Nghị lực của "người đàn bà khuân đá"

.

Công việc khuân vác, đẽo đá nặng nhọc hầu như chỉ dành cho nam giới nhưng đó lại là nghề chị Huỳnh Thị Xuân (55 tuổi, ngụ phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn) gắn bó hơn 30 năm nay để nuôi sống cả gia đình và tạo việc làm cho nhiều lao động khác.

Chị Xuân (trái) cùng con gái tại xưởng làm việc.
Chị Xuân (trái) cùng con gái tại xưởng làm việc.

Dưới cái nắng đầu hè gay gắt, không khí làm việc tại xưởng của chị Huỳnh Thị Xuân vẫn rất nhộn nhịp. Người đầm đìa mồ hôi, chị Xuân vẫn thoăn thoắt khuân đá, cắt đá cho kịp lô hàng. Khó ai ngờ người đàn bà vóc dáng mảnh mai ấy có tuổi nghề đã ngót nghét hơn nửa tuổi đời.

Gần 30 năm trước, giữa lúc các con còn nhỏ, chồng lại bỏ nhà ra đi, một mình chị gồng gánh, mưu sinh bằng công việc làm thuê, bốc vác, ai kêu gì làm nấy. Trong một lần làm thuê cho xưởng đá mỹ nghệ, nhận thấy công việc ổn định, lại có thu nhập cao, chị bắt đầu mày mò tìm hiểu.

Những lần lân la thăm dò, bị người khác la mắng, thậm chí đuổi đi nhưng chị không hề nhụt chí. Chị bắt đầu đến các xưởng tham quan, mua hàng và học hỏi. Chị chia sẻ: “Lúc đó tôi nghĩ người ta làm được thì mình cũng làm được.

Tại sao mình lại không thử sức để đem đến cuộc sống tốt hơn cho các con”. Năm 1998, được sự hỗ trợ của Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) phường, chị Xuân làm hồ sơ vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội để giải quyết việc làm, từng bước tháo gỡ khó khăn trong cuộc sống.

Bằng đồng vốn vay 15 triệu đồng, chị mua máy về làm tại nhà. Công việc khi đó rất khó khăn vì còn làm thủ công nhiều và không có nhiều khách mua cũng như cơ sở đặt hàng. Vì thế, chị lại tự tìm hiểu, nghiên cứu, cập nhật những mẫu mã mới, đẹp để thu hút khách hàng.

Hằng ngày, chị bắt đầu công việc từ 5 giờ sáng và đến 8 giờ tối. Những hôm cần đợt hàng gấp, chị phải làm thâu đêm suốt sáng từ việc nhỏ đến việc lớn, việc nhẹ đến việc nặng, thậm chí những việc khuân vác đá đàn ông không khuân nổi nhưng chị vẫn làm.

Nhắc lại khoảng thời gian đó, chị không cầm được nước mắt: “Các con còn nhỏ, nhưng vì cuộc sống tôi không thể trông con, phải gửi ông bà ngoại. Thiếu thốn tình cảm của cha, các con rất thiệt thòi, vì thế tôi cố gắng để có thể bù đắp phần nào cho con. Đời mình khổ rồi, hy vọng đời con sẽ sung túc hơn”.

Năm 2003, chị may mắn được tham gia chương trình “Vượt lên chính mình” do Đài Truyền hình Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức tại phường Hòa Hải. Từ “cuộc chơi” này, chị được chương trình giúp đỡ xóa 15 triệu đồng nợ vay ngân hàng và được nhận thêm tiền hỗ trợ để tiếp tục sản xuất. Giải tỏa nỗi lo nợ nần, chị càng thêm hứng khởi kinh doanh và bắt đầu tích góp vốn mở rộng sản xuất.

Từ chỗ chỉ có 1 máy tiện đá với 2 lao động, đến nay cơ sở sản xuất của chị có đến 2 máy tiện, 2 máy cắt cỡ lớn, giải quyết việc làm cho 8 lao động, thu nhập bình quân mỗi người 8 triệu đồng/tháng, lợi nhuận mỗi năm hơn 400 triệu đồng.

Là chủ cơ sở nhưng chị vẫn là lao động chính trực tiếp đứng máy sản xuất cắt, mài các sản phẩm. Ngoài công việc sản xuất, buôn bán hàng đá mỹ nghệ, chị Xuân còn dành thời gian tham gia công tác Hội Phụ nữ ở khu phố. Chị tiên phong gương mẫu thực hiện mô hình “Hũ gạo tình thương”, “Nuôi heo đất” giúp đỡ phụ nữ nghèo và tham gia nhiều hoạt động nhân đạo từ thiện ở địa phương.

Anh Đạt, chủ xưởng đá bên cạnh cho hay: “Nhắc đến chị Xuân không ai không biết. Chị ấy giỏi khiến ai cũng nể, có khi còn giỏi hơn cả đàn ông tụi tui. Anh em rất ngưỡng mộ bản lĩnh, khâm phục ý chí, không ngại khó ngại khổ của chị”.

Trong khi đó, bà Trần Thị Kim Nga, Phó Chủ tịch Hội LHPN phường Hòa Hải cho biết: “Hội LHPN hỗ trợ chị em khó khăn với phương châm trao “cần câu”, còn sử dụng như thế nào để đạt hiệu quả phụ thuộc vào sự vượt khó vươn lên của các chị. Trường hợp chị Xuân là tấm gương phụ nữ đầy nghị lực để chị em trong phường noi theo”, bà Nga nói.

Bài và ảnh: HÀ THU

;
.
.
.
.
.
.