Đầu tư công, hai mảng sáng – tối

Bài 1: Dấu ấn về sự vươn lên của Đà Nẵng

.

Thành phố Đà Nẵng là địa phương có hạ tầng đô thị khá đồng bộ với hàng trăm công trình trên các lĩnh vực được đầu tư xây mới, đáp ứng yêu cầu phát triển thành phố động lực của khu vực. Chính thành quả của đầu tư công đã thay đổi diện mạo đô thị, trở thành điều kiện tiên quyết phát triển kinh tế-xã hội thành phố, tạo ấn tượng mạnh với nhà đầu tư, du khách trong và ngoài nước.

Tuy nhiên, bên cạnh nhiều công trình phát huy hiệu quả, tạo bứt phá kinh tế-xã hội, vẫn còn những công trình chất lượng kém, tiến độ chậm, hiệu quả sử dụng thấp, gây lãng phí. Quy trình, thủ tục đầu tư công cũng bộc lộ những bất cập cần sớm có giải pháp tháo gỡ.

Năm 2003, Đà Nẵng trở thành đô thị loại 1 cấp quốc gia, thể hiện mục tiêu của Trung ương và khát vọng của nhân dân thành phố là phát triển Đà Nẵng trở thành trung tâm kinh tế-chính trị, thành phố động lực khu vực miền Trung-Tây Nguyên, đúng theo tinh thần Nghị quyết số 33-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa IX) về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Để hiện thực hóa mục tiêu này, thành phố huy động nguồn lực rất lớn để phát triển hạ tầng đô thị, xây dựng các công trình giáo dục, y tế, tạo nên diện mạo đô thị văn minh hiện đại như hiện nay.

Công trình cầu Sông Hàn là biểu tượng của sự kết nối đôi bờ, thể hiện sự đồng thuận của nhân dân Đà Nẵng sau khi trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.
Công trình cầu Sông Hàn là biểu tượng của sự kết nối đôi bờ, thể hiện sự đồng thuận của nhân dân Đà Nẵng sau khi trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.

Những công trình ngày càng hiện đại

Năm 1998, một năm sau khi trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, Đà Nẵng khởi công xây dựng cầu Sông Hàn. Đây là công trình đầu tư công mang tính đột phá về tư duy đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng của thành phố lúc bấy giờ, thể hiện sự chuyển mình của thành phố Đà Nẵng trẻ trung, năng động, biểu tượng cho một khát vọng vươn lên của người dân thành phố.

Kiến trúc cầu Sông Hàn thể hiện sự hội tụ, kết nối đôi bờ, là minh chứng cho sức mạnh đồng thuận của nhân dân Đà Nẵng. Khánh thành từ năm 2000, đến nay, qua 18 năm sử dụng, cầu Sông Hàn khẳng định hiệu quả đầu tư không chỉ kết nối về giao thông giữa quận Hải Châu và Sơn Trà và Ngũ Hành Sơn mà còn mở ra cơ hội lớn để phát triển khu vực phía Đông thành phố.

Từ hiệu quả rất rõ nét của cầu Sông Hàn, thành phố tiếp tục xây dựng các cây cầu Thuận Phước, với tổng vốn đầu tư gần 1.000 tỷ đồng, cầu Trần Thị Lý có vốn đầu tư hơn 1.700 tỷ đồng, cầu Rồng tổng vốn đầu tư hơn 1.700 tỷ đồng, tạo điểm nhấn kiến trúc đặc biệt trên sông Hàn.

Ở góc độ phát triển đô thị, việc tạo dựng kiến trúc độc đáo từ những chiếc cầu vừa góp phần giao thương, vừa thu hút du khách trong và ngoài nước đến tham quan, mở ra cơ hội phát triển lĩnh vực du lịch, dịch vụ, thương mại của Đà Nẵng.

