở đảo.

Thế hệ trẻ như em còn nợ đất nước nhiều lắm chị à. Em cũng là dân biển nên hiểu rằng giữ được chủ quyền biển, đảo là điều hết sức thiêng liêng nên em đã quyết định viết đơn đi nghĩa vụ ở Trường Sa”. Trong khi đó, Trung tá Nguyễn Văn Thủy, công tác tại Bộ Tư lệnh Vùng 3 Hải quân, nay được tăng cường làm nhiệm vụ cho đảo An Bang, chỉ kịp trao cho tôi gói quà gửi về cho vợ con ở quận Sơn Trà với lời tâm sự:

“Ra đảo, tôi cảm thấy trách nhiệm của mình đối với đất nước rất lớn. Tiếp nối bước chân người lính đảo, anh em vào thì mình ra đây, cứ thế đảo luôn có hơi ấm của chúng tôi. Xuân này, cho tôi gửi lời nhắn gửi chúc vợ con ở nhà đón Tết vui vẻ. Tôi ở ngoài này vẫn mạnh khỏe và cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ cao cả”.

Như nhắn nhủ “người mới”, Thượng úy Phạm Viết Sao, Chính trị viên đảo Tiên Nữ bày tỏ: “Tết ở Trường Sa dù vui đến mấy nhưng không ai quên nhiệm vụ. Anh em vẫn ngày đêm canh giữ đảo, không bỏ trống vị trí trực gác nào. Tết đã đến tôi xin gửi gắm tình cảm cá nhân mình đến nhân dân cả nước cùng đón Tết vui vẻ và an tâm, cán bộ chiến sĩ trên đảo Trường Sa nói chung luôn cầm chắc tay súng để bảo vệ Tổ quốc”.

“Không xa đâu, Trường Sa ơi!”

Trong chuyến công tác hơn 20 ngày lênh đênh trên biển, những nhà báo lần đầu tiên ra các đảo Trường Sa như tôi cảm thấy khoảng cách giữa đất liền và đảo chưa bao giờ lại gần đến thế. Vượt qua 4 lần đăng ký trong khoảng 13 năm kể từ năm 2004, nhà báo Lê Quang Phúc, Hội Nhà báo tỉnh Quảng Ninh mới thỏa lòng mong ước được đến Trường Sa.

Anh nói: “Năm nay mình đã 55 tuổi nên khi đi dài ngày, mọi người đều lo sức khỏe. Nhưng mình vẫn quyết tâm, ra Trường Sa mới thấy mình càng phải sống tránh nhiệm hơn với đất nước để đáp lại sự hy sinh của người lính đảo”.

Lần đầu tiên được đến với Trường Sa, nữ phóng viên Xuân Hiếu đã ghi lại những dòng cảm xúc trên cuốn sổ lưu bút của đảo Tiên Nữ: “Thật xúc động khi đã đến được đây. Xin cảm ơn những người lính đã ngày đêm bảo vệ vùng phên dậu của Tổ quốc. Gặp gỡ các anh rồi mới thấu hết tấm lòng kiên trung giữa biển trời…”

Qua những lời trò chuyện, tâm sự của các chiến sĩ để lại cho chúng tôi nhiều suy ngẫm về vấn đề chủ quyền dân tộc, về tầm quan trọng của biển đảo hiện nay và trách nhiệm của mỗi công dân đối với đất nước trong thời bình, nhưng chưa phải là yên. Câu hát “Không xa đâu, Trường Sa ơi. Không xa đâu ơi, Trường Sa ơi...” cứ lặp đi lặp lại trong tâm khảm tôi như thể nhắc nhở không được quên trách nhiệm công dân của mình.

Trở về đất liền, những ký ức về đảo cũng khó phai mờ vì quá đặc biệt. Đó là ký ức khó phai về đảo, về các tấm gương liệt sĩ hy sinh mà vẫn chưa tìm thấy hài cốt… Trường Sa đối với tôi thật thiêng liêng với nhiều cảm xúc khó tả. Dường như ở mỗi đảo đều có bóng hình tình quân dân đất liền gắn kết, hiện hữu qua từng món đồ lưu niệm, những tủ sách, những ấn phẩm hay trang báo chúng tôi vừa chuyển ra. Trước gì về đất liền, những bàn tay cứ vẫy chào lưu luyến như níu giữ tình cảm biển đảo.

Nghề báo đã cho tôi cơ hội được đặt chân đến nhiều vùng miền của Tổ quốc. Và lần này tôi được đến với vùng biển, đảo Trường Sa thiêng liêng, tôi đã chứng kiến và cảm nhận được cuộc sống khắc nghiệt nơi đầu sóng cũng như sức sống mãnh liệt của con người và thiên nhiên nơi biển, đảo. Sau những giây phút ấy, khi chia tay chúng tôi đã phải giấu đi những giọt nước mắt của mình vì xúc động, vì khâm phục ý chí kiên cường lan tỏa từ các điểm đảo thiêng liêng.

Dịp Tết Mậu Tuất 2018, một thông tin rất vui đến với chúng tôi cũng như các CBCS trên đảo chìm Đá Lát (Trường Sa), đó là công trình Nhà Văn hóa đa năng do thành phố Đà Nẵng tài trợ đã gần hoàn thiện. Trước đó, tháng 5-2017, đoàn công tác thành phố Đà Nẵng do Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Võ Công Trí dẫn đầu đã có chuyến công tác trên các đảo Trường Sa.

Tại đây, sau khi chứng kiến những khó khăn về vật chất, đoàn đã thảo luận và báo cáo Thường trực Thành ủy cho chủ trương thành lập Ban Chỉ đạo vận động Quỹ xây dựng Nhà văn hóa đa năng trên một đảo chìm của Trường Sa.

Đến nay, nguồn kinh phí gần 40 tỷ đồng (trong đó 20 tỷ đồng từ ngân sách địa phương và 20 tỷ đồng từ nguồn xã hội hóa) đã giúp xây dựng một công trình hết sức ý nghĩa đối với biển đảo. Đó cũng chính là niềm mong mỏi của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố Đà Nẵng khi đóng góp một phần nhỏ công sức vào việc khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Bài và ảnh: DUYÊN ANH

;
.
.
.
.
.
.