Trong phiên thảo luận về tình hình kinh tế-xã hội sáng 25-5, đấu giá biển số đẹp là vấn đề được các đại biểu Quốc hội quan tâm đề cập, tranh luận với nhiều ý kiến trái chiều. Có đại biểu cho rằng cần sớm triệt để áp dụng, có đề nghị “cần hết sức cân nhắc.”
Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Dương Nguyễn Thanh Hồng phát biểu. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN) |
Đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (Bình Định) khẳng định, nếu sớm triển khai đấu giá biển số xe ô tô, hằng năm ngân sách sẽ thu về được khoảng 5.000 tỷ đồng từ việc đấu giá hơn 12% số biển số đẹp được sắp xếp có quy cách, biển số được người dân ưa thích và hơn 60% biển số theo yêu cầu của người dân trong tổng kho số.
Cho rằng quy định hiện hành chỉ mới đấu giá được một tỷ lệ rất nhỏ biển số xe trong kho biển số hiện có, đại biểu Nguyễn Văn Cảnh đánh giá, đây là biểu hiện của sự lãng phí khi chính sách không phát huy hết được nguồn lực, thu triệt để cho ngân sách.
“Khi xây dựng dự thảo Nghị định hướng dẫn đấu giá biển số, có ý kiến đề xuất chỉ đấu giá các biển số có 5 chữ số giống nhau, có 4 chữ số giống nhau, có 3 chữ số giống nhau và số tiến cũng như những số người dân có nhu cầu khác 4 nhóm trên.
Như vậy chiếm chưa đến 1% tổng kho số. Bên cạnh đó, còn có ý kiến không cho phép người có biển số thông qua đấu giá được tiếp tục sử dụng cho chiếc xe tiếp theo của mình.
Với con số dẫn chứng hơn 12% biển số xe đẹp khi đề xuất ban hành Luật, đến dự thảo Nghị định thì đề xuất còn chưa tới 1% biển số xe đẹp, giảm hàng chục lần về số lượng”, ông Cảnh nêu ý kiến.
Bên cạnh sự sụt giảm về số lượng biển số đẹp có thể đem ra đấu giá, đại biểu Nguyễn Văn Cảnh cũng nhấn mạnh về bất cập khi không cho phép người dân sử dụng biển số qua đấu giá được tiếp tục sử dụng cho xe tiếp theo của mình có thể dẫn đến việc giảm nguồn thu.
Từ chỗ có thể thu về bình quân vài chục triệu đồng trên một biển số, đến khi đề xuất trong dự thảo Nghị định chỉ có thể thu được vài triệu đồng nếu không cho người dân quyền được tiếp tục giữ biển số cho xe tiếp theo, làm giảm giá trị của biển số hàng chục lần.
“Thậm chí, có nhiều người không muốn trả tiền để có biển số theo ngày sinh vì họ không muốn sau này khi bán xe thì phải bán luôn cả biển số ngày sinh của mình,” đại biểu Cảnh cho biết.
Từ những lý do đó, đại biểu đề nghị Thủ tướng chỉ đạo sớm ban hành văn bản hướng dẫn đấu giá biển số xe với kho số đẹp được mở rộng hơn. Người dân có biển số đẹp, biển số theo nhu cầu, phải trả tiền, được quyền sử dụng cho chiếc xe tiếp theo của mình.
Cho rằng có thể có được nguồn thu hàng nghìn tỷ đồng cho ngân sách trong thời điểm khó khăn hiện nay là điều rất đáng quý, tuy nhiên đại biểu Nguyễn Thanh Hồng (Bình Dương) không tán thành việc đưa ra đấu giá biển số đẹp, biển số theo yêu cầu người dân.
Đại biểu Nguyễn Thanh Hồng dẫn chứng có nhiều nước trên thế giới làm việc này, nhưng cũng có nhiều nước không làm.
Khẳng định quan điểm bản chất của biển số đẹp là để phục vụ quản lý nhà nước, đấu giá biển số đẹp sẽ phá vỡ hệ thống quản lý, đại biểu cho rằng: “Biển số đẹp khác hoàn toàn với số điện thoại, với số tài khoản ngân hàng, nó cũng tương tự như số căn cước công dân và các loại số quản lý nhà nước khác, sinh ra để làm nhiệm vụ quản lý chứ không phải sinh ra là một tài sản theo nghĩa là để đấu giá, hay để bán.”
Ngoài ra, đại biểu đặt vấn đề việc đấu giá biển số đẹp thì công dân có quyền lựa chọn, từ chối các số "xấu" hay không?
Theo đại biểu Nguyễn Thanh Hồng, qua thực tế đấu giá số điện thoại đẹp, việc đấu giá và nguồn thu cũng thay đổi theo từng thời kỳ và tâm lý của người sử dụng. Con số hàng ngàn tỷ đồng nguồn thu theo tính toán cũng không thể thu ngay vào ngân sách. Do đó, đại biểu Nguyễn Thanh Hồng đề nghị cần “hết sức cân nhắc” vấn đề này.
Theo VOV