Định hướng phát triển công tác xã hội trẻ em

Đà Nẵng là thành phố điển hình về các chính sách an sinh xã hội, trong đó vấn đề trẻ em đặc biệt được chú trọng quan tâm. Các mô hình về công tác xã hội (CTXH) trẻ em được xây dựng đạt hiệu quả cao, như mô hình “Trợ giúp trẻ em không nơi nương tựa, khuyết tật”; “Phòng ngừa, trợ giúp trẻ em lang thang”, “Phòng ngừa, trợ giúp người chưa thành niên vi phạm pháp luật”; “Xã/phường làm tốt công tác xã hội với trẻ em”, “Tham vấn học đường”...

Hoạt động đào tạo các cử nhân CTXH được Khoa Tâm lý - Giáo dục, Trường Đại học Sư phạm-Đại học Đà Nẵng triển khai từ năm 2012, với hướng tiếp cận hình thành các phẩm chất, năng lực nghề theo tiêu chuẩn đạo đức nghề thế giới. Trong lĩnh vực CTXH, trẻ em được đưa vào chương trình các môn học đặc thù như: Tâm lý lứa tuổi trẻ em, CTXH trẻ em, CTXH trẻ khuyết tật, CTXH trường học. Đặc biệt trong hoạt động thực hành-thực tập, đối tượng đặc biệt được quan tâm hỗ trợ là những vấn đề trẻ em: vấn đề khó khăn học tập, vấn đề hướng nghiệp, vấn đề rối nhiễu tâm trí, các chính sách xã hội cho trẻ em, vấn đề phòng ngừa và bảo vệ trẻ em trước các tai nạn thương tích, mất an toàn xã hội. Đặc biệt là hoạt động truyền thông phòng ngừa quấy rối và xâm hại tình dục trẻ em gái, được các sinh viên lớp 14 CTXH tổ chức thành công tại xã Hòa Liên (huyện Hòa Vang), thu hút sự chú ý, quan tâm của cộng đồng.

Bên cạnh những thành công đạt được, còn có những vấn đề cần được thúc đẩy nhằm phát triển CTXH trẻ em như một định hướng cốt lõi trong hoạt động chăm sóc, bảo vệ và giáo dục trẻ em như: nâng cao nhận thức về CTXH trẻ em; tổ chức các hoạt động thiết thực trong hoạt động hỗ trợ trẻ em mang tính toàn diện, tập trung; nghiên cứu và phát triển các khía cạnh chuyên sâu trong hỗ trợ trẻ em để đạt đến sự chuyên nghiệp, hiệu quả, tạo nên một xã hội an toàn cho trẻ thơ. Do đó cần đến các giải pháp định hướng phát triển CTXH trẻ em trong bối cảnh hiện nay trong cả nước nói chung và tại thành phố Đà Nẵng nói riêng.

Luật pháp không chỉ quy định quyền của trẻ em, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc thực hiện mà còn quy định rất cụ thể về các biện pháp thúc đẩy thực hiện quyền được bảo vệ, quyền sinh tồn của trẻ em. Luật pháp cũng xác định địa vị pháp lý, trách nhiệm và quyền hạn của nhân viên CTXH rất rõ ràng, mọi vấn đề liên quan đến trẻ em đều phải có tiếng nói của cán bộ CTXH; quy định cụ thể về việc hình thành và trách nhiệm của các Trung tâm CTXH với việc bảo vệ, chăm sóc trẻ em, nhất là nhóm trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt và nhóm trẻ em có nguy cơ bị tổn hại; quy định về các hình thức chăm sóc thay thế, chính sách trợ giúp các gia đình, cá nhân nhận chăm sóc thay thế, quy trình nhận chăm sóc thay thế, trách nhiệm của chính quyền cơ sở trong việc thực hiện các quyền của trẻ em... Nguồn nhân lực thực hành công tác xã hội với trẻ em có ý nghĩa rất quan trọng đối với việc phát triển hệ thống bảo vệ trẻ em. Đây là lực lượng trực tiếp và quan trọng nhất làm nhiệm vụ cung cấp dịch vụ và kết nối cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em ở cộng đồng. Chính họ cũng là người trực tiếp thực hành công tác quản lý ca, xây dựng chương trình, kế hoạch trợ giúp trẻ em, gia đình và phát triển cộng đồng. Nhân viên CTXH trẻ em cần phải là những người được đào tạo bài bản, đáp ứng được đầy đủ các yêu cầu về đạo đức, phẩm chất và năng lực nghề nghiệp.

Tại các Trung tâm CTXH cũng cần quan tâm và đầu tư xây dựng mô hình CTXH với trẻ em nhằm hướng đến cung cấp nguồn nhân viên CTXH trẻ em chuyên nghiệp, hỗ trợ được tối đa những vấn đề trẻ em tại địa phương. Mỗi một xã, phường cần có chi nhánh CTXH trẻ em và bảo đảm được khoảng 500 trẻ em có một cán bộ CTXH. Họ thuộc biên chế và do các Trung tâm CTXH trả lương, nhưng vừa làm việc ở Trung tâm vừa thực hành trực tiếp tại cộng đồng. Đặc biệt, nhóm trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt và có nguy cơ bị tổn hại được quản lý và cập nhật thông tin quản lý hằng tháng, toàn bộ thông tin được kết nối mạng để phục vụ cho việc chỉ đạo điều hành từ cơ quan bảo vệ chăm sóc trẻ em cấp tỉnh. Để hỗ trợ cho trẻ em cũng như ngăn chặn, giải quyết những nguy cơ, tác động tiêu cực đến sự phát triển của trẻ em là mục tiêu của không chỉ Việt Nam mà trên toàn thế giới. Do đó, vai trò nhân viên CTXH - những người làm việc với trẻ em có sứ mệnh lớn lao trong việc nâng đỡ những công dân tương lai của một dân tộc được sống, được thích nghi, được phát triển lành mạnh đúng với độ tuổi và được hạnh phúc.

TS. NGUYỄN THỊ TRÂM ANH

ThS. LÊ THỊ LÂM

Khoa Tâm lý-Giáo dục, Trường Đại học Sư phạm - Đại học Đà Nẵng

;
.
.
.
.
.
.