Ngày 4-5 vừa qua, tại Nghĩa trang Liệt sĩ (NTLS) xã Hòa Tiến, huyện Hòa Vang, Sở LĐ-TB&XH phối hợp với Bưu điện thành phố tổ chức ra quân triển khai Đề án Cổng thông tin điện tử tra cứu liệt sĩ, mộ liệt sĩ và NTLS. Đây được xem là sự tri ân của đất nước với các liệt sĩ và thân nhân của họ đã hy sinh vì sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc.
Nhân viên Bưu điện thành phố đang tiến hành chụp hình bia mộ liệt sĩ tại Nghĩa trang Liệt sĩ xã Hòa Tiến, huyện Hòa Vang. |
Để có bước khởi đầu như vậy, hơn 10 năm trước, Bộ LĐ-TB&XH đã tích cực chuẩn bị mọi mặt cho công tác thu thập dữ liệu. Theo Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung, trong suốt mấy chục năm qua, toàn ngành đã âm thầm thu thập dữ liệu của gần 1 triệu thông tin về liệt sĩ, trong đó có khoảng 200.000 thông tin về hài cốt liệt sĩ chưa được quy tập về các địa phương còn nằm rải rác khắp trên cả nước, kể cả trên đất bạn Lào và Campuchia.
Bên cạnh đó, toàn ngành cũng đã tiến hành chỉnh trang nâng cấp hàng ngàn NTLS - nơi chôn cất gần 900.000 liệt sĩ. Đây là điều kiện cần để bắt đầu từ tháng 4-2018, Bộ LĐ-TB&XH chính thức bắt tay với Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam hiện thực hóa ước nguyện mang đậm tính nhân văn, thể hiện sâu sắc đạo lý uống nước nhớ nguồn: đưa thông tin về liệt sĩ, mộ liệt sĩ và các NTLS lên Cổng thông tin điện tử.
Tại Đà Nẵng, theo bà Phạm Oanh, Phó trưởng phòng Người có công, Sở LĐ-TB&XH thành phố cho biết, hiện thành phố có 20 NTLS, với 9.373 mộ liệt sĩ, đến nay ngoại trừ 3 NTLS của các xã Hòa Phước, Hòa Sơn và Hòa Liên đang trong quá trình nâng cấp, chỉnh trang nên chưa thể thu thập dữ liệu, còn lại các NTLS khác đã sẵn sàng.
Trước đó, để hỗ trợ cho Bưu điện thành phố thuận tiện trong công tác chụp hình, thu thập thông tin mộ liệt sĩ, các địa phương đã hoàn tất việc nâng cấp các NTLS bảo đảm tất cả đều trong tình trạng vững chắc, sạch đẹp và nhiều cây xanh, thảm cỏ và hoa. Đặc biệt, các tấm bia ghi thông tin về các liệt sĩ đều được sơn kẻ lại để việc chụp hình bảo đảm sắc nét và đẹp.
Từ đầu tháng 5-2018, ngành Bưu điện thành phố đã tiến hành chụp hình bia mộ liệt sĩ ở tất cả 20 NTLS, thông qua những chiếc smartphone đã được cài đặt phần mềm có tính năng xác định tọa độ, thời gian và dán nhãn nội dung từng bức hình...
Trên cơ sở đó, tiến hành kiểm tra, so sánh thông tin vừa được chụp với nguồn dữ liệu về liệt sĩ mà Bộ LĐ-TB&XH đã thu thập suốt mấy chục năm qua. Nếu các thông tin này trùng khớp, sẽ thực hiện bước tiếp theo là “hoàn chỉnh hồ sơ điện tử” cho từng ngôi mộ với đầy đủ thông tin về liệt sĩ, vị trí ngôi mộ, địa chỉ NTLS..., sau đó thông tin này sẽ được đưa trên Cổng thông tin tra cứu liệt sĩ, mộ liệt sĩ, dự kiến chính thức ra mắt vào đúng dịp kỷ niệm 71 năm Ngày Thương binh-Liệt sĩ sắp đến (27-7-2018).
Kế tiếp đó, giai đoạn 2 của đề án (từ tháng 8-2018 đến hết 2019) sẽ tiếp tục, bổ sung cập nhật thông tin về liệt sĩ, NTLS và thông tin về công tác tu sửa, nâng cấp, di dời, quy tập mộ liệt sĩ... để tất cả thân nhân của các liệt sĩ dễ dàng nắm được thông tin và đặc biệt là tìm được mộ của người thân mình mà lâu nay còn chưa tìm thấy.
Theo ông Nguyễn Văn Hiền, cán bộ LĐ-TB&XH của UBND xã Hòa Tiến, đây là việc làm mang đậm tính nhân văn và cấp thiết. Bởi tại NTLS xã Hòa Tiến hiện có 1.167 mộ liệt sĩ, trong đó có 3 liệt sĩ ở địa phương khác đã có người nhà tìm đến thăm viếng, nhưng tại đây vẫn còn đến 280 mộ vô danh.
Vì vậy, thời gian đến, các ngôi mộ này sẽ được kiểm tra ADN để có cơ sở truy tìm người nhà cho các liệt sĩ là điều vô cùng ý nghĩa. Chị Trần Thị Yến ở thôn Cẩm Toại Tây, xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang, người hàng chục năm nay tự đi thu thập thông tin liệt sĩ vui mừng cho biết, trong quá trình đi tìm mộ cha, tôi đã ghi chép cẩn thận thông tin hơn 300 mộ liệt sĩ và gửi thư về thân nhân hoặc địa phương của họ để gia đình tìm mộ đưa về NTLS địa phương an táng.
Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn khoảng 30 mộ liệt sĩ có thông tin rất hạn chế, nên không thể liên lạc được, nay nếu Cổng thông tin điện tử này đi vào hoạt động, tôi sẽ chuyển thông tin này để cơ quan chức năng giúp thân nhân họ tìm và đưa hài cốt thân nhân về an táng tại NTLS địa phương.
Ông Thái Đình Hoàng, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH thành phố chia sẻ: “Đây là một việc làm có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, không những tạo điều kiện cho nhân dân và thân nhân liệt sĩ tiếp cận thông tin về liệt sĩ, mộ liệt sĩ, NTLS một cách nhanh chóng, chính xác và tiện lợi mà qua đó giúp các gia đình liệt sĩ giảm bớt khó khăn về thời gian, kinh phí, sức lực trong quá trình tìm mộ người thân của mình”.
Bài và ảnh: Thanh Vân