Công tác xã hội với trẻ em

.

Những năm qua, thành phố Đà Nẵng đã có nhiều cố gắng, xây dựng thành công Trung tâm Công tác xã hội (CTXH) và nơi đây đã trở thành một trong những mô hình điểm của cả nước.

Trung tâm Công tác xã hội Đà Nẵng giúp trẻ có hoàn cảnh đặc biệt trở về với gia đình.
Trung tâm Công tác xã hội Đà Nẵng giúp trẻ có hoàn cảnh đặc biệt trở về với gia đình.

Từ năm 2013, được sự hỗ trợ tích cực của UNICEF Việt Nam và sự đồng hành của các ngành, địa phương, mô hình “Phường làm tốt CTXH với trẻ em” đã được thực hiện thí điểm tại 6 phường thuộc 3 quận trên địa bàn thành phố gồm: phường Nam Dương và Hòa Cường Nam (quận Hải Châu); phường An Hải Bắc và Thọ Quang (quận Sơn Trà); phường Chính Gián và Thanh Khê Tây (quận Thanh Khê).

Bắt đầu thực hiện mô hình, các địa phương đã cùng ký cam kết với Trung tâm dưới sự chứng kiến của lãnh đạo Sở Lao động-Thương binh và Xã hội và lãnh đạo UBND các địa phương. Các phường thực hiện mô hình cam kết thực hiện có hiệu quả tất cả các hoạt động bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em trên địa bàn phường theo hướng CTXH chuyên nghiệp.

Trung tâm CTXH sẽ là đơn vị hỗ trợ kỹ thuật và giám sát thực hiện các hoạt động tại địa bàn thí điểm. Từ đó đến nay, các hoạt động của mô hình tiếp tục được duy trì và phát triển, trong đó phải nói đến việc hình thành và duy trì hoạt động mạng lưới bảo vệ trẻ em các cấp và 3 cán bộ quản lý trường hợp là cán bộ trẻ em, cán bộ Lao động-Thương binh và Xã hội và cán bộ trạm y tế tại mỗi phường thực hiện mô hình.

Ngay từ những ngày đầu hoạt động, Trung tâm đã chú trọng công tác đào tạo, tập huấn và hỗ trợ kỹ thuật trực tiếp cho địa phương thực hiện mô hình. Qua 5 năm, tất cả thành viên tổ liên ngành các cấp đã tham gia tổng cộng hơn 10 lớp tập huấn về Quyền Trẻ em, Luật Trẻ em, CTXH với trẻ em và quản lý trường hợp đối với trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt.

Thông qua đó, thành viên tổ liên ngành các cấp được cung cấp kiến thức về tâm sinh lý trẻ em, sự phát triển của trẻ em qua từng giai đoạn, kỹ năng làm việc với trẻ và gia đình; đặc biệt là phương pháp quản lý trường hợp trong trợ giúp trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt.

Mô hình duy trì sinh hoạt hằng tháng, ngoài ra, hằng quý Trung tâm chủ trì hội thảo ca với sự tham gia của hầu hết thành viên tổ liên ngành các cấp tại các quận. Thông qua đó, các trường hợp trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt đang gặp vướng mắc, cần sự vào cuộc của các ngành, các cấp đều được đưa ra thảo luận và tìm giải pháp trợ giúp tốt nhất, đúng với nguyên tắc vì lợi ích tốt nhất cho thân chủ của nghề CTXH.

Nhằm giúp các địa phương hoạt động hiệu quả hơn, Trung tâm cũng đã cử cán bộ trực tiếp phụ trách hỗ trợ kỹ thuật cho từng phường. Điều này giúp cho công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em tại các phường thực hiện mô hình đi vào quy củ và mang tính chuyên nghiệp hơn.

Song song với hoạt động nâng cao năng lực cho đội ngũ làm công tác trẻ em và các ngành liên quan tại các địa phương, hoạt động truyền thông, nâng cao nhận thức của người dân tại các địa phương cũng thường xuyên được chú trọng. Hằng năm, các địa phương đều chủ động xây dựng kế hoạch và đề nghị Trung tâm hỗ trợ một phần trong việc tổ chức nói chuyện chuyên đề, tư vấn cộng đồng về các vấn đề liên quan đến trẻ em.

Qua đó, 6 phường đã tổ chức được hơn 100 buổi tư vấn tại cộng đồng với hơn 10.000 lượt người tham dự. Tất cả ban điều hành các tổ dân phố, cán bộ UBND và giáo viên trong toàn địa bàn từng tham dự ít nhất 1 buổi nói chuyện chuyên đề về trẻ em, bảo vệ trẻ em, phòng tránh tai nạn thương tích trẻ em.

Bà Trương Thị Như Hoa, Giám đốc Trung tâm CTXH Đà Nẵng cho biết, thời gian đến, đơn vị tiếp tục duy trì và tổ chức thực hiện các hoạt động bảo vệ trẻ em theo đúng nguyên tắc và yêu cầu nghiệp vụ CTXH; đồng thời xây dựng đề án nhân rộng mô hình xã, phường làm tốt CTXH với trẻ em, trình UBND thành phố bố trí nguồn lực để thực hiện hiệu quả các hoạt động bảo vệ trẻ em.

Bài và ảnh: MAI VŨ

;
.
.
.
.
.
.