Theo thống kê của Bộ Tài chính, trong 14 năm qua, Nhà nước đã thực hiện tổng cộng 11 lần tăng lương. Điều này kéo theo hệ quả là tiền lương đã chiếm đến 50% mức chi ngân sách thường xuyên và tương đương 31% tổng chi ngân sách quốc gia.
Đây là tỷ lệ cao so với nhiều quốc gia trên thế giới. Thế nhưng điều này cũng không thể giải quyết được nghịch lý tồn tại lâu nay: người làm công ăn lương không thể sống được với đồng lương mà lại phụ thuộc vào các khoản phụ cấp, tiền thưởng, làm nghề tay trái và cả nguồn thu tiêu cực trong quá trình làm việc mà có.
Cũng chính vì vậy, vấn đề tiền lương đã rất nhiều lần được đặt lên bàn nghị sự của Quốc hội, Cải cách tiền lương... các phiên làm việc của Chính phủ và cả trên các diễn đàn báo chí chính thống lẫn dư luận.
Dù ở đâu, cấp độ nào, tất cả đều chung một nhận định tiền lương không đủ sống, nhưng muốn tăng lương đến mức đủ sống thì ngân sách Nhà nước không thể chịu đựng nổi, nhất là trong bối cảnh cần nguồn lực tài chính rất lớn cho đầu tư hạ tầng giao thông, giáo dục, y tế, sản xuất...
Chính vì không thể thoát được cái vòng luẩn quẩn tăng lương nhưng tiền đâu để tăng nên suốt thời gian dài, việc tăng lương chỉ mới hoàn thành “sứ mệnh” bù trượt giá trên thị trường. Và như vậy cuộc sống của người lao động hưởng lương vẫn gặp rất nhiều khó khăn.
Đề án cải cách tiền lương lần này có thể được xem là một “làn gió mới” cùng lúc giải quyết được hai vấn đề cốt lõi: tiền lương phải đủ sống và “chỉ” ra được nguồn ngân sách bảo đảm cho vấn đề tiền lương. Về quan điểm cải cách tiền lương theo đề án, thứ nhất, “tiền lương phải là thu nhập chính bảo đảm đời sống của người lao động và gia đình họ”; thứ hai, quá trình cải cách tiền lương sẽ gắn với “lộ trình cải cách hành chính, tinh giản biên chế, sắp xếp, đổi mới hệ thống chính trị; đổi mới hệ thống công lập...”.
Trong khi đó, báo cáo thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2017 của Chính phủ đã đưa ra con số đáng suy ngẫm: cả nước hiện có đến 11 triệu người hưởng lương từ ngân sách, bao gồm cả các đối tượng chính sách! Và cũng từ báo cáo này chỉ ra tiếp, riêng ở khu vực Nhà nước đã phát hiện thừa 57.000 biên chế. Khoan nói về vấn đề cốt lõi mà Đề án cải cách tiền lương đưa ra là “cải cách hành chính, sắp xếp lại bộ máy...”, chỉ cần chúng ta mạnh dạn “cắt” bỏ ngay 57.000 suất biên chế trong khu vực Nhà nước bị dôi dư thì lập tức ngân sách Nhà nước sẽ tiết kiệm được một khoản không hề nhỏ.
Và tiếp đến thực hiện lộ trình đến năm 2021 tiếp tục tinh giản, sắp xếp, đổi mới với tinh thần tạo nên một bộ máy hành chính Nhà nước tinh gọn, hiệu quả thì mỗi năm ngân sách sẽ tiết kiệm được hàng ngàn tỷ đồng. Và đây chính là nguồn để bảo đảm người lao động sẽ “sống được bằng lương”.
Dĩ nhiên, việc “cắt bỏ” hàng ngàn, thậm chí hàng triệu suất biên chế rõ ràng là một “cơn đau” không dễ chịu chút nào với rất nhiều người vốn quen cảnh “sáng cắp ô đi, tối cắp ô về” và yên vị trong chiếc vỏ bọc biên chế Nhà nước. Sẽ rất khó sắp xếp lại những “chiếc ghế” vốn đã dư thừa, thậm chí là lực cản cho phát triển xã hội; sẽ rất khó với những suất biên chế vốn là người thân, người quen của những quan chức; sẽ rất khó với những suất biên chế có được từ những trò gian dối trong thi cử, sử dụng bằng cấp giả... để có một chân trong cơ quan Nhà nước hưởng lương suốt đời, nhưng phải cắt bỏ, không đắn đo, vì đó là điều vô cùng cần thiết. Đã đến lúc Nhà nước cần mạnh dạn tinh gọn bộ máy hành chính để có được một bộ máy hiệu quả hơn, giảm được rất nhiều chi phí vô lý khác.
Cùng với công tác cán bộ, bảo hiểm xã hội, vấn đề cải cách tiền lương là nội dung quan trọng được đưa ra thảo luận, cho ý kiến tại Hội nghị Trung ương 7, khóa XII đang diễn ra ở Hà Nội. Theo phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại phiên khai mạc, Đề án cải cách tiền lương lần này sẽ là bước ngoặt quan trọng, bảo đảm “tiền lương phải là nguồn thu nhập chính”. Với những người đang được hưởng lương, đang làm việc hiệu quả với tinh thần trách nhiệm cao, đó là một tin vui vì sắp đến công sức họ bỏ ra sẽ được hưởng xứng đáng, và như vậy, họ cũng sẽ toàn tâm toàn ý cho công việc.
T.S