Phải có quan điểm trước những bức xúc của người dân

.

Chỉ đến khi người dân bức xúc vì dự án chặn lối xuống biển và lãnh đạo thành phố đi kiểm tra thực tế và chỉ đạo, Mặt trận phường mới nắm rõ đầy đủ nguyện vọng người dân. Vụ việc người dân bức xúc vì dự án Khu du lịch sinh thái Nam Ô (Lancaster Nam O Resort) chặn lối xuống biển ở phường Hòa Hiệp Nam vừa qua cho thấy Mặt trận cơ sở hoạt động còn hình thức, thiếu chủ động, chưa phát huy hết vai trò của mình.

Dự án Lancaster Nam O Resort chưa lấy ý kiến người dân khi quy hoạch.
Dự án Lancaster Nam O Resort chưa lấy ý kiến người dân khi quy hoạch.

Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam phường Hòa Hiệp Nam Phạm Nam cho hay, trên địa bàn phường có 17 dự án đã và đang triển khai. Mỗi khi có dự án triển khai, Mặt trận và các đoàn thể phường tập trung cho công tác vận động người dân thực hiện di dời, giải tỏa. Mặt trận phường cũng quan tâm kiến nghị cơ quan chức năng hỗ trợ thỏa đáng cho những hộ khó khăn.

Tuy nhiên, về nắm quy hoạch từng dự án như thế nào, có ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt của người dân hoặc xâm phạm lợi ích cộng đồng hay không, Mặt trận phường không nắm được. Thực hiện Quy chế giám sát đầu tư của cộng đồng, Mặt trận phường chỉ giám sát những công trình nhỏ do quận đầu tư còn những dự án lớn, Mặt trận không với tới.

Khi được hỏi vụ việc người dân phản ứng tại dự án Khu du lịch sinh thái Nam Ô, ông Nam mới bộc bạch: Nhờ dân phản ứng một chuyện nhỏ là lối đi xuống biển rồi lãnh đạo thành phố vào cuộc kiểm tra, kết luận, Mặt trận phường mới nắm được rõ vấn đề và những nội dung mà dự án này không được xâm phạm lợi ích cộng đồng.

Đó là giữ bãi biển là của chung cộng đồng; giữ nguyên và trùng tu các di tích văn hóa tâm linh của người dân cũng như không làm ảnh hưởng đến hoạt động khai thác hải sản của người dân. Ông Nam cho biết, sau cuộc kiểm tra và kết luận tại hiện trường dự án Khu du lịch sinh thái Nam Ô của Bí thư Thành ủy Trương Quang Nghĩa, Mặt trận phường đã làm báo cáo gửi Mặt trận quận, Mặt trận thành phố và sẽ theo dõi việc giải quyết kiến nghị của dân.

Trao đổi với phóng viên, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam quận Liên Chiểu Hoàng Thị Hải Yến cho hay, những dự án lớn trên địa bàn quận như Khu du lịch sinh thái Nam Ô là do thành phố công bố ở khu dân cư và không có cơ quan nào thông tin đến Mặt trận quận về dự án này.

Mặt trận chỉ được biết những dự án của quận triển khai là do UBND quận phải xin ý kiến Ban Thường vụ Quận ủy. “Vụ người dân phản ứng dự án Khu du lịch sinh thái Nam Ô, Mặt trận quận đã cử người xuống nắm bắt tình hình và lắng nghe nguyện vọng của người dân nhưng không có văn bản kiến nghị gì đối với thành phố”, bà Yến cho biết, đồng thời giải thích:

Mặt trận quận không thể giám sát dự án này theo Quyết định 217, 218-QĐ/TW (về Quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận) do dự án này đã có cách đây đã 10 năm mà Quyết định 217, 218-QĐ/TW có từ năm 2013. Trước đây, dự án này phải được giám sát theo Pháp lệnh Thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn theo phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”.

Tuy nhiên, hình thức công khai theo pháp lệnh này lúc đó là niêm yết thông tin dự án tại trụ sở UBND phường nên có người dân biết, có người không biết. Bà Yến khẳng định dự án này có họp dân lấy ý kiến về quy hoạch dự án. “Tôi cho là hồi đó cơ quan chức năng đã họp dân lấy ý kiến về quy hoạch dự án. Nếu không họp dân thì dân đã phản ứng từ hồi đó rồi”, bà Yến nói.

