Cựu chiến binh chăm lo học trò nghèo

.

Cựu chiến binh (CCB) Phạm Xuân Sanh (ảnh), 77 tuổi, ở phường Bình Hiên (quận Hải Châu) đã hơn 20 năm vận động Hội Huynh đệ Á-Âu tài trợ nuôi dưỡng, học tập và học nghề cho trẻ em mồ côi nghèo. Theo Chủ tịch Hội Từ thiện và bảo vệ quyền trẻ em thành phố Lê Thị Tám, đây là tấm gương điển hình tiêu biểu về hoạt động nhân đạo.

Sau thời gian phục vụ quân ngũ, ông Phạm Xuân Sanh về hưu năm 1990 với quân hàm đại tá. Từ đó, ông Sanh liên tục tham gia công tác địa phương với nhiều chức vụ như Chủ tịch HĐND, Chủ tịch Hội CCB, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam phường Bình Hiên. Ông tạo được mối quan hệ với Hội Huynh đệ Á-Âu (Pháp) và vận động tổ chức này tài trợ kinh phí nuôi dưỡng trẻ em mồ côi nghèo tại phường Bình Hiên, sau đó mở rộng trên địa bàn quận Hải Châu. Năm đầu tiên (1995), ông vận động được các nhà hảo tâm ở Pháp tài trợ cho 40 cháu, mỗi cháu 270.000 đồng/tháng. Mức hỗ trợ tăng dần, lúc cao nhất mỗi cháu nhận được 400.000 đồng/tháng. Đặc biệt, mỗi cháu được một nhà hảo tâm ở Pháp nhận làm người đỡ đầu, tạo nên mối quan hệ thân thiết giữa nhà hảo tâm với trẻ em mồ côi nghèo. Các cháu được tài trợ học hết đại học, cao đẳng. Những cháu không có khả năng học văn hóa, được người đỡ đầu hỗ trợ 100% chi phí học nghề. “Bình quân, mỗi cháu được hỗ trợ 10 triệu đồng để học các nghề cơ khí, điện nước, thợ may, lái xe, cắt tóc, uốn tóc…”, ông Sanh chia sẻ.

23 năm qua, ông Sanh đã vận động hỗ trợ nuôi dưỡng và chi phí học tập, học nghề cho 162 trẻ em mồ côi nghèo. Có 68 em đã tốt nghiệp thạc sĩ, đại học, cao đẳng; 36 em hoàn thành chương trình học nghề, trong đó 30 em đã có việc làm ổn định; 58 em đang học văn hóa và học nghề. Đơn cử như em Nguyễn Thị Kim Hoa (phường Thuận Phước), mồ côi cha mẹ, được ông Sanh vận động Hội Huynh đệ Á-Âu tài trợ từ khi mới học lớp 2, bây giờ em đã học lớp 12 với kết quả học tập hằng năm luôn đạt khá, giỏi. Còn em Lê Hữu Đăng Khoa (phường Bình Hiên) được tài trợ học hết THPT và học lái xe, nay đã có việc làm và cuộc sống ổn định. Đặc biệt, em Nguyễn Thị Hạnh Trinh (phường Bình Hiên) được tài trợ từ khi mới học tiểu học cho đến tốt nghiệp đại học, bây giờ đã có việc làm và cuộc sống khá tại Thành phố Hồ Chí Minh. Cảm thông với trẻ mồ côi nghèo như bản thân mình thời thơ ấu, Hạnh Trinh đã nhận đỡ đầu và bảo trợ dài hạn chi phí học tập đối với em Đặng Yến My, mồ côi cha mẹ, ở phường Bình Thuận (quận Hải Châu) và tự nguyện tham gia các hoạt động của Trung tâm Huynh đệ Hải Châu.

Giàu tâm huyết cưu mang giúp đỡ trẻ em mồ côi nghèo cùng với phẩm chất trong sáng và uy tín cao, ông Sanh đã được bầu làm Giám đốc Trung tâm Huynh đệ Hải Châu-một cơ sở của Hội Huynh đệ Á-Âu, kể từ khi thành lập trung tâm này (năm 2003). Nhà ở của vợ chồng ông Sanh tại số 73 Trưng Nữ Vương (Đà Nẵng) được sử dụng làm văn phòng của Trung tâm Huynh đệ Hải Châu. Những người đỡ đầu ở Pháp hằng năm thường đến đây và được ông đưa đến thăm gia đình trẻ mồ côi nghèo mà họ nhận đỡ đầu. Từ đó, nhiều trường hợp còn được người đỡ đầu hỗ trợ kinh phí sửa nhà hoặc mua sắm vật dụng gia đình, áo quần, đồ dùng học tập. Dẫu đang được tài trợ hay đã ra khỏi chương trình, các cháu đều gọi vợ chồng CCB già bằng “ông”, “bà” đầy trìu mến.

 Theo quy định của Hội Huynh đệ Á-Âu, hồ sơ để tổ chức này xét chọn trợ cấp cho trẻ em mồ côi nghèo gồm có: Đơn xin trợ cấp (tiếng Việt và tiếng Pháp), giấy báo tử của cha hoặc mẹ hoặc cả cha mẹ, học bạ đang học cấp 1 và cấp 2 với học lực từ khá trở lên (kèm theo giấy khen), 4 ảnh 4 x 6 của trẻ mồ côi xin trợ cấp.

Bài và ảnh: LÊ VĂN THƠM

;
.
.
.
.
.
.