"Được chăm sóc các cụ là hạnh phúc!"

.

Qua trò chuyện với ông Trần Công Be, Phó Giám đốc Trung tâm Bảo trợ xã hội Đà Nẵng (gọi tắt Trung tâm), tôi được biết có một người đàn bà khốn khó đã gắn bó ở nơi đây mấy chục năm qua. Ban đầu, bà cũng là một trong những số phận bất hạnh nhất nhưng sau khi đã nương dựa vào Trung tâm một thời gian và đến giai đoạn có thể bước ra ngoài hòa nhập cộng đồng làm ăn, sinh sống, bà lại tự nguyện đi trọn cuộc đời với ngôi nhà chung này. Đó là bà Vũ Thị Lành.

Bà Vũ Thị Lành chăm sóc cụ già nằm bất động tại Trung tâm Bảo trợ xã hội Đà Nẵng.
Bà Vũ Thị Lành chăm sóc cụ già nằm bất động tại Trung tâm Bảo trợ xã hội Đà Nẵng.

Theo sự chỉ dẫn của ông Be, tôi bước xuống dãy nhà chăm sóc những người già yếu nhất đang được Trung tâm nuôi dưỡng. Hoàn tất việc thay quần áo, làm vệ sinh cho một cụ già nằm liệt giường không thể tự chăm sóc bản thân xong, bà Lành chia sẻ câu chuyện đời mình.

Trước đây gia đình bà ở huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định, quanh năm, suốt tháng quần quật với mấy thửa ruộng nhưng cái nghèo không chịu buông tha. Vợ chồng bà bàn tính rồi quyết định di cư vào tỉnh Đắc Lắc với hy vọng cuộc sống sẽ khác hơn, song vùng đất đỏ bazan Krông Bông cũng không phải điểm dừng lại, kinh tế khó khăn cũng tiếp tục bủa vây.

Vợ chồng bà cùng 3 đứa con thơ dại dắt díu nhau về Đà Nẵng sống lang thang, vất vưởng trên vỉa hè của thành phố. Ban ngày bà đi rửa chén bát cho các quán cơm, quán phở còn chồng bà thì ai kêu chi làm nấy. Trong một đêm đông gió xô giật từng đợt rét mướt, tái tê, chồng bà đột ngột qua đời ngay trên vỉa hè đường Trần Phú (phường Thạch Thang, quận Hải Châu).

Gia đình không nhà cửa, không đủ tiền mua quan tài để đưa chồng về nơi an nghỉ cuối cùng, chính quyền phường Thạch Thang tập trung lo mai táng và lập hồ sơ đề nghị đưa bà cùng 3 đứa con thơ dại vào Trung tâm Bảo trợ xã hội Đà Nẵng.

Bản thân bà có sức khỏe nên được lãnh đạo Trung tâm sắp xếp công việc phù hợp để kiếm thêm thu nhập, còn các con bà được Trung tâm nuôi dưỡng và cho học hành tử tế. Khi các con khôn lớn rời Trung tâm rồi lần lượt lập gia đình riêng, có công ăn, việc làm, nhà cửa ổn định, các con nhiều lần xin phép Trung tâm đưa mẹ về sống chung, song bà Lành cứ nằng nặc xin được ở lại sẻ phần gian nan, vất vả với cán bộ, nhân viên và người lao động của Trung tâm. Bà thật thà bộc bạch: “Tôi vô cùng biết ơn chính quyền thành phố, nhất là phường Thạch Thang đã an táng đàng hoàng chồng tôi trong lúc cuộc đời cũng như con cái tôi chưa biết trôi dạt về đâu.

Các con tôi được trưởng thành như ngày hôm nay là nhờ sự giúp đỡ, nuôi dưỡng tận tình của Trung tâm. Công ơn này tôi và các con không bao giờ quên! Tôi xin ở lại Trung tâm để phục vụ những người già tàn tật, neo đơn đang được nuôi dưỡng tại đây như một cách tri ân mái nhà chung đã giúp đỡ, cưu mang gia đình tôi trong những năm tháng khốn cùng nhất”.

Ước nguyện của bà được cấp có thẩm quyền chấp thuận, nên hơn chục năm nay, bà Lành vẫn gắn bó với Trung tâm, nói đúng hơn là bà đến với các cụ cao niên bằng tình thương yêu chân thành, không có sự so đo, toan tính.

Việc nuôi dưỡng, chăm sóc người già, bệnh tật đã khó, việc phục vụ những cụ già nằm bất động lại càng khó khăn, vất vả hơn. Hằng ngày, bà thức giấc từ tờ mờ sáng để chăm chút từng miếng ăn, giấc ngủ, giặt giũ, tắm rửa, vệ sinh… cho các cụ hết sức chu đáo như chăm sóc chính cha mẹ của mình. Có lẽ với bà, đây là việc làm bà thấy hạnh phúc nhất!  

THÁI MỸ

;
.
.
.
.
.
.