Trao đổi với Báo Đà Nẵng về kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIV khai mạc hôm nay (ngày 21-5), Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) thành phố Đà Nẵng Nguyễn Bá Sơn (ảnh) cho biết, điểm mới của kỳ họp này là thực hiện chất vấn và trả lời chất vấn trực tiếp; tức là ĐBQH hỏi câu nào xong, người được chất vấn trả lời câu hỏi đó ngay. Cách thức này yêu cầu cả người chất vấn và người được chất vấn phải lựa chọn câu hỏi “đắt” mà cử tri quan tâm nhất. Người trả lời phải chuẩn bị rất kỹ mới trả lời được.
Cử tri quận Ngũ Hành Sơn phát biểu tại buổi tiếp xúc với các đại biểu Quốc hội thành phố Đà Nẵng trước kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIV. Ảnh: ĐOÀN SƠN |
Tại kỳ họp này, Đoàn ĐBQH Đà Nẵng được cử tri thành phố giao trọng trách đề xuất, kiến nghị Quốc hội, Chính phủ xử lý vấn đề đất thương mại dịch vụ, sản xuất kinh doanh nhưng được chính quyền Đà Nẵng trước đây cấp thời hạn sử dụng lâu dài, đang phải điều chỉnh sang thời hạn sử dụng 50 năm…
* Thưa ông, việc QH tiến hành thí điểm chất vấn và trả lời chất vấn ngay sau mỗi câu hỏi tại kỳ họp thứ 5 có gì khác so với trước?
- Theo cách thức trước đây tại các phiên chất vấn trước đây, cứ 5 ĐBQH lần lượt đặt câu hỏi chất vấn cho một lượt trả lời. Do đó số lượng câu hỏi khá nhiều buộc người trả lời không thể trả lời từng câu hỏi được mà phải khoanh lại thành từng nhóm vấn đề để trả lời. Tuy vẫn đạt yêu cầu nhưng việc trả lời vẫn còn những câu trả lời chung chung. Lần này phiên chất vấn các thành viên Chính phủ tiến hành theo cách thức hỏi câu nào, trả lời câu đó ngay.
Theo đó, mỗi ĐBQH sẽ hỏi 1 câu không quá 1 phút, bộ trưởng trả lời mỗi câu không quá 3 phút. Cứ sau mỗi lượt 3 câu hỏi, bộ trưởng sẽ trả lời 1 lần. Như vậy, mỗi đợt chất vấn và trả lời chất vấn sẽ kéo dài 12 phút. Nếu bộ trưởng trả lời dài hơn sẽ bị ngắt để bộ trưởng rút kinh nghiệm trả lời đúng thời gian. Trường hợp đại biểu chưa thỏa mãn với câu trả lời, có thể sử dụng bảng để đăng ký tranh luận; thời gian hỏi và trả lời khi tranh luận ngắn hơn quy định nêu trên.
Quy định cụ thể thời gian hỏi và trả lời cũng là một thách thức. Đối với ĐBQH trước phiên chất vấn phải nắm bắt thông tin tình hình thực tế, đặt ra các câu hỏi và lựa chọn câu hỏi đúng, trúng, “đắt” nhất mà cử tri quan tâm, bức xúc nhất để chất vấn. Với cách thức này, nếu không chọn được câu hỏi “đắt” nhất, ĐBQH không có cơ hội hỏi lần thứ 2.
Đối với người trả lời phải chuẩn bị nội dung rất kỹ, nắm vấn đề của ngành mình rất chắc, rất cụ thể mới có thể trả lời được. Cách thức chất vấn và trả lời ngay đã được Ủy ban Thường vụ QH thí điểm thành công tại phiên họp thứ 22 vừa qua; được đúc rút kinh nghiệm để áp dụng cải tiến hoạt động chất vấn tại kỳ họp thứ 5 của QH.
* Đoàn ĐBQH thành phố Đà Nẵng đem đến kỳ họp những vấn đề gì được cử tri thành phố quan tâm?
