Người dân Đà Nẵng kỳ vọng đổi mới công tác cán bộ

Báo Đà Nẵng ghi nhận những ý kiến và kỳ vọng của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân thành phố về 3 đề án quan trọng được Hội nghị Trung ương 7 (khóa XII) tập trung thảo luận, cho ý kiến.

* Ông Nguyễn Văn Bình, Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh quận Liên Chiểu: Bố trí cán bộ chủ chốt không phải là người địa phương để tránh lợi ích nhóm

Tại Hội nghị Trung ương 7, khóa XII lần này, liên quan đến đề án về công tác cán bộ, tôi đánh giá cao nội dung tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ cấp chiến lược và bí thư cấp ủy, người đứng đầu; đặc biệt là chủ trương bố trí bí thư cấp ủy cấp tỉnh, cấp huyện không là người địa phương. Theo tôi, việc bố trí cán bộ chủ chốt cấp tỉnh, huyện không phải là người địa phương không chỉ đáp ứng mục tiêu là khắc phục hiện tượng bè phái, cục bộ địa phương trong công tác cán bộ mà còn hướng tới việc góp phần nâng cao chất lượng cán bộ đồng đều giữa các địa phương; ngăn ngừa lạm dụng chức quyền, mưu lợi cá nhân.

Để làm tốt công tác này, tôi mong hội nghị sẽ có nhiều ý kiến tập trung, đi sâu phân tích hơn về công tác chuẩn bị, đánh giá, quy hoạch cán bộ trước khi bố trí; tập trung thảo luận, đề xuất cơ chế để có sự phối hợp tốt giữa các cấp ủy, chính quyền địa phương và các bộ, ngành, cơ quan có liên quan nhằm thống nhất kế hoạch bố trí, thuận tiện về thủ tục, quy trình. Ngoài ra, phải bảo đảm cán bộ lãnh đạo, quản lý đưa từ địa phương khác tới phải đủ thẩm quyền để lãnh đạo, quản lý; cùng với đó là gắn chặt với những chính sách, chế độ thích hợp để những cán bộ này yên tâm làm tốt công tác, nhiệm vụ của mình, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của địa phương đó.

* Ông Nguyễn Văn Lý, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa thành phố Đà Nẵng: Đánh giá, xây dựng thể chế kiểm soát quyền lực

Theo tôi, công tác xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược là công việc vô cùng hệ trọng, có thể nói là việc quan trọng nhất trong những công việc quan trọng của Đảng và Nhà nước ta. Mặc dù, trong những năm qua, Trung ương đã ban hành nhiều chính sách về công tác xây dựng đội ngũ cán bộ, nhưng trong thực hiện vẫn còn nhiều bất cập, hiệu quả còn thấp, không ít nơi nói thực hiện đúng quy trình của Trung ương đề ra, nhưng bố trí con người cụ thể lại sai, dẫn đến gây ra nhiều hệ lụy quan trọng, mất lòng tin của nhân dân.

Vì vậy, để làm tốt công tác cán bộ, trước hết công tác xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp cần đặc biệt chú trọng cấp chiến lược, trong đó cần quan tâm cân nhắc một cách hết sức cẩn trọng việc bố trí người đứng đầu các bộ, ban, ngành thành viên của Chính phủ và Bí thư, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố. Cần chọn những người đủ năng lực, phẩm chất và uy tín. Đội ngũ cán bộ này phải được chọn lọc từ những gương mặt sáng giá, đại diện cho tinh hoa trí tuệ của dân tộc. Trong đó, phải đặc biệt chú trọng đến lực lượng ưu tú, có năng lực vượt trội về tư duy chiến lược và phẩm hạnh, đủ tầm sáng tạo thể chế, chính sách ưu việt, dẫn dắt đất nước phát triển. Bên cạnh đó, cần đặc biệt coi trọng việc đánh giá cán bộ và xây dựng thể chế kiểm soát quyền lực, trong đó cần phát huy quyền làm chủ của nhân dân một cách thực chất, hiệu quả.

* Đặng Hoàng Nam, sinh viên Trường Đại học Sư phạm (Đại học Đà Nẵng): Tránh tình trạng chạy chức, chạy quyền

Tôi rất phấn khởi khi vấn đề xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp được bàn luận sâu tại Hội nghị Trung ương 7 (khóa XII) lần này. Tôi đồng tình với quan điểm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là sự trưởng thành, phát triển của đội ngũ cán bộ là nhân tố then chốt trong công cuộc đổi mới đất nước trong thời gian qua, tuy nhiên vẫn còn tồn tại những hạn chế, bất cập. Theo tôi, điều quan trọng nhất trong khâu tuyển dụng cán bộ mà đề án hướng đến là phải bảo đảm sự công bằng, tránh tình trạng “chạy chức, chạy quyền” hay “nhất quan hệ, nhì tiền tệ”. Để làm được điều này, đòi hỏi những người có thẩm quyền tuyển dụng cán bộ phải có tầm nhìn, công tâm và vì lợi ích chung của xã hội. Theo tôi, cần có một hội đồng giám định theo dõi chất lượng của ứng viên dự tuyển cũng như giữ vai trò quyết định kết quả tuyển chọn. Đồng thời, thông tin về cách thức tuyển chọn, số điểm của từng ứng viên nên được công khai minh, bạch để người dân được biết và giám sát. Điều này cũng sẽ giúp nhiều bạn trẻ có tài, có tâm tự tin hơn khi đăng ký dự tuyển vào cơ quan Nhà nước. Bên cạnh đó, tôi còn mong muốn đề án xây dựng đội ngũ cán bộ tại Hội nghị Trung ương 7 có những giải pháp thiết thực hơn trong việc thu hút nhân tài; đặc biệt là chế độ chính sách, đãi ngộ hợp lý, xứng đáng với năng lực của nhân tài.