Trong khi đó, ông Nguyễn Nhường, Phó Chủ tịch UBND quận Liên Chiểu, khẳng định không hề có biên bản họp dân lấy ý kiến về quy hoạch dự án Khu du lịch sinh thái Nam Ô. Phòng Quản lý đô thị kiểm tra xong hồ sơ quy hoạch dự án là trình Chủ tịch UBND quận ký là xong. Ông Nhường cũng cho biết hồi đó tình trạng chung nhiều dự án không lấy ý kiến nhân dân, những dự án sau này mới lấy ý kiến người dân.

Tại cuộc làm việc với Đảng đoàn, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam mới đây, Bí thư Thành ủy Trương Quang Nghĩa đã chỉ ra những vụ việc nổi cộm, người dân bức xúc nhưng chưa thấy ý kiến, quan điểm của Mặt trận các cấp. Bí thư Thành ủy Trương Quang Nghĩa chỉ rõ yêu cầu đặt ra nhằm phát huy có hiệu quả chức năng, vai trò của Mặt trận các cấp:

“Đối với những vụ việc nổi cộm vừa qua, Mặt trận cần vào cuộc giám sát nắm chắc vấn đề. Cùng với đó, nắm rõ quan điểm của lãnh đạo thành phố, ý kiến của doanh nghiệp và của nhân dân để tỏ rõ chính kiến của mình trên cơ sở hài hòa lợi ích các bên”.

● Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố vừa làm việc với Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam các quận, huyện để nắm tình hình triển khai thực hiện 5 nội dung chương trình phối hợp và thống nhất hành động trong thời gian qua và công tác chuẩn bị cho Đại hội MTTQ Việt Nam các cấp nhiệm kỳ 2019-2024; cũng như nắm đề xuất, kiến nghị của Mặt trận các quận, huyện, từ đó có những trao đổi và bàn giải pháp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, nâng cao chất lượng và hiệu quả trong việc tổ chức triển khai thực hiện nhiệm vụ của Mặt trận trong giai đoạn mới.

● Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố vừa tổ chức tập huấn công tác Mặt trận năm 2018 cho 222 cán bộ, công chức Mặt trận từ thành phố đến phường, xã. Nội dung tập huấn gồm 7 chuyên đề: Chiến lược đại đoàn kết toàn dân tộc của Đảng trong giai đoạn hiện nay; MTTQ Việt Nam tham gia xây dựng Đảng, xây dựng Nhà nước; thực hiện hoạt động giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam; công tác vận động quần chúng nhân dân thông qua các phong trào, các cuộc vận động của MTTQ Việt Nam; nghiệp vụ công tác tuyên giáo của Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp; tình hình công tác tôn giáo trên địa bàn thành phố, công tác vận động, đoàn kết các tôn giáo hiện nay; tổ chức và hoạt động của MTTQ Việt Nam phường, xã; hướng dẫn Đại hội MTTQ Việt Nam các cấp nhiệm kỳ 2019-2024.

● Ủy ban MTTQ Việt Nam phường Mỹ An (quận Ngũ Hành Sơn) phối hợp với UBND phường tổ chức buổi đối thoại với 18 hộ nghèo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn năm 2018. Tại buổi đối thoại các hộ nghèo đã trình bày ý kiến, tâm tư, nguyện vọng của gia đình như: cần hỗ trợ sửa chữa nhà ở xuống cấp, hỗ trợ sinh kế để phát triển gia đình, hỗ trợ tạo việc làm cho con hoặc cháu có công việc ổn định để bảo đảm đời sống cho gia đình, hỗ trợ học bổng cho con... Qua đó, lãnh đạo địa phương đã ghi nhận nguyện vọng của các hộ để có hướng hỗ trợ kịp thời trong thời gian đến.