- Chuẩn bị cho kỳ họp thứ 5 của QH, Đoàn ĐBQH thành phố Đà Nẵng trên cơ sở tiếp thu ý kiến cử tri và các tài liệu do Văn phòng QH chuyển đã chuẩn bị các nội dung tham gia tại kỳ họp. Đoàn đã có kế hoạch phân công tất cả các thành viên có trách nhiệm nghiên cứu những nội dung, vấn đề cụ thể để tham gia ý kiến tại kỳ họp. Ai có thế mạnh, sở trường ở những lĩnh vực nào được phân công chuẩn bị ý kiến phát biểu ở nhóm vẫn đề thuộc lĩnh vực đó. Đoàn ĐBQH thành phố Đà Nẵng tham gia ý kiến tất cả các lĩnh vực kinh tế-xã hội, xây dựng pháp luật, giám sát và quyết định những vấn đề quan trọng.
Theo phân công, mỗi kỳ họp tất cả các thành viên Đoàn ĐBQH thành phố Đà Nẵng đều được luân phiên phát biểu. Gần đây có ý kiến cử tri cho rằng thành viên Đoàn ĐBQH ít có ý kiến tại các kỳ họp QH là chưa chính xác. Trong kỳ họp có khi ý kiến ĐBQH này ngẫu nhiên được truyền hình quốc gia đưa hình ảnh trên tin tức thời sự nhưng ngày hôm sau, một thành viên khác của Đoàn phát biểu lại không có trong hình ảnh của tin tức thời sự.
Tại kỳ họp này, Đoàn ĐBQH được cử tri thành phố giao trọng trách đề xuất, kiến nghị Quốc hội, Chính phủ xử lý vấn đề đất thương mại dịch vụ, sản xuất kinh doanh nhưng được chính quyền Đà Nẵng trước đây cấp thời hạn sử dụng lâu dài, đang phải điều chỉnh sang thời hạn sử dụng 50 năm (theo kết luận của Thanh tra Chính phủ), gây thiệt hại cho nhà đầu tư, doanh nghiệp, người dân.
* Tại các buổi tiếp xúc với cử tri thành phố vừa qua của Đoàn ĐBQH, cử tri thành phố không đồng tình với ý kiến sửa Luật Phòng, chống tham nhũng theo hướng đánh thuế 45% tài sản bất minh. Vậy ý kiến của Đoàn ĐBQH về ý kiến này như thế nào, thưa ông?
- Trong Công ước của Liên Hợp Quốc về phòng, chống tham nhũng (PCTN) có định nghĩa về tài sản bất hợp pháp mà công chức không thể giải thích được. Thế nhưng trong luật pháp Việt Nam thì vẫn chưa định danh được tài sản bất minh là như thế nào. Việc Ban soạn thảo sửa đổi Luật PCTN đưa ra đề xuất đánh thuế 45% tài sản bất minh đã gây nhiều tranh cãi bởi họ chưa định nghĩa được nó là cái gì mà mới chỉ tạm diễn giải đó là thu nhập chưa rõ nguồn gốc. Cái đó không ổn. Anh cho nó là thu nhập bất minh nhưng trong khi theo pháp luật Việt Nam cái nào là thu nhập đều là hợp pháp. Không chỉ cử tri phản ứng mà các nhà khoa học, giới nghiên cứu và nhiều ĐBQH không đồng tình với đề xuất này.
Ở các nước phát triển, trình độ quản lý của họ rất tốt nên tài sản bất minh là tài sản mà anh không chứng minh được thì bị tịch thu. Ở nước ta do thói quen người dân còn dùng tiền mặt và truyền thống tích trữ tài sản dẫn đến chuyện người ta sẽ đem ẩn tài sản bất minh vào tài sản có nguồn gốc thừa kế từ cha mẹ để lại.
Do vậy mà ban soạn thảo cũng băn khoăn đánh thuế 45% có oan ức đối với những người có tài sản mà có nguồn gốc mà tôi vừa nói hay không. Như vậy tài sản bất minh nó không thể là thu nhập cho nên phải định nghĩa nó là gì và phải có thời hạn để cho người ta chứng minh. Hết thời hạn chứng minh không được thì tịch thu. Việc đề xuất đánh thuế 45% là cách dẫn chiếu theo đánh thuế thu nhập cá nhân ở mức cao nhất và chỉ là biện pháp tạm thời trong thời hạn chứng minh. Như vậy sắp tới QH sẽ phải làm rõ 2 yếu tố: tài sản bất minh là gì và thu 45% tổng giá trị tài sản nó ở cái dạng nào.
* Cảm ơn ông!
SƠN TRUNG thực hiện