Trên lĩnh vực giáo dục, từ năm học 2003-2004, thành phố đầu tư xây dựng Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn với tổng kinh phí trên 70 tỷ đồng tại đường Vũ Văn Dũng (quận Sơn Trà). Đây là ngôi trường được đầu tư hệ thống phòng học hiện đại, đầy đủ tiện nghi, tạo điều kiện để học sinh giỏi thành phố học tập và phát triển tài năng.

Từ năm 2011, Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn đưa vào hoạt động khu nội trú 11 tầng dành cho học sinh của nhà trường gồm 149 phòng đủ cho 750 học sinh ở và sinh hoạt. Ngoài phòng ở, còn có khu sân chơi, bãi tập, bể bơi, sân vận động…

Tổng kinh phí đầu tư xây dựng công trình hơn 106 tỷ đồng. Hiện có hơn 300 học sinh đăng ký ở. Bên cạnh đó, công trình Trường THPT Phan Châu Trinh tại địa chỉ 167 đường Lê Lợi (quận Hải Châu) được thành phố quyết định đầu tư vào năm 2015 với tổng kinh phí gần 91 tỷ đồng; được đưa vào hoạt động từ năm 2016.

Từ năm 2010, Đà Nẵng quyết định chuyển dự án Bệnh viện (BV) đa khoa 600 giường thành Trung tâm Phụ sản-Nhi, nay là BV Phụ sản-Nhi Đà Nẵng. Bệnh viện có quy mô 11 tầng trên diện tích hơn 10.000m2, có 550 giường bệnh, ban đầu có 16 khoa, phòng được đầu tư trang thiết bị hiện đại.

Hiện nay, BV Phụ sản-Nhi Đà Nẵng được đầu tư đầy đủ trang thiết bị y tế hiện đại, bảo đảm yêu cầu KCB chuyên khoa sâu, kỹ thuật cao với tổng số 1.650 giường bệnh thực kê/1.200 giường bệnh kế hoạch với 38 khoa, phòng và 1 Trung tâm.

Đây là hướng mở để ngành Y tế thành phố tiếp tục phát triển các chuyên khoa mũi nhọn theo hướng hiện đại, tiên tiến ở tầm khu vực. Những công trình đầu tư công tiêu biểu nói trên đã phát huy hiệu quả rất lớn trong phát triển kinh tế-xã hội, tạo nền tảng để Đà Nẵng bứt phá trong thời gian qua.

Bệnh viện Phụ sản-Nhi Đà Nẵng mang lại hiệu quả cao trong chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em khu vực miền Trung.
Bệnh viện Phụ sản-Nhi Đà Nẵng mang lại hiệu quả cao trong chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em khu vực miền Trung.

Đầu tư phát triển hạ tầng đô thị

Qua giám sát chuyên đề về đầu tư công của Thường trực HĐND thành phố cho thấy hoạt động đầu tư công đạt được hiệu quả rất lớn và ấn tượng với cả nước. Với quyết tâm “Xây dựng thành phố Đà Nẵng trở thành trung tâm kinh tế-xã hội của miền Trung và cả nước”, thành phố đã khai thác triệt để tiềm năng, lợi thế của địa phương, vận dụng linh hoạt các chủ trương, chính sách của Nhà nước để phát huy nội lực, tranh thủ mọi nguồn lực để xây dựng và phát triển thành phố.

Đến cuối năm 2017, toàn thành phố phát triển lên 2.171 tuyến đường, với tổng chiều dài 1.260km; so với năm 2003 tăng 1.894 tuyến đường (gấp 8 lần) và tăng 793km (gấp 3 lần). Có thể kể đến như đường Nguyễn Văn Linh, Phạm Văn Đồng, Lê Duẩn, Nguyễn Tất Thành, đường Vành đai phía Nam, đường Trường Sa-Võ Nguyên Giáp-Hoàng Sa, đường Cách mạng Tháng Tám, Trường Chinh…

Thành phố tập trung đầu tư nhiều tuyến đường mới kết nối giao thông tại các khu vực phía tây, tây nam thành phố, tạo điều kiện thuận lợi đi lại cho người dân, thúc đẩy kinh tế thành phố phát triển. Cùng với đó, nhiều khu đô thị hiện đại hình thành, các khu nhà chồ, khu ổ chuột được thay thế bằng các khu TĐC mới khang trang được đầu tư bằng ngân sách. Bất động sản ven biển của Đà Nẵng liên tục tăng trưởng trong nhiều năm qua, thu hút các nguồn lực đầu tư phát triển du lịch.

