Đẩy mạnh thu hút đầu tư, tăng cường quản lý trật tự đô thị

.

● Rà soát, điều chỉnh quy hoạch chung thành phố đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2050

Ngày 5-4, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy Trương Quang Nghĩa, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Võ Công Trí và Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ đồng chủ trì hội nghị Thành ủy lần thứ 12 (mở rộng) đánh giá tình hình công tác quý 1 và triển khai nhiệm vụ quý 2 năm 2018.

Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Trương Quang Nghĩa phát biểu tại hội nghị.  						    Ảnh: SƠN TRUNG
Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Trương Quang Nghĩa phát biểu tại hội nghị. Ảnh: SƠN TRUNG

Báo cáo do Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Võ Công Trí trình bày cho biết, tình hình kinh tế - xã hội thành phố tiếp tục phát triển ổn định, hầu hết các chỉ tiêu chủ yếu đạt khá so với kế hoạch. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ ước đạt 25.200 tỷ đồng, tăng 13,1% so với cùng kỳ.

Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 376 triệu USD, tăng 12,1%. Sản lượng hàng hóa qua cảng ước đạt 1,95 triệu tấn, tăng 5,7%. Khách du lịch đến Đà Nẵng ước đạt 1,69 triệu lượt, tăng 34,7%; tổng thu nhập từ hoạt động du lịch ước đạt 5.853,7 tỷ đồng, tăng 58,7%. Tổng thu ngân sách Nhà nước ước đạt 6.674,1 tỷ đồng, bằng 25,8% dự toán...

Đặc biệt, thành phố tổ chức thành công chương trình “Tọa đàm Mùa Xuân 2018”, tiếp nhận nhiều góp ý, đề xuất, hiến kế quan trọng vào định hướng quy hoạch, phát triển kinh tế-xã hội thành phố thời gian đến. Chương trình “Thành phố 4 an”, chủ trương xây dựng văn hóa, văn minh đô thị tiếp tục được triển khai thực hiện quyết liệt, dần đi vào nền nếp.

Công tác chăm lo Tết Nguyên đán được thực hiện tốt. Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội cơ bản ổn định. Công tác xây dựng Đảng, hệ thống chính trị tiếp tục được củng cố, kiện toàn. Thành phố nghiêm túc khắc phục những sai phạm, khuyết điểm theo Thông báo số 292-TB/UBKTTW ngày 21-9-2017 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương.

Thành ủy sửa đổi, bổ sung quy chế làm việc của Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố; kịp thời định hướng dư luận, chỉ đạo xử lý các vụ việc nổi cộm, dư luận quan tâm, tạo được niềm tin trong nhân dân, sự đồng thuận trong thực hiện chủ trương, chính sách của thành phố.

Cùng với đó, đẩy mạnh thực hiện công tác cán bộ, điều động, bổ nhiệm cán bộ chủ chốt. Công tác cải cách hành chính, phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí được chú trọng.

Tuy nhiên, hoạt động sản xuất, kinh doanh còn khó khăn, xếp hạng Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) giảm xuống vị trí thứ 2 sau 4 năm liên tiếp dẫn đầu cả nước. Mức chi ngân sách địa phương, nhất là chi đầu tư phát triển còn thấp.

Công tác quản lý trên một số lĩnh vực còn phát sinh một số vấn đề, nhất là công tác quản lý đô thị còn bất cập, tình trạng lấn chiếm vỉa hè, xây dựng không phép, trái phép tại khu vực quy hoạch còn diễn ra.

Tình trạng xâm thực, sạt lở đất ven biển, ô nhiễm môi trường tại một số khu vực chưa được xử lý triệt để. Trong quý 1, xảy ra một số vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng, gây bất an, lo lắng trong nhân dân.

Năng lực lãnh đạo, điều hành của một số cấp ủy, chính quyền hiệu quả chưa cao, chưa chủ động quán triệt, cụ thể hóa triển khai các chủ trương, chính sách lớn, quan trọng của Trung ương và thành phố. Một số nội dung công việc triển khai thực hiện chậm, chưa bảo đảm tiến độ đề ra.

