Để người khuyết tật về trí tuệ có thể hòa nhập cộng đồng, nhiều năm qua bà Trương Thị Như Hoa, Giám đốc Trung tâm Cung cấp dịch vụ công tác xã hội Đà Nẵng đã có nhiều sáng kiến, đề tài nghiên cứu hỗ trợ đối tượng này.
Trẻ khuyết tật sinh hoạt tại Câu lạc bộ “Sống độc lập”, một mô hình thuộc đề tài “Hỗ trợ trẻ khuyết tật trí tuệ sống độc lập trên địa bàn thành phố Đà Nẵng”. |
Theo số liệu thống kê năm 2015, trong hệ thống thông tin quản lý người khuyết tật thành phố Đà Nẵng có 5.495 trẻ khuyết tật, trong đó có 1.412 trẻ khuyết tật trí tuệ. Trên cơ sở đánh giá thực trạng người khuyết tật trên địa bàn, từ năm 2014 đến nay, bà Trương Thị Như Hoa đã có 2 sáng kiến về “Mô hình cơ sở phòng trị liệu rối nhiễu tâm trí, hỗ trợ người bệnh tâm thần dựa vào cộng đồng trên địa bàn thành phố Đà Nẵng” (mô hình này được UBND thành phố phê duyệt đề án thực hiện năm 2014, do Sở Lao động, Thương binh và Xã hội chủ trì) và “Mô hình Câu lạc bộ sống độc lập cho trẻ em chậm phát triển trí tuệ trên địa bàn thành phố Đà Nẵng”. Đây là 2 sáng kiến được UBND thành phố công nhận có tác dụng, ảnh hưởng đối với Đà Nẵng.
Hiện nay, bà Hoa đang nghiên cứu đề tài “Giải pháp hỗ trợ trẻ khuyết tật trí tuệ sống độc lập trên địa bàn thành phố Đà Nẵng”. Đề tài này đưa ra những giải pháp đề xuất về cơ chế chính sách, tài chính, xã hội hóa, nâng cao năng lực cho các cơ sở bảo trợ xã hội, trường chuyên biệt… trong việc tạo kỹ năng sống độc lập cho trẻ khuyết tật tại cơ sở và phát triển các loại hình dịch vụ công tác xã hội, đáp ứng nhu cầu của trẻ khuyết tật...
Theo bà Như Hoa, đối với trẻ khuyết tật, việc trang bị các kỹ năng thông qua các hoạt động hướng dẫn các kỹ năng nấu ăn, xâu hạt, nặn tượng, xé dán tranh, tô màu, vẽ tranh, làm thiệp, may, sinh hoạt văn nghệ, hát, múa, nhảy; những kỹ năng tự bảo vệ phòng tránh bạo lực xâm hại, giáo dục kiến thức về giới tính, kỹ năng giao tiếp... là rất cần thiết. Do đó, đề tài không chỉ tập trung nghiên cứu quy trình vận hành mạng lưới cơ cở cung cấp dịch vụ sống độc lập cho trẻ khuyết tật trí tuệ, mà còn tổ chức hướng dẫn cho các phụ huynh, người chăm sóc của trẻ khuyết tật và cả cán bộ các trung tâm, cơ sở chăm sóc, giáo dục trẻ khuyết tật; sinh viên chuyên ngành Công tác xã hội, ngành Tâm lý và Trẻ khuyết tật.
Nói về hướng nghiên cứu của mình dành cho trẻ khuyết tật, bà Trương Thị Như Hoa bày tỏ, nếu như mô hình sống độc lập được nhân rộng và đưa vào thực tế thì bên cạnh việc học kỹ năng, bản thân các em còn được hướng dẫn, hỗ trợ làm các sản phẩm làm đẹp có thể bán được và có thu nhập, góp phần tạo cơ hội cho trẻ hòa nhập cộng đồng. Vì vậy, các cơ sở bảo trợ xã hội, các tổ chức, cá nhân… có thể áp dụng mô hình này vào thực tế tại đơn vị để trở thành một loại hình dịch vụ mới. Theo đó, Trung tâm Công tác xã hội Đà Nẵng sẽ thực hiện vai trò là cầu nối, điều phối, hỗ trợ kỹ thuật cho các cơ sở để trở thành một mạng lưới dịch vụ “Sống độc lập cho trẻ khuyết tật” trên địa bàn. Những sản phẩm này còn góp phần quảng bá thương hiệu, hình ảnh cho thành phố Đà Nẵng.
Trong thời gian qua, Sở KH&CN thành phố đã tích cực thực hiện công tác kiểm tra, hướng dẫn, xét chọn các sáng kiến có tác dụng, ảnh hưởng tích cực đối với thành phố. Nhờ đó, đã phát huy được phong trào lao động sáng tạo, sáng kiến, cải tiến kỹ thuật tại nhiều cơ quan, đơn vị. Với những nỗ lực tuyên truyền, thúc đẩy của ngành quản lý cũng như sự nỗ lực của các đơn vị, đến nay đã có 6 người đứng đầu các cơ quan, tổ chức thuộc UBND thành phố; 15 sáng kiến có tác dụng, ảnh hưởng đối với thành phố năm 2016 và 1 sáng kiến năm 2017 được Chủ tịch UBND thành phố ban hành quyết định chấp thuận việc công nhận sáng kiến. |
Bài và ảnh: THANH THẢO