Sáng 6-3, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Đặng Việt Dũng khảo sát thực tế và nghe Sở Văn hóa và Thể thao (VH-TT) báo cáo tiến độ thực hiện dự án tu bổ, phục hồi và tôn tạo di tích thành Điện Hải.
Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Đặng Việt Dũng (trái) chỉ đạo tại buổi khảo sát. |
Theo báo cáo của Sở VH-TT, giai đoạn 1 của dự án (năm 2017-2019) sẽ tiến hành giải phóng mặt bằng, di dời toàn bộ hộ dân ra khỏi thành Điện Hải; tháo các kiến trúc không nguyên gốc, phục hồi kè, hào như nguyên trạng; xây dựng công viên, cây xanh, bãi đỗ xe, tạo không gian đệm cho di tích, dự kiến khởi công vào ngày 29-3, cùng thời điểm tổ chức đón nhận Bằng di tích quốc gia đặc biệt thành Điện Hải.
Đến thời điểm hiện tại, công tác di dời giải tỏa 80 hộ dân sinh sống xung quanh bờ tường phía tây chỉ còn vướng 7 hộ (trong đó 2 hộ đã di dời nhưng chưa ký và 5 hộ đang được vận động). Song song đó, Sở cũng chuẩn bị cho giai đoạn 2 (2019-2021) như: tổ chức hội thảo khoa học lấy ý kiến các nhà nghiên cứu, chuyên gia và các nhà quản lý về giải pháp bảo tồn, tôn tạo, phục hồi và phát huy giá trị di tích thành Điện Hải, đề xuất và được lãnh đạo thành phố đồng ý chủ trương cử đoàn công tác sang Pháp thu thập những tài liệu gốc có liên quan đến thành Điện Hải. Việc thu thập các hiện vật gốc được cho là khá quan trọng trong thực hiện trùng tu thành Điện Hải.
Theo ông Lưu Anh Rô (Hội Khoa học lịch sử thành phố), từ việc phá thành Điện Hải cho đến xây bệnh viện và nhà nguyện bên trong thành Điện Hải đều do người Pháp thực hiện. Hiện sơ đồ về thành Điện Hải đang lưu giữ tại hai nơi gồm Trung tâm Lưu trữ quốc gia hải ngoại Pháp, Kho tư liệu của Bộ Quốc phòng Pháp, bất kỳ ai cũng có thể tiếp cận tài liệu tại các địa điểm này. Ông Huỳnh Đình Quốc Thiện, Giám đốc Bảo tàng Đà Nẵng cho biết, Hội Sinh viên Việt Nam tại Pháp gửi về một số tài liệu có giá trị in trong một cuốn sách cổ của Pháp ở Trung tâm Lưu trữ quốc gia hải ngoại Pháp và Thư viện Pháp; Viện Viễn đông Bác cổ đang giữ một kho tài liệu khảo tả về thành An Hải và Điện Hải; Cung điện Hoàng gia Pháp đang trưng bày hai khẩu súng lệnh (súng chỉ huy) do người Pháp lấy trực tiếp từ trong thành Điện Hải tặng Hoàng gia Pháp. “Có thông tin Bảo tàng Quân đội Pháp trưng bày quân phục của tướng chỉ huy thành Điện Hải và lính triều Nguyễn. Tất cả những thông tin trên cần phải xác minh lại và nếu đúng là sự thật thì rất có ý nghĩa trong việc trùng tu thành Điện Hải”, ông Quốc Thiện nói.
Đối với kế hoạch di dời Bảo tàng Đà Nẵng ra khỏi thành Điện Hải, Sở VH-TT đã phối hợp Trường Đại học Xây dựng Hà Nội khảo sát địa điểm 42 Bạch Đằng và lên phương án cải tạo; đồng thời chờ Sở Xây dựng cho ý kiến, báo cáo lãnh đạo thành phố trong tháng 3-2018. Việc di dời trạm biến áp của Trung tâm Công nghệ phần mềm và Nhà Văn hóa phường Thạch Thang cũng đã xin chủ trương của thành phố.
Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Đặng Việt Dũng khẳng định, việc thu thập tài liệu gốc hết sức quan trọng đối với công tác khôi phục giá trị của thành Điện Hải. Vì thế, đề nghị ngành văn hóa nhanh chóng xúc tiến cử đoàn công tác sưu tầm tài liệu gốc, nhanh nhất cuối tháng 4 báo cáo kết quả. Từ đó, đề xuất ý tưởng và hoàn thiện thiết kế giai đoạn 2, chuẩn bị hồ sơ kỹ thuật để tiến hành trùng tu giai đoạn 2; song song thực hiện di dời Bảo tàng Đà Nẵng ra khỏi thành Điện Hải. “Về dự án tu bổ, phục hồi và tôn tạo di tích thành Điện Hải, Thường trực Thành ủy đã có kế hoạch chi tiết, chúng ta cứ theo đó mà làm, bảo đảm lộ trình và thật chặt chẽ để hoàn thiện đúng tiến độ dự án. Với việc di dời Bảo tàng về 42 Bạch Đằng, cần hết sức thận trọng, phải xây dựng phương án trưng bày, xây dựng công trình phụ trợ thật kỹ để bảo tàng xứng tầm khi ở vị trí mới”, ông Đặng Việt Dũng yêu cầu.
Tin và ảnh: NGỌC HÀ