Nghị lực "Hoa xương rồng"

.

“Hoa xương rồng” là tên gọi thân thương các em nhỏ có hoàn cảnh đặc biệt tự chọn, để đặt cho nhóm trẻ sống độc lập của mình tại Trung tâm Công tác xã hội (CTXH) . Đây cũng là mô hình dành cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt ở thành phố Đà Nẵng.

Trẻ khuyết tật trong nhóm Hoa xương rồng tự gấp thiệp mừng.
Trẻ khuyết tật trong nhóm Hoa xương rồng tự gấp thiệp mừng.

Những trẻ em đến sinh hoạt tại lớp học “Hoa xương rồng” đều có hoàn cảnh đặc biệt, nhiều em bị khiếm khuyết về mặt trí tuệ, chậm phát triển và chịu thiệt thòi so với các bạn cùng trang lứa. Thấm thoát cũng hơn 6 tháng trôi qua, nhìn lại những ngày đầu khi mới thử nghiệm mô hình với bao điều trăn trở rằng:

Mô hình có thành công hay không? Các em có thể học được gì từ mô hình này? Làm sao truyền đạt và hướng dẫn những kỹ năng nghề cho các em? Vậy mà giờ đây, nhìn những nụ cười xinh, ánh mắt rạng ngời của các em khi được học cùng nhau, vui chơi cùng nhau và hơn hết là được tự làm những việc phù hợp và yêu thích, các em còn được “thăng hoa” trong “âm nhạc” và “nghệ thuật”, chúng tôi - những thầy cô giáo hướng dẫn và các bậc phụ huynh cũng xúc động đến nghẹn ngào...

Từ những cán bộ Trung tâm như cô Sinh, cô Phương, cô Lam, những “mạnh thường quân” có chuyên môn và tâm huyết như họa sĩ Dư Dư, cô Bích Trâm, đến những bậc cha mẹ đều luôn đồng hành cùng các em trong mỗi ngày thứ bảy - ngày dành riêng cho các em. Không ai bảo ai nhưng mọi người đều có niềm vui trẻ thơ khi chứng kiến các em tiến bộ.

Cô Dư Dư đã giúp các em bài luyện tập đầu tiên là khởi động các ngón tay xinh với bài hát vui nhộn “một ngón tay nhúc nhích, nhúc nhích... 2 ngón... 3 ngón... 5 ngón... cũng đủ làm ta vui rồi”. Cứ tưởng đó chỉ là một bài hát vui nhưng hoạt động này lại có ý nghĩa sâu sắc.

Năm ngón tay xinh được kích thích thường xuyên sẽ giúp rèn luyện kỹ năng và não bộ phục hồi. Âm nhạc được lồng ghép trong các hoạt động rèn luyện kỹ năng cũng góp phần giúp tư duy của các em phát triển.

Tiêu chí hoạt động ở “Hoa xương rồng” là học mà chơi, chơi mà học, được tổ chức định kỳ một lần/tuần. Nhờ sự tận tình của các thầy, cô giáo và các cán bộ trong Trung tâm CTXH Đà Nẵng, giờ đây các em đã biết làm những chiếc vòng đeo tay xinh xắn, hoa voan, hoa hồng bằng giấy, xé giấy dán tranh, làm thiếp và tạo ra những ông già Noel độc đáo, xinh xắn...

Đến lớp học này, các em còn được biết cách đi chợ lựa chọn thực phẩm và tự mình chế biến những món ăn đơn giản, qua đó hiểu được giá trị của lao động cũng như niềm vui khi thụ hưởng các thành quả lao động mình tạo ra.

Các em còn biết nói lên suy nghĩ của mình khi tương tác với bạn, với cô. Nghe những tiếng cười nói rôm rả trong bếp khi các em tranh nhau giúp cô, tiếng bàn luận về món ăn ngon - dở trong mỗi buổi cơm trưa, tiếng hỏi bài í ới để hoàn thành sản phẩm, các thầy cô đều thấy ấm lòng. Thậm chí nhiều em lâu nay chỉ biết chơi siêu nhân, giờ cũng đã biết giúp mẹ rửa chén bát, quét nhà, nhặt rau...

