Sự kiện lễ hội pháo hoa quốc tế Đà Nẵng (DIFF) 2018 diễn ra trong hai tháng, đánh dấu 10 năm thử sức của đội pháo hoa Đà Nẵng - Việt Nam trên đấu trường quốc tế.
Chuẩn bị ống pháo hoa trước giờ bắn. |
2008 là năm đầu tiên thành phố Đà Nẵng tổ chức cuộc thi trình diễn pháo hoa mang tầm cỡ quốc tế. Đội pháo hoa Việt Nam lúc đó chưa được thành lập, thiết bị bắn còn phụ thuộc vào Công ty tư vấn Global 2000 và Nhà máy Z21. Sau cuộc thi này, đội được thành lập, tham gia khóa tập huấn tại Malaysia, và được đầu tư mua sắm trang thiết bị hiện đại.
Để tiếp cận và sử dụng các công nghệ bắn tiên tiến, toàn đội đã phát huy tinh thần học hỏi và quyết tâm cao với mong muốn khẳng định thương hiệu chủ nhà, cống hiến cho khán giả những phần trình diễn đẹp mắt qua các mùa lễ hội. Không chỉ vậy, đội còn tham gia các cuộc thi quốc tế và đạt nhiều giải cao tại lễ hội pháo hoa tổ chức tại Canada, Ba Lan trong hai năm 2014, 2016.
Tất cả thành viên đội pháo hoa Đà Nẵng đều là quân nhân thuộc Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) thành phố. Thiếu tá chuyên nghiệp Huỳnh Ngọc Chính, Đội trưởng cho biết: “Từ một đội bán chuyên nghiệp, vừa làm nhiệm vụ quân sự vừa kiêm nhiệm dự thi, chúng tôi được tiếp xúc và thi đấu với những đội quốc tế chuyên nghiệp được thành lập từ vài chục năm trước, thậm chí có đội thành lập trên 100 năm. Đó vừa là thách thức, vừa là cơ hội cho đội pháo hoa còn non trẻ của chúng ta.
Quá trình được cọ xát cùng các đội pháo hoa kỳ cựu quốc tế đã giúp đội đúc kết được nhiều kinh nghiệm trong các khâu lập trình, chọn pháo và thiết kế, kịch bản ngày càng đạt độ chuyên nghiệp cao, sự phối kết hợp giữa âm nhạc và pháo hoa cũng nhuần nhuyễn hơn, được đông đảo khán giả đón nhận và cổ vũ nhiệt tình”.
Để có những màn pháo hoa vô cùng hấp dẫn, đội pháo hoa Đà Nẵng - Việt Nam đã phải bỏ ra rất nhiều công sức và nỗ lực hết mình. Kịch bản phải chuẩn bị từ 6 tháng trước để thông qua và sửa đổi. Khi hoàn chỉnh mới đặt pháo ở nước ngoài theo đúng ý định kịch bản. Một tháng trước ngày thi, toàn đội phải có mặt tại kho pháo để vận chuyển pháo vào kho, trước ngày bắn lại vận chuyển đến khu vực bắn. Tuy có sự trợ giúp của các thiết bị, phương tiện nhưng hầu hết anh em đều trực tiếp khiêng vác vào vị trí.
Bên cạnh đó, năm nay đội còn phải lắp đặt 17.600 ống phóng và 2.900 giá các loại pháo hiệu ứng đặc biệt cho cả 8 đội dự thi. Suốt cả tháng trời, toàn đội chỉ có 12 người làm việc liên tục cả ngày nghỉ, ban đêm trong thời tiết nắng nóng vất vả, ai cũng đen sạm. Nhưng nguy hiểm hơn vẫn là sự độc hại từ các thùng pháo hoa được tiếp xúc trực tiếp có nguy cơ đe dọa lớn về sức khỏe, cùng với đó là khả năng xảy ra cháy nổ luôn thường trực. Vì vậy, việc kiểm tra, kiểm soát, canh gác và thực hiện đúng nội quy an toàn tại kho và vị trí bắn được thực hiện vô cùng nghiêm ngặt 24/24 giờ.
Thiếu tá chuyên nghiệp Lưu Đức Dũng, thành viên của đội cho biết: “Năm nay, đội Đà Nẵng - Việt Nam đã hoàn thành chương trình dự thi trong đêm khai mạc đầu tiên với chủ đề “Nhịp cầu tình yêu”.
Với lợi thế là thành phố có những cây cầu tuyệt đẹp, toàn đội tự chọn nhạc, lên kịch bản, thiết kế lập trình, bảo đảm để màn trình diễn của đội vừa mang tính truyền thống của đất nước quê hương, vừa có sự hội nhập quốc tế, mang lại những màn pháo hoa lộng lẫy qua những hiệu ứng mới mẻ, tạo bất ngờ và cảm xúc cho người xem”.
10 năm tham gia lễ hội, những người mặc áo lính thuộc Bộ CHQS thành phố đã viết nên những câu chuyện đẹp với bạn bè quốc tế và hàng vạn du khách đến từ khắp mọi nơi về truyền thống, lịch sử, huyền thoại và tình yêu, vẻ đẹp bất tận của mảnh đất Đà Nẵng thông qua những màn trình diễn pháo hoa. Bên cạnh niềm hạnh phúc là khó khăn, vất vả khó đong đếm hết nhưng các anh luôn tự hào khi được góp phần “vẽ” lên bầu trời Đà Nẵng những hoa pháo lãng mạn đọng lại dấu ấn sâu đậm trong lòng người.
Bài và ảnh: CÁT TƯỜNG