Sáng kiến mang lại lợi ích cho tiểu thương

.

Giải pháp “Tiết kiệm thời gian và chi phí trong việc xác nhận kiến thức an toàn thực phẩm (ATTP) cho các hộ kinh doanh tại các chợ trên địa bàn quận Liên Chiểu” của nhóm tác giả Nguyễn Thị Phương Thảo, Trần Văn Tường và Trà Anh Tài (Phòng Kinh tế, UBND quận Liên Chiểu) đã được áp dụng trong thực tiễn và mang lại hiệu quả.

Tiểu thương Võ Thị Ngọc Vân (buôn bán rau tại chợ Hòa Khánh) với cuốn sổ kê khai nguồn gốc hàng hóa nhập về chợ được ghi chép đầy đủ, rõ ràng.
Tiểu thương Võ Thị Ngọc Vân (buôn bán rau tại chợ Hòa Khánh) với cuốn sổ kê khai nguồn gốc hàng hóa nhập về chợ được ghi chép đầy đủ, rõ ràng.

Bà Nguyễn Thị Phương Thảo, chủ đầu tư tạo ra sáng kiến chia sẻ, theo quy trình, để được cấp giấy xác nhận kiến thức ATTP, chủ cơ sở kinh doanh phải đến UBND quận ít nhất 3 lần (nộp hồ sơ - kiểm tra kiến thức về ATTP và nhận kết quả).

Tổng thời gian xử lý ít nhất là 7 ngày làm việc, trong khi số lượng các hộ kinh doanh tại các chợ trên địa bàn quận Liên Chiểu hơn 770 hộ. Nếu để từng hộ kinh doanh tại các chợ đến nộp hồ sơ đăng ký xác nhận kiến thức ATTP, mỗi hộ sẽ được hướng dẫn thủ tục hồ sơ 1 lần (khoảng 10 phút), được kiểm tra kiến thức ATTP 1 lần (khoảng 60 phút).

Điều này vừa ảnh hưởng việc kinh doanh của tiểu thương, vừa gây áp lực về thời gian tiếp công dân cho cán bộ phụ trách công tác hướng dẫn, kiểm tra.

Từ đó, nhóm của bà Thảo đưa ra sáng kiến để tháo gỡ vướng mắc này: lồng ghép nội dung hướng dẫn thủ tục và kiểm tra kiến thức ATTP tại buổi tập huấn ATTP cho các tiểu thương ngay tại chợ, tranh thủ thời điểm tiểu thương rảnh rỗi.

Phòng Kinh tế quận kiểm tra kết quả làm bài trắc nghiệm của hộ kinh doanh và các bài đạt kết quả được chuyển đến Ban quản lý (BQL) các chợ. Hộ kinh doanh tham dự lớp tập huấn sẽ được cấp luôn giấy xác nhận kiến thức ATTP mà không phải đi lại 3 lần.

Hội đồng Sáng kiến quận Liên Chiểu đã công nhận sáng kiến nói trên, áp dụng tại BQL các chợ quận Liên Chiểu, UBND phường Hòa Khánh Nam và UBND phường Hòa Hiệp Bắc từ tháng 8-2017. Qua đó, 12 lớp tập huấn đã được tổ chức cho các hộ kinh doanh tại các chợ thuộc BQL các chợ và UBND phường Hòa Khánh Nam, phường Hòa Hiệp Bắc, với 774 hộ được làm bài trắc nghiệm kiến thức ATTP.

“Do được lồng ghép với tập huấn kiến thức ATTP nên các hộ kinh doanh nắm bắt kiến thức liên quan đến bài kiểm tra trắc nghiệm, kết quả làm bài kiểm tra cũng tốt hơn. Cùng với đó, việc tổ chức các lớp tập huấn được tổ chức ở vị trí thuận lợi nên các hộ kinh doanh tham gia đông đủ.

Số lượng đăng ký hồ sơ cấp giấy xác nhận kiến thức bảo đảm hơn so với trường hợp để hộ kinh doanh tự liên hệ đăng ký tại tổ tiếp nhận và trả kết quả của quận”, bà Thảo chia sẻ.