● Ủy ban MTTQ Việt Nam phường Bình Hiên (quận Hải Châu) vừa trao hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà và sinh kế cho 18 hộ nghèo với tổng số tiền 248 triệu đồng. Trong đó, Mặt trận thành phố hỗ trợ sửa chữa 4 nhà với số tiền 80 triệu đồng, Mặt trận quận hỗ trợ sửa chữa 5 nhà với số tiền 105 triệu đồng, Mặt trận phường hỗ trợ sửa chữa 5 nhà với số tiền 42 triệu đồng và hỗ trợ sinh kế cho 4 hộ nghèo với số tiền 21 triệu đồng.

Ủy ban MTTQ Việt Nam phường An Khê (quận Thanh Khê) phối hợp với Kho bạc Nhà nước thành phố Đà Nẵng tổ chức sửa chữa nhà cho hộ nghèo Nguyễn Tuấn ở tổ 45, phường An Khê. Bản thân ông Tuấn hay đau ốm, vợ làm công nhân, gia đình hiện đang nuôi một mẹ già và một em trai bị tâm thần. Kho bạc Nhà nước thành phố hỗ trợ 25 triệu đồng từ nguồn đóng góp của cán bộ công chức Kho bạc Nhà nước thành phố để giúp gia đình ông Tuấn sửa lại ngôi nhà.

● Ủy ban MTTQ Việt Nam phường Hòa Hải (quận Ngũ Hành Sơn) phối hợp với Công ty TNHH MTV Địa ốc An Dương tổ chức trao số tiền hỗ trợ 60 triệu đồng cho hộ ông Lê Sự ở tổ 53, phường Hòa Hải để xây dựng nhà đại đoàn kết.

Hộ ông Lê Sự là một trong những hộ nghèo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, ông bị mù và mắc căn bệnh suy thận nặng. Ủy ban MTTQ Việt Nam phường Khuê Mỹ (quận Ngũ Hành Sơn) tổ chức lễ khởi công xây dựng 2 ngôi nhà đại đoàn kết cho gia đình bà Ngô Thị Nguyệt, tổ 36 và gia đình ông Huỳnh Phương, tổ 12; cả hai gia đình đều là hộ nghèo của địa phương, mỗi gia đình được Mặt trận phường trao hỗ trợ 55 triệu đồng để xây nhà.

Ủy ban MTTQ Việt Nam phường Hòa Hiệp Nam (quận Liên Chiểu) phối hợp với Tập đoàn T & T chi nhánh tại Đà Nẵng tổ chức lễ khánh thành và bàn giao nhà đại đoàn kết cho hộ nghèo Nguyễn Thị Nho, tổ dân phố số 10, khu dân cư 11 Xuân Thiều; trong đó Tập đoàn T & T chi nhánh tại Đà Nẵng hỗ trợ số tiền 60 triệu đồng.

● Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Hòa Bắc và xã Hòa Châu (huyện Hòa Vang) vừa tiến hành niêm yết bảng công khai 27 biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị; đạo đức, lối sống; tự diễn biến, tự chuyển hóa theo Nghị quyết số 04/NQ-TW của Bộ Chính trị (khóa XII) tại trụ sở UBND xã (Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả), nhà văn hóa các thôn, Trung tâm văn hóa xã và các điểm sinh hoạt cộng đồng trên địa bàn xã. Ủy ban MTTQ Việt Nam các xã cũng đã vận động nhân dân phát huy quyền làm chủ của mình giám sát, góp ý đối với cán bộ, đảng viên để góp phần thực hiện tốt Nghị quyết số 04/NQ-TW; không ngừng xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền ngày càng trong sạch, vững mạnh.

● Ủy ban MTTQ Việt Nam quận Cẩm Lệ phối hợp với Công an quận tổ chức kiểm tra, đánh giá các mô hình quản lý về an ninh trật tự, phòng chống tội phạm trong xây dựng phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” tại các phường trên địa bàn. Đoàn công tác sẽ kiểm tra văn bản, nghe báo cáo và đi thực tế tại các khu dân cư về xây dựng các mô hình về an ninh trật tự; qua đó sẽ đánh giá, duy trì thực hiện một số mô hình hoạt động có hiệu quả, loại bỏ các mô hình mang tính hình thức.

THANH TUYỀN tổng hợp

Bài và ảnh: SƠN TRUNG

;
.
.
.
.
.
.