* Ngô Quỳnh Hoa, sinh viên Trường Đại học Sư phạm (Đại học Đà Nẵng): Tạo điều kiện cho nhân tài,
 tri thức trẻ phát huy năng lực

Đất nước ta đang ở giai đoạn phát triển mới với nhiều thách thức, cơ hội như cách mạng 4.0, kinh tế tri thức, kinh tế số, quá trình toàn cầu hóa… diễn ra ngày càng mạnh mẽ.  Cán bộ trẻ với khả năng tiếp thu nhanh, nhạy bén, thích ứng nhanh với tiến trình hiện đại hóa của thế giới sẽ có thể dễ dàng đáp ứng những yêu cầu của thời cuộc trong quá trình lãnh đạo đất nước, địa phương. Tại Hội nghị Trung ương 7 (khóa XII), đề án “Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đủ năng lực, phẩm chất và uy tín ngang tầm nhiệm vụ” là một trong những nội dung quan trọng được trình và thảo luận. Tôi đánh giá cao nội dung này, vì công tác cán bộ là khâu then chốt trong xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền.

Theo tôi, cần xây dựng chủ trương, chính sách nhằm tạo môi trường, cơ chế đặc thù để giữ chân người tài, nuôi dưỡng nguồn nhân lực, sử dụng đúng người, đúng việc sau thi tuyển và quy hoạch, có chế độ đãi ngộ xứng đáng và động viên, khen thưởng kịp thời…

* Cựu chiến binh (CCB) Nguyễn Bình, 91 tuổi, phường Hòa Khánh Bắc, quận Liên Chiểu:  Cần có cơ chế kiểm tra, giám sát chặt chẽ trong công tác cán bộ

Đội ngũ CCB và cán bộ hưu trí hết sức phấn khởi khi thấy trong thời gian qua Bộ Chính trị và Ban Bí thư Trung ương lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện quyết liệt và đạt được những kết quả khả quan về công tác đấu tranh chống tham nhũng, đưa ra ánh sáng nhiều vụ việc tiêu cực mà trước kia thường bị “chìm xuồng”, “hạ cánh an toàn”. Tôi đề nghị, Trung ương cần có cơ chế kiểm tra, giám sát chặt chẽ trong công tác cán bộ và hết sức cẩn trọng khi đề bạt cán bộ. Bất cứ cán bộ nào ở dưới đề nghị cất nhắc, thì cấp trên cần soi xét kỹ càng, xem sự đề nghị đó có phải từ phẩm chất, năng lực, trình độ của cán bộ và nhu cầu công tác thật sự, hay là do thân thế, chạy chọt, bè phái… Theo tôi, từng cán bộ phải được rèn luyện, tu dưỡng thật nhiều trong thực tế công tác để có bản lĩnh chính trị vững vàng, không bị sa ngã trước cạm bẫy đồng tiền và nhiều lạc thú tầm thường khác, nhất là trong tình hình thế giới có nhiều phức tạp và nhiều nguy cơ khó lường hiện nay.

* Đại tá Đỗ Thanh Hùng, Trưởng ban Liên lạc CCB Điện Biên Phủ thành phố Đà Nẵng: Không đề bạt cán bộ “thần tốc”

Tôi hết sức tâm đắc khi mới đây Trung ương Đảng đề ra chủ trương không đề bạt cán bộ “thần tốc”. Bất cứ lý do nào mà đôn lên quá nhanh thì cán bộ chưa tích lũy đủ kinh nghiệm và năng lực để đảm đương nhiệm vụ mới cao hơn. Cụ thể như làm lãnh đạo quận thật từng trải và thật giỏi rồi mới đưa lên làm lãnh đạo thành phố thì mới tương xứng và mới có thể hoàn thành nhiệm vụ được. Còn như ở quận làm còn yếu mà đã đưa lên thành phố thì làm sao mà hoàn thành được nhiệm vụ. Một cán bộ còn non nớt cả tuổi đời, năng lực và thực tế công tác thì khó lòng chỉ đạo, điều hành được những cán bộ lớn tuổi hơn và giỏi giang, dày dạn hơn. Cho nên, chấm dứt đề bạt cán bộ “thần tốc” là chủ trương hết sức đúng đắn, sáng suốt và kịp thời.

NHÓM PHÓNG VIÊN THỜI SỰ ghi

;
.
.
.
.
.
.