Điều rất vui là hầu hết tiểu thương đồng tình hưởng ứng. Theo bà Võ Thị Ngọc Vân (buôn bán rau tại chợ Hòa Khánh), từ khi áp dụng sáng kiến này, các tiểu thương không phải vất vả đi lại nộp hồ sơ, lại chẳng mất công chờ đợi tới lượt. “Ngoài việc tận dụng thời gian, bản thân tôi có thêm kiến thức để kinh doanh hàng hóa bảo đảm nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, lại vừa được cấp giấy chứng nhận nên đây là ý tưởng rất thiết thực”, bà Vân nói.

Cùng quan điểm này, bà Trần Thị Nga (buôn bán thịt lợn sống tại chợ Hòa Khánh) cho rằng, ngoài việc giảm thời gian, chi phí, các tiểu thương còn có thêm điều kiện để tăng nguồn thu nhập. “Sau khi được tập huấn, tôi có thêm kiến thức để bảo đảm ATTP và áp dụng ngay. Khách đến mua thịt tại quầy của tôi thấy có đầy đủ dấu kiểm dịch, nguồn gốc rõ ràng thì họ tin tưởng, từ đó tôi bán được nhiều hàng hơn”, bà Nga phân tích.

Ông Nguyễn Văn Hà, Phó BQL các chợ quận Liên Chiểu kiêm Trưởng BQL chợ Hòa Khánh cũng cho rằng, sáng kiến này thực sự phù hợp với thực tiễn khi vừa giảm thời gian và chi phí cho các tiểu thương, vừa không làm ảnh hưởng tới quá trình kinh doanh của các hộ.

Ông Nguyễn Hữu Thiết, Phó Chủ tịch UBND quận Liên Chiểu, Chủ tịch Hội đồng Sáng kiến quận Liên Chiểu nhận định: Sáng kiến “Tiết kiệm thời gian và chi phí trong việc xác nhận kiến thức ATTP cho các hộ kinh doanh tại các chợ trên địa bàn quận Liên Chiểu” phù hợp thực tế, qua đánh giá cho thấy đạt hiệu quả và mang lại lợi ích thiết thực, trong đó các tiểu thương được hưởng lợi nhiều nhất.

Lãnh đạo quận cũng đánh giá cao tính thiết thực của sáng kiến và đang tiếp tục chỉ đạo Phòng Kinh tế cũng như các đơn vị liên quan phối hợp chặt chẽ, triển khai đồng bộ nhằm nâng cao hiệu quả hơn nữa.

Đánh giá lợi ích khi áp dụng sáng kiến

- Chi phí: Mỗi hồ sơ đăng ký, chi phí đi lại 3 lần, mỗi lần 15.000 đồng (tính bình quân cho các phường trên địa bàn). Năm 2017 đã áp dụng cho 774 hồ sơ, tổng chi phí đi lại: 3 x 15.000 đồng/lần x 774 = 34.830.000 đồng. Áp dụng sáng kiến thì chi phí là 0 đồng (vì đã tính vào chi phí tham dự tập huấn), tiết kiệm 34.830.000 đồng.

- Đối với công dân: Đi lại 3 lần, mỗi lần 30 phút, chưa kể thời gian chờ đợi đến lượt. Áp dụng sáng kiến tiết kiệm thời gian đi lại và chờ đợi của công dân.

- Đối với cán bộ quản lý Nhà nước: Thời gian hướng dẫn thủ tục: 10 phút/hồ sơ x 774 hồ sơ = 7.740 phút. Áp dụng sáng kiến: 10 phút x 12 lớp = 120 phút, tiết kiệm 7.620 phút. Thời gian hướng dẫn và chờ làm bài trắc nghiệm kiểm tra kiến thức: 60 phút/hồ sơ x 774 hồ sơ = 46.440 phút. Áp dụng sáng kiến: 60 phút x 12 lớp tập huấn = 720 phút, tiết kiệm 45.720 phút.

Bài và ảnh: ĐẮC MẠNH

;
.
.
.
.
.
.