Qua đó, các cô ở Trung tâm CTXH Đà Nẵng biết mình đã đi đúng hướng, đã cho các em một môi trường không giới hạn để bắt đầu. Nền tảng triết lý của nghề CTXH là giúp mỗi người hiểu được giá trị tự thân. Điều quan trọng là các nhân viên CTXH chuyên nghiệp ở trung tâm đã giúp con người phát hiện được tiềm năng và thế mạnh của bản thân, để khôi phục và phát huy.

Từ mô hình CLB “Hoa xương rồng” cho thấy, trẻ em có khiếm khuyết về mặt trí tuệ hoàn toàn có thể sống độc lập, nếu được tạo điều kiện phát triển. Điều này sẽ tạo cơ hội cho các nhóm đối tượng yếu thế giải phóng năng lực, tự tin và bình đẳng hòa nhập cộng đồng như cánh hoa xương rồng kiêu hãnh vươn mình khoe sắc giữa bỏng rát đời thường.

Mô hình sống độc lập cho trẻ khuyết tật trí tuệ trên địa bàn thành phố Đà Nẵng là phương pháp tiếp cận mới hoàn toàn theo hướng chuyên nghiệp của nghề CTXH, hướng đến mục tiêu hiện thực hóa quyền của người khuyết tật, trong đó có quyền được hỗ trợ, quyền lao động và quyền được sống độc lập của người khuyết tật.

Theo bà Đỗ Thị Đỗ Quyên, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập Đà Nẵng, đây chính là giải pháp căn cơ cho bài toán khó mà các trường chuyên biệt của thành phố đang gặp phải. Hiện nay, Đà Nẵng chỉ có 2 trường chuyên biệt công lập, nhu cầu được học chuyên biệt của trẻ rất cao, khả năng cung ứng của nhà trường lại hạn chế.

Trong khi đó, trẻ lớn tuổi sau khi hoàn thành chương trình học thì... không biết đi về đâu nên đa số phụ huynh phải xin cho con được học thêm thời gian nữa. Do đó, việc phát triển các CLB Sống độc lập cho trẻ khuyết tật trí tuệ lớn tuổi sẽ giúp trẻ được chuyển tiếp đến một hình thức chăm sóc khác, trên cơ sở trao quyền và tăng cường sự tham gia của gia đình.

Chị Nguyễn Thị Anh, phụ huynh có trẻ khuyết tật lớn tuổi đang tham gia CLB Sống độc lập Hoa xương rồng của Trung tâm CTXH Đà Nẵng cũng mong muốn Trung tâm tổ chức CLB này thường xuyên hơn, ít nhất 5 ngày mỗi tuần để con gái chị cũng như các trẻ em khuyết tật khác có cơ hội hòa nhập và phát triển.

Kết quả nghiên cứu đề tài khoa học cấp cơ sở của Trung tâm CTXH cho thấy, đa số các em sau khi học hòa nhập hoặc chuyên biệt, khi trở về gia đình thì đứng trước nguy cơ rất cao là thiếu môi trường bảo vệ an toàn khi bố mẹ phải đi làm, trẻ bị “nhốt” trong nhà, hoặc đi lang thang dẫn đến dễ bị xâm hại, bạo hành.

Trong khi đó, qua khảo sát cho thấy, các cơ sở trợ giúp xã hội hiện nay, đặc biệt là cơ sở đang chăm sóc nuôi dưỡng tập trung trẻ em mồ côi lại có xu thế ngày càng thu hẹp bởi đầu vào hạn chế. Nhiều cơ sở phải nhận trẻ vẫn còn bố mẹ nhưng điều kiện sống khó khăn muốn phó thác trách nhiệm, hoặc trẻ sống trong môi trường không an toàn...

Việc bổ sung (hoặc chuyển đổi) loại hình từ chăm sóc nuôi dưỡng sang hình thức chăm sóc ban ngày cho trẻ khuyết tật, thông qua mô hình sống độc lập, là giải pháp chiến lược bền vững, đáp ứng nhu cầu của đại đa số các gia đình có trẻ khuyết tật hiện nay.

Bài và ảnh: TRƯƠNG THỊ NHƯ HOA

;
.
.
.
.
.
.