Trong thời gian qua, việc triển khai lắp đặt camera an ninh trở nên rộng khắp trên địa bàn thành phố, góp phần quan trọng vào phòng ngừa tội phạm, bảo đảm an ninh trật tự trong chương trình “Thành phố 4 an”. Tuy nhiên, ở một vài nơi, vẫn còn những camera chưa phát huy được hiệu quả do tồn tại một số bất cập, hạn chế.
