43 năm đã trôi qua, nhưng cựu chiến binh (CCB) Nguyễn Thị Thanh, 69 tuổi, ở phường Hòa Thuận Đông (quận Hải Châu) vẫn nhớ như in ngày 30-4, lúc bà đang ở nhà tù Côn Đảo trong mùa xuân lịch sử 1975.
Hội viên Tù yêu nước, cựu tù Côn Đảo Nguyễn Thị Thanh. |
Bà Thanh tham gia cách mạng hồi mới 15 tuổi, rồi trở thành cán bộ điệp báo Ban An ninh Quảng Đà. Tối 16-3-1969, sau khi tiếp cận nổ súng diệt tên ác ôn tại nội thành Đà Nẵng, bà bị sa vào tay giặc. Quân thù dùng mọi cực hình tra tấn dã man, nhưng trước sau vẫn không moi được một lời khai nào ở người cán bộ kiên trung này. Chúng đày ải bà qua nhiều nhà lao và đưa ra Côn Đảo vào cuối tháng 9-1969. Ở nơi “địa ngục trần gian”, bà vẫn hăng hái tham gia các hoạt động đấu tranh biến nhà tù đế quốc thành trường học cách mạng, nêu cao tinh thần bất khuất trong phong trào chống chào cờ, chống nhục hình, đòi các quyền dân sinh cho tù nhân...
Bà Thanh kể: Từ cuối tháng 3-1975, tin chiến thắng trong đất liền liên tục được chuyển đến Côn Đảo, làm anh chị em tù chính trị hết sức phấn khởi. Ở trại giam số 7, anh em giấu được một chiếc đài nhỏ, hằng ngày bí mật nghe tin tức từ “Đài Hà Nội”, rồi rỉ tai nhau các tin sốt dẻo. Ngoài ra, một số binh sĩ Sài Gòn có cảm tình với cách mạng cũng tiết lộ cho tù nhân biết thông tin “thất thủ” Tây Nguyên và nhiều nơi khác. Sang tháng 4-1975, sự hung ác của bọn cai ngục giảm hẳn, nhiều tên tỏ ra bi quan, dao động. Trong khi đó, không khí phấn chấn ngày càng dâng cao trong các trại giam. Anh chị em tù chính trị hiên ngang hát các bài ca cách mạng mà bọn cai ngục vẫn tảng lờ hoặc chỉ phản ứng qua loa...
Những ngày cuối tháng 4-1975, tin chiến thắng trên chiến trường miền Nam càng dồn dập bay đến Côn Đảo, thổi bùng niềm tin cho các chiến sĩ cách mạng và làm bọn cai ngục hết sức hoang mang, lo sợ. Tuy vậy, mãi đến ngày 29-4, bọn cai ngục vẫn còn hoạt động, nhưng bọn chúng không hò hét, quát tháo, đánh đập tù nhân như trước nữa. Vẻ mặt tên nào cũng lầm lì. Một số tên còn cố tình làm thân với tù chính trị.
Ngày 30-4, tin giải phóng Sài Gòn làm rúng động cả Côn Đảo. Bọn cai ngục cuống cuồng lên tàu, xuồng, chạy ra khơi hòng được tàu Mỹ đón ra nước ngoài. Nhiều tên còn cướp thuyền của ngư dân để tháo chạy. Lập tức, anh em tù ở trại 7 phá cửa thoát ra, rồi đến tháo giúp cửa tù cho các trại khác. Mọi người ào ra sân, vỡ òa trong niềm vui toàn thắng. Hơn 4.000 tù nhân bao năm bị giam cầm, đày đọa trong gông xiềng, hôm nay đã trở thành chủ nhân của vùng biển, đảo thân yêu. Ai nấy cùng hân hoan, náo nức và hát vang các bài ca chiến thắng. Ngay sau đó, Đảng ủy nhà tù đã thành lập Ban Quân quản và các đơn vị vũ trang, lấy vũ khí của địch trang bị cho những đồng chí còn khỏe mạnh, tổ chức giữ an ninh trật tự, đào giao thông hào, sẵn sàng chiến đấu, đề phòng địch quay trở lại; đồng thời tổ chức cấp dưỡng, tận tình chăm sóc những đồng chí đau ốm nặng và những đồng chí bị địch tra tấn không đi được. Khi tháo chạy, địch bỏ lại rất nhiều vũ khí, đạn dược và toàn bộ lương thực thực phẩm. Ngày 4-5-1975, tàu Hải quân ta ra Côn Đảo để đón anh em tù nhân trở về đất liền. Mỗi chuyến tàu chở được từ 300-400 người. Ban Quân quản bố trí những đồng chí bị địch kết án tử hình và những đồng chí già yếu, ốm đau lên những chuyến tàu đầu tiên. Bà Thanh được lên tàu vào trưa ngày 5-5 và đến rạng sáng ngày 6-5 về đến cảng Vũng Tàu.
Những chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày trở về với đất mẹ trong sự chào đón nồng nhiệt của hàng ngàn đồng chí, đồng bào. Cờ hoa, băng rôn, biểu ngữ rực rỡ cả khu cảng rộng và trên nhiều đường phố. Những câu khẩu hiệu: “Hoan hô các chiến sĩ cách mạng từ Côn Đảo trở về”, “Chào mừng đoàn quân chiến thắng trở về”… làm tăng thêm niềm phấn khởi, tự hào của anh chị em tù chính trị.
Dù 43 năm đã trôi qua, nhớ lại những ngày đó, bà Thanh vẫn thấy như vừa mới diễn ra.
Bài và ảnh: LÊ VĂN THƠM