Ứng dụng công nghệ thông tin trong cải cách hành chính

.

Năm 2017, 6.619/6.699 hồ sơ tại quận Cẩm Lệ được tiếp nhận và giải quyết đúng hạn, đạt 98,8%. Kết quả này có được từ việc ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) rộng khắp tại quận và 6 phường.

Cán bộ tiếp nhận, giải quyết hồ sơ, thủ tục cho công dân tại bộ phận “Một cửa điện tử” UBND quận Cẩm Lệ.
Cán bộ tiếp nhận, giải quyết hồ sơ, thủ tục cho công dân tại bộ phận “Một cửa điện tử” UBND quận Cẩm Lệ.

Tại bộ phận “Một cửa điện tử” UBND quận Cẩm Lệ, chỉ hơn 30 phút giao dịch với đủ giấy tờ, anh Đinh Ngọc Rốt (SN 1987, trú quận Cẩm Lệ) hoàn thành việc xin giấy phép xây dựng nhà ở. “Việc giải quyết thủ tục hành chính bây giờ đã có nhiều cải thiện.

Công dân bấm số thứ tự chứ không chen lấn như trước đây. Mọi thông tin, hồ sơ đều được lưu trên hệ thống mạng nên khi cần truy cập rất nhanh. Trước đây, để xin được giấy phép xây dựng nhà tốn nhiều thời gian mới làm xong thủ tục, nay chỉ cần khoảng 30 phút đã giải quyết xong, tiết kiệm rất nhiều thời gian cho người dân”, anh Rốt chia sẻ.

Để bảo đảm ứng dụng CNTT, hằng năm quận Cẩm Lệ và các phường đều cử cán bộ, công chức tham gia các lớp đào tạo về kỹ thuật tin học, ứng dụng CNTT theo chương trình ký kết hợp tác với Sở Thông tin và Truyền thông, Trường Cao đẳng CNTT Hữu nghị Việt - Hàn, Trường Cao đẳng Phương Đông…

Ông Nguyễn Hoàng, Chánh Văn phòng HĐND và UBND quận Cẩm Lệ cho biết, đến nay quận Cẩm Lệ triển khai thành thạo việc xử lý văn bản, giấy tờ qua hệ thống thông tin chính quyền điện tử của thành phố. Mỗi cán bộ, công chức được cấp tài khoản truy cập. Việc xử lý các công văn, văn bản, bút phê, chuyển văn bản đều được thực hiện chỉ qua cú nhấp chuột.

“Trước đây, khi văn thư chuyển văn bản đến, bộ phận văn phòng phải đọc, bút phê, sau đó in ra làm nhiều bản, bỏ vào bao thư và phải có người chuyển đến các cơ quan, địa phương. Nhưng khi đưa vào sử dụng hệ thống thông tin chính quyền điện tử, công văn được đưa đến, người xử lý chỉ việc nhập số văn bản lên hệ thống.

Hệ thống sẽ hiện ra các phần, mục, người xử lý bút phê lên bản online, sau đó bấm chọn và chuyển đến các cơ quan liên quan. Đây chính “hiện thân” của mô hình “Văn phòng không giấy”, ông Hoàng cho biết.

Theo ông Nguyễn Hoàng, việc xử lý văn bản, giấy tờ qua hệ thống điện tử đem lại nhiều hiệu quả tích cực. Điều này giúp tiết kiệm văn phòng phẩm như giấy, mực in, giảm hao mòn máy móc; tiết kiệm thời gian, công sức; đồng thời tránh sai sót, thất lạc công văn, kiểm soát được đường đi của văn bản.

Tuy nhiên, để việc xử lý văn bản qua hệ thống điện tử thực sự hiệu quả, yêu cầu người sử dụng có sự hiểu biết thành thạo về tin học. Hệ thống máy móc, cơ sở vật chất, đường truyền mạng phải chất lượng, ổn định và thông suốt.

Không chỉ ở cấp quận, từ cuối năm 2017, phường Hòa Thọ Đông thí điểm xây dựng và triển khai kế hoạch thực hiện mô hình “Văn phòng không giấy”. Phó Chủ tịch UBND phường Hòa Thọ Đông Trương Thị Mỹ Linh cho biết, phường sẽ triển khai đồng bộ các nội dung liên quan đến mô hình “Văn phòng không giấy” đến toàn thể cán bộ, công chức tại phường, hạn chế sử dụng văn bản giấy, phấn đấu đến cuối năm 2018, việc trao đổi thông tin giữa Đảng ủy, HĐND, UBND, Mặt trận, các hội, đoàn thể, cán bộ, công chức được thực hiện 100% trên hệ thống quản lý văn bản điều hành, hộp thư điện tử công vụ và các phần mềm điện tử liên quan.

Phó Chủ tịch UBND quận Cẩm Lệ Trần Văn Phi cho biết, trong thời gian qua, quận Cẩm Lệ tăng cường đầu tư cơ sở vật chất để tiến đến xây dựng phường điện tử và quận điện tử, nhằm phục vụ nhân dân một cách tốt nhất.

Cùng với đó, ngành giáo dục và đào tạo của quận cũng xây dựng Cổng thông tin điện tử riêng để điều hành các trường học qua mạng. Tuy nhiên, ông Phi cũng thừa nhận, việc quản lý văn bản trên hệ thống đôi khi có sự khập khiễng, chậm trễ.

“Tất cả các phường cần có cán bộ chuyên trách về CNTT để xử lý các công việc trên hệ thống điện tử thay vì kiêm nhiệm như hiện nay. Các phòng, ngành cũng phải đào tạo một người chuyên về CNTT để thường xuyên kiểm tra, kiểm soát hệ thống, kịp thời xử lý văn bản, hồ sơ để tránh chậm trễ, sai sót”, ông Phi đề xuất.

Bên cạnh ứng dụng CNTT trong cải cách hành chính, cuộc vận động “3 hơn” trong cải cách hành chính được quận Cẩm Lệ nghiêm túc thực hiện. Trưởng phòng Nội vụ quận Cẩm Lệ Nguyễn Thị Hồng Ái chia sẻ: “Lãnh đạo HĐND, UBND, trưởng các phòng nghiệp vụ đều rất quan tâm đến phong trào “3 hơn”, gồm “nhanh hơn, hợp lý hơn, thân thiện hơn”.

Từ khi triển khai phong trào “3 hơn”, hiệu quả công việc, đặc biệt là hiệu quả trong cải cách hành chính được thể hiện rõ nét”.

Bài và ảnh: LAM PHƯƠNG

;
.
.
.
.
.
.