Hội nghị đã thảo luận các giải pháp về triển khai thực hiện “Năm đẩy mạnh thu hút đầu tư”, chống thất thu thuế, trật tự giao thông, công tác xây dựng Đảng.

Phát biểu kết luận hội nghị, Bí thư Thành ủy Trương Quang Nghĩa đánh giá cao nỗ lực của các cấp, các ngành và địa phương, nhờ đó tình hình các mặt công tác của thành phố cơ bản ổn định, tiếp tục đạt được những kết quả quan trọng trên các lĩnh vực.

Chỉ đạo nhiệm vụ thời gian đến, Bí thư Thành ủy Trương Quang Nghĩa đề nghị cần đẩy mạnh triển khai các kế hoạch, chương trình, hoạt động thực hiện chủ đề “Năm đẩy mạnh thu hút đầu tư”.

Bí thư Thành ủy Trương Quang Nghĩa, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Võ Công Trí và Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ đồng chủ trì hội nghị. 	 	  	     Ảnh: SƠN TRUNG
Bí thư Thành ủy Trương Quang Nghĩa, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Võ Công Trí và Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ đồng chủ trì hội nghị. Ảnh: SƠN TRUNG

Ban Cán sự Đảng UBND thành phố phân công lãnh đạo trực tiếp theo dõi, định kỳ báo cáo kết quả thực hiện cho Thường trực, Ban Thường vụ Thành ủy. UBND thành phố sớm cụ thể hóa thực hiện có hiệu quả Nghị định số 04/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định về cơ chế, chính sách ưu đãi đối với Khu Công nghệ cao Đà Nẵng.

“Thành phố cần tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, có giải pháp nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), nhất là các chỉ số thành phần về cạnh tranh bình đẳng, tính minh bạch, chi phí không chính thức, hỗ trợ doanh nghiệp.

Cùng với đó, có cơ chế thông tin, báo cáo thường xuyên, kịp thời tình hình xúc tiến, kêu gọi đầu tư và tập trung giải quyết vướng mắc các dự án nhà đầu tư đã cam kết, đẩy mạnh hỗ trợ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp”, Bí thư Thành ủy Trương Quang Nghĩa chỉ đạo.

Bí thư Thành ủy Trương Quang Nghĩa đề nghị các cấp, các ngành khẩn trương tham mưu triển khai kế hoạch tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết 33-NQ/TW và sơ kết 5 năm thực hiện Kết luận 75-KL/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng, gắn với sơ kết giữa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp.

Đồng thời, cần nghiên cứu, đề xuất cơ chế, chính sách, mục tiêu phát triển mới để Bộ Chính trị ban hành nghị quyết mới dành cho thành phố Đà Nẵng; tập trung công tác rà soát, điều chỉnh quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội thành phố, gắn với điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2050; khẩn trương xây dựng kế hoạch dài hạn và cụ thể từng năm để triển khai thực hiện các nội dung hợp tác, hỗ trợ giữa tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng. Ngoài ra, chuẩn bị tốt nội dung cho cuộc làm việc giữa lãnh đạo thành phố Đà Nẵng và Thừa Thiên Huế.

Trong quý 1-2018, thành phố cấp giấy chứng nhận đăng ký cho 875 doanh nghiệp, chi nhánh và văn phòng đại diện với tổng số vốn đăng ký 3.880 tỷ đồng; cấp mới giấy chứng nhận đầu tư nước ngoài cho 27 dự án, tổng vốn đầu tư 7,29 triệu USD; 2 dự án tăng vốn, tổng vốn tăng thêm 12,73 triệu USD.

Tổng vốn đầu tư phát triển ước đạt 6.992 tỷ đồng, tăng 3,2% so cùng kỳ; giải quyết việc làm cho 5.500 lao động, tăng 4,4% so cùng kỳ.

Bí thư Thành ủy Trương Quang Nghĩa chỉ đạo triển khai tốt các chương trình, hoạt động thu hút du khách trong mùa cao điểm du lịch, đẩy mạnh tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới tại huyện Hòa Vang; khuyến khích đầu tư nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm; tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ ngư dân khai thác hải sản xa bờ; tăng cường công tác quản lý Nhà nước trên các lĩnh vực đầu tư xây dựng cơ bản, quản lý đô thị, tài nguyên-môi trường; tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chương trình “Thành phố 4 an”, Thành phố “5 không, 3 có”, gắn với chủ trương xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh.

