Phát huy phẩm chất người lính Cụ Hồ

.

Năm 1984, sau khi xuất ngũ, ông Trần Bá Tượng (SN 1954) chủ động làm đơn xin vào Hợp tác xã (HTX) Mây tre An Khê (quận Thanh Khê). Hơn 30 năm gắn bó với nghề mây tre, đan lát, cùng với quá trình chuyển mình của HTX từ thời bao cấp sang cơ chế thị trường, ông Tượng luôn phát huy phẩm chất kiên cường, mạnh mẽ của người lính Cụ Hồ, chung tay xây dựng đơn vị phát triển như ngày hôm nay. Ông hiện nắm vai trò Chủ tịch HĐQT của HTX.

Hơn 30 năm gắn bó với phong trào HTX, ông Trần Bá Tượng, Chủ tịch HĐQT HTX Mây tre An Khê (quận Thanh Khê) luôn phát huy phẩm chất kiên trung của người lính Cụ Hồ trong phát triển kinh tế, tạo công ăn việc làm cho người lao động.
Hơn 30 năm gắn bó với phong trào HTX, ông Trần Bá Tượng, Chủ tịch HĐQT HTX Mây tre An Khê (quận Thanh Khê) luôn phát huy phẩm chất kiên trung của người lính Cụ Hồ trong phát triển kinh tế, tạo công ăn việc làm cho người lao động.

Ông Trần Bá Tượng chia sẻ, ông nhận lời phỏng vấn không phải vì muốn lên báo mà quãng thời gian này, khi sắp “nghỉ hưu”, ông bỗng hoài niệm nhiều hơn về một thời bao cấp đầy gian khó nhưng thắm nghĩa tình, nhất là những năm 70-80 của thế kỷ trước, khi phong trào HTX phát triển mạnh, mọi hoạt động kinh tế đều do HTX nắm giữ. “Ngày ấy, tôi là bộ đội xuất ngũ về địa phương, lại là đảng viên nên được chính quyền sở tại vận động tham gia vào HTX Mây tre An Khê để củng cố tổ chức, tham gia phát triển đơn vị. Từ năm 1978-1986, HTX có gần 700 xã viên (nay gọi là thành viên). Dưới bàn tay khéo léo của họ, nhiều sản phẩm đồ mây, tre đạt chất lượng và độ tinh xảo cao như bàn, ghế, đồ gia dụng... không chỉ cung cấp cho các bạn hàng trong nước mà còn xuất khẩu sang Liên Xô và khu vực Đông Âu”, ông Tượng cho biết.

Từ sau năm 1986, khi cả nước bước vào thời kỳ đổi mới, mở cửa cũng là lúc các HTX đứng trước thời khắc “sống còn”. Dưới ảnh hưởng của nền kinh tế thị trường, hàng trăm xã viên bỏ HTX Mây tre An Khê ra ngoài làm kinh tế hoặc chuyển sang hướng đi mới. Cả HTX chỉ còn chưa tới 100 xã viên. Trong 3 năm từ 1986-1988, những người ở lại bám trụ với HTX không nhận được đồng lương nào. “Ban chủ nhiệm (nay là Ban quản trị), trong đó có tôi, đứng trước thời khắc “lịch sử” với câu hỏi “Tồn tại hay chết?”. Cuối cùng, chúng tôi quyết định không chỉ tồn tại mà phải phát triển hơn nữa. Muốn vậy, Ban chủ nhiệm phải đi đầu trong thay đổi tư duy về làm kinh tế theo cơ chế thị trường. Chúng tôi cùng thống nhất quan điểm “có gió thì cứ mở cửa để gió vào và nương theo đó mà phát triển”, ông Tượng nhớ lại.

Trong không khí sục sôi của đổi mới và mở cửa hồi ấy, bản thân ông Tượng do từng học qua các lớp đào tạo kế toán, có thời gian làm tài vụ tại Trung đoàn Pháo binh 572 (nay là Lữ đoàn 572 thuộc Quân khu 5) nên đã quen  với các hoạt động kinh tế. Ông nhanh chóng bắt kịp với cách làm kinh tế theo cơ chế thị trường cạnh tranh, tự chủ. Đây cũng là lúc ông và các cộng sự trong HTX phát huy tinh thần và bản lĩnh của người lính Cụ Hồ “biết mình biết ta”; lấy sự cần cù, chịu thương chịu khó của người Việt để bù đắp cho những thiếu hụt về nguồn vốn và kỹ thuật. Ông Tượng xúc động kể: “Sau năm 1991, chúng tôi mất hẳn thị trường quan trọng ở Đông Âu và Liên Xô. Trước tình thế đó, Ban chủ nhiệm quyết định tổ chức các chuyến đi khảo sát tại Thành phố Hồ Chí Minh, nơi kinh tế thị trường đã định hình và phát triển sôi động. Từ các mối quan hệ của các thành viên trong HTX, chúng tôi dần kết nối và từng bước có những bạn hàng đầu tiên sau một khoảng thời gian đầy khó khăn. Các thành viên HTX quen dần với cách làm kinh tế mới, năng động, sáng tạo và trách nhiệm hơn”.

Với tư duy nhạy bén cùng cách nhìn nhận đúng đắn về cơ chế thị trường, ông Tượng cùng Ban chủ nhiệm HTX Mây tre An Khê không ngừng tìm tòi, học hỏi và mạnh dạn cải tiến kỹ thuật, đầu tư trang thiết bị, máy móc hiện đại. Nhờ đó, giảm được chi phí, tiết kiệm nguyên liệu, hạ giá thành sản phẩm nhưng vẫn đạt được yêu cầu của khách hàng.

Qua 40 năm hình thành và phát triển, HTX Mây tre An Khê hiện có 41 thành viên với 120 lao động. Ngoài các bạn hàng ở các tỉnh, thành phố như Nha Trang, Đồng Nai, Hưng Yên, Hà Nội, Thái Bình, Bình Dương..., còn ủy thác xuất khẩu và trực tiếp xuất khẩu sang thị trường Trung Đông - ASEAN và các nước châu Âu. Năm 2017, sản phẩm hàng hóa sản xuất - tiêu thụ của đơn vị đạt 600 tấn mây đã qua chế biến, 50.000 sản phẩm hàng hóa. Doanh thu năm 2017 đạt 20 tỷ đồng, trong đó trực tiếp xuất khẩu đạt 500.000 USD, đạt 60%/tổng doanh thu (trước đây, doanh thu từ xuất khẩu đạt 30 - 40%). Thu nhập của thành viên, người lao động được cải thiện, đời sống vật chất và tinh thần được nâng cao. Từ nguồn Quỹ tín dụng nội bộ, đã hỗ trợ thành viên vay sửa nhà cửa, đầu tư sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế gia đình...

HTX Mây tre An Khê (quận Thanh Khê) hiện là một trong số ít những HTX của Đà Nẵng có tuổi đời trên 40 năm hình thành và phát triển. Là một minh chứng sống động cho quá trình chuyển đổi thành công về tư duy, lề lối làm ăn của mô hình kinh tế HTX từ thời bao cấp sang cơ chế thị trường cạnh tranh khốc liệt. Trong thành công chung đó luôn thấp thoáng bóng dáng của người thủ lĩnh Trần Bá Tượng - một người lính đã phát huy phẩm chất kiên cường của “người lính Cụ Hồ” trong thời bình để tham gia sản xuất kinh tế.

Bài và ảnh: HOÀNG LINH

;
.
.
.
.
.
.