Trở về từ chiến trường, trải qua biết bao mất mát, hy sinh, những cựu chiến binh (CCB) về giữa đời thường vẫn luôn phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ vừa hăng hái gia nhập “thương trường”, vừa giúp đỡ đồng đội phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống.
Xưởng may của Công ty TNHH Tiến Thắng do cựu chiến binh Phạm Văn Bạn làm chủ. |
Anh Trần Văn Đen là hội viên CCB quận Hải Châu. Trước nhu cầu ngày càng tăng về phát triển xây dựng của thành phố, năm 2013, anh mạnh dạn thành lập đội thợ xây dựng, tập hợp những hội viên CCB hoặc quân nhân xuất ngũ có tay nghề. Ưu điểm của việc làm này là không cần vốn, chỉ với sự cần cù, khéo léo và chịu thương, chịu khó, đội thợ của anh đã từng bước khẳng định mình.
Những ngày đầu lập nghiệp, đội chủ yếu nhận các công trình sửa chữa và xây dựng thông qua sự giới thiệu của UBND phường. Đến nay, sau 5 năm, quân số của đội dao động khoảng 20 người, ngày nào cũng có việc làm, mức thu nhập của mỗi thợ bình quân từ 7-8 triệu đồng/tháng.
Cao điểm vào mùa hè, có ngày thu nhập gần 400.000 đồng/người. Anh Đen cho biết: “Các thành viên của đội đều là bộ đội xuất ngũ nên chúng tôi được khách hàng tin tưởng về chất lượng công trình. Chúng tôi luôn bảo đảm đầy đủ tiền lương của anh em, khi có lãi thì chia đều làm phần thưởng để mọi người phấn khởi làm tốt công việc”.
Trong khi đó, ông Đặng Ngọc Đường thành lập Công ty TNHH Hương quế Xứ Quảng năm 2010. Với số vốn ban đầu 500 triệu đồng, công ty sản xuất chủ yếu tấm lót giày và sản phẩm chăm sóc sức khỏe làm từ bột quế Trà My như: nịt bụng giảm mỡ, nịt đầu gối, dép quế... Các mặt hàng của công ty có thị trường ổn định tại Đà Nẵng và Thành phố Hồ Chí Minh. Công ty đã tạo việc làm cho 8 công nhân là vợ, con các CCB, người khuyết tật có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn với mức thu nhập gần 4,5 triệu đồng/tháng. Trừ hết chi phí, mỗi tháng ông Đường thu nhập khoảng 15 triệu đồng.
CCB Phạm Văn Bạn ở phường Hòa Thọ Tây, quận Hải Châu cũng là thương binh hạng 2/4 có hàng chục năm tham gia chiến trường. Năm 2006, ông thành lập Công ty TNHH may mặc Tiến Thắng đóng tại thôn La Bông, xã Hòa Tiến, huyện Hòa Vang. Số vốn ban đầu ông vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội và mượn bạn bè. Ông cũng thế chấp nhà ở để vay vốn tạo lập sự nghiệp. Cả gia đình gồm vợ, con ông đều trải qua các quy trình đào tạo ngắn hạn lẫn dài hạn về kỹ thuật sản xuất may mặc. Các sản phẩm của công ty đủ tiêu chuẩn xuất khẩu vào thị trường châu Âu, giá trị xuất khẩu tăng từng năm. Riêng năm 2017 đạt hơn 5,3 triệu USD, thu nhập bình quân đầu người hơn 6 triệu đồng/tháng.
Anh Nguyễn Thanh Vân, công nhân của công ty cho biết: “Tôi làm ở đây được 11 năm với mức lương từ 8-10 triệu đồng/tháng. Tôi luôn được công ty quan tâm chu đáo về quyền lợi và bảo đảm cuộc sống cho gia đình”. Đặc biệt, công ty của ông Bạn đóng góp mỗi năm hàng trăm triệu đồng ủng hộ quỹ đền ơn đáp nghĩa, quỹ thiên tai, xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, tặng quà cho học sinh nghèo, mua bảo hiểm y tế cho người nghèo, phụng dưỡng 2 Mẹ Việt Nam Anh hùng mỗi Mẹ 1,5 triệu đồng/tháng, ủng hộ chương trình vì biển, đảo quê hương và tôn tạo, sửa chữa Nghĩa trang liệt sĩ xã Hòa Tiến.
Được biết, để giúp hội viên CCB có điều kiện phát triển kinh tế, từ năm 2016 đến nay, Hội CCB thành phố đã phối hợp với các ban, ngành tổ chức 8 lớp tập huấn, chuyển giao khoa học công nghệ, mở rộng các loại hình tín chấp, vay vốn, hướng dẫn và tạo điều kiện thành lập các mô hình doanh nghiệp do CCB làm chủ. Từ đó góp phần động viên, khuyến khích CCB vươn lên làm giàu, xuất hiện ngày càng nhiều tấm gương hội viên dám nghĩ, dám làm, phát huy truyền thống dũng cảm, kiên cường của người lính trên mặt trận xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế gia đình, hỗ trợ đồng đội ổn định cuộc sống, góp phần tích cực vào phong trào an sinh xã hội, xây dựng “Thành phố 4 an” đạt hiệu quả thiết thực.
Bài và ảnh: C.T