Về công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, Bí thư Thành ủy Trương Quang Nghĩa yêu cầu triển khai tốt Nghị quyết Trung ương 5 và Nghị quyết Trung ương 6 (khóa XII), tiếp tục triển khai giải pháp khắc phục sai phạm, khuyết điểm theo Kế hoạch số 41-KH/TU của Ban Thường vụ Thành ủy về thực hiện Thông báo số 292-TB/UBKTTW của Ủy ban Kiểm tra Trung ương.

Đi liền với đó là tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính; tiếp tục triển khai có hiệu quả Đề án xây dựng chính quyền điện tử, thành phố thông minh; đẩy mạnh dịch vụ công trực tuyến, nâng cao chất lượng hoạt động tổ một cửa; thực hiện tốt công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; Mặt trận, các đoàn thể chính trị-xã hội cần tăng cường theo dõi, nắm tình hình trong các tầng lớp nhân dân, phát huy vai trò giám sát, phản biện xã hội và tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền.

Ngành Công nghệ thông tin sử dụng đất hiệu quả

Theo Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Nguyễn Quang Thanh, thành phố hiện có 2 Khu công viên phần mềm (CVPM), 4 Khu công nghệ thông tin (CNTT) tập trung và 1 Khu công nghệ cao Đà Nẵng, trong đó 3 khu đã đi vào hoạt động. Riêng Khu CVPM Đà Nẵng được đưa vào sử dụng từ tháng 10-2008.

Hiện có 75 doanh nghiệp đang hoạt động, trong đó có 32 doanh nghiệp FDI, tỷ lệ lấp đầy đạt gần 100%, thu hút trên 2.000 lao động. Tổng doanh thu của các doanh nghiệp CNTT trong khu này năm 2017 ước đạt 1.100 tỷ đồng, hiệu quả sử dụng đất với tỷ lệ 450 tỷ đồng/ha.

Năm 2017, doanh thu ngành công nghiệp CNTT thành phố khoảng 14.400 tỷ đồng, trong đó doanh thu phần mềm và nội dung số đạt 5.850 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 40,5% trong cơ cấu doanh thu công nghiệp CNTT.

Kim ngạch xuất khẩu phần mềm năm 2017 đạt 67 triệu USD. Tốc độ tăng trưởng bình quân doanh thu phần mềm và nội dung số, xuất khẩu phần mềm đạt 20 -25%/năm.

Đẩy nhanh quá trình chuẩn bị đầu tư

Theo Giám đốc Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư thành phố Lê Cảnh Dương, vướng mắc lớn nhất hiện nay đối với các dự án đầu tư ngoài khu công nghiệp tại Đà Nẵng là quy trình thủ tục về đất đai và đầu tư.

Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư đề xuất Thành ủy xem xét chủ trương cho phép cải tiến quy trình các thủ tục chuẩn bị dự án đầu tư trước khi tiến hành đấu giá/đấu thầu, bao gồm các bước liên quan đến lập hồ sơ ranh giới và quy hoạch tổng mặt bằng 1/500 trình Hội đồng quy hoạch kiến trúc thành phố thẩm định phê duyệt, phê duyệt giá khởi điểm.

Cụ thể, cần phân loại rõ dự án nào bắt buộc phải báo cáo Hội đồng quy hoạch kiến trúc để rút ngắn thời gian cho những dự án quy mô nhỏ và không phức tạp.

Các sở chuyên ngành như: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Tài nguyên và Môi trường cần tham mưu rõ các tiêu chí cụ thể để lựa chọn phương án đấu giá quyền sử dụng đất hay đấu thầu dự án có sử dụng đất, tránh gây ra sự không thống nhất trong chủ trương lựa chọn nhà đầu tư giữa các dự án.

Ngoài ra, cần phê duyệt trước giá khởi điểm đối với các lô đất sạch, đã có quy hoạch sơ bộ để tạo cơ sở đẩy nhanh quá trình chuẩn bị đầu tư.

SƠN TRUNG
 

;
.
.
.
.
.
.