Thông qua đầu tư công, nhiều khu công nghiệp (KCN) lớn được hình thành như: KCN Hòa Khánh, Khu Công nghệ cao, Khu công nghệ thông tin tập trung, KCN Dịch vụ thủy sản Đà Nẵng, KCN Hòa Cầm… thu hút hàng ngàn dự án đầu tư trong và ngoài nước, tác động rất lớn đến sự phát triển kinh tế-xã hội của thành phố, góp phần đưa Đà Nẵng trở thành trung tâm dịch vụ, công nghiệp của miền Trung và Tây Nguyên.

Bên cạnh đầu tư cho các công trình kết cấu hạ tầng, thành phố chú trọng đến việc đầu tư các công trình an sinh xã hội, thiết chế văn hóa, thể thao, như: Thư viện Khoa học tổng hợp, Bảo tàng Đà Nẵng, Cung thiếu nhi, sân vận động Hòa Xuân, bể bơi thành tích cao… để nâng cao đời sống tinh thần và đáp ứng nhu cầu luyện tập thể thao của người dân thành phố.

Đến nay thành phố có 380 đơn vị trường học từ mầm non đến THPT; có 90 cơ sở y tế với 5.529 giường bệnh, so với năm 1997 tăng 30 cơ sở và 3.984 giường bệnh.

Đến nay, thành phố đầu tư xây dựng trên 300 khu dân cư, khu đô thị. Thực hiện chương trình “Có nhà ở” và Đề án “7.000 căn hộ dành cho người thu nhập thấp”, thành phố đưa vào sử dụng 10.600 căn hộ. Ngoài nguồn vốn của ngân sách thành phố, trong 15 năm qua, Đà Nẵng tích cực tranh thủ các nguồn vốn trái phiếu Chính phủ, vốn hỗ trợ có mục tiêu và vốn chương trình mục tiêu quốc gia để đầu tư các công trình trọng điểm có quy mô. Tổng vốn Trung ương đã hỗ trợ cho thành phố trong 15 năm qua hơn 4.300 tỷ đồng.

Với những kết quả nêu trên, cơ sở hạ tầng của Đà Nẵng được Trung ương cũng như các tổ chức quốc tế đánh giá là một đô thị có cơ sở hạ tầng tương đối tốt của Việt Nam. Đây là những thành tựu đáng khích lệ, đặc biệt trong điều kiện ngân sách đầu tư của Trung ương còn nhiều khó khăn, thành phố phát huy tối đa nội lực để phát triển hạ tầng kinh tế-xã hội.

Thành quả này không chỉ mang lại những giá trị thiết thực to lớn về kinh tế, xã hội mà còn có ý nghĩa chính trị lâu dài, củng cố niềm tin của nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng, sự điều hành của chính quyền thành phố.

Tổng vốn đầu tư xây dựng cơ bản của thành phố Đà Nẵng trong 15 năm (2003-2017) là 71.874 tỷ đồng, tốc độ tăng bình quân hằng năm là 14%. Riêng năm 2017 đầu tư 6.936 tỷ đồng, tăng gấp 7 lần so với năm 2002.

Đặc biệt, chi từ nguồn thu tiền sử dụng đất trong 15 năm gần 35.260 tỷ đồng, chiếm gần 50% tổng vốn đầu tư xây dựng cơ bản của thành phố, tăng gấp 3,5 lần so với năm 2002 và đã trở thành nguồn lực chủ yếu để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng.

Nhóm PV Thời sự

;
.
.
.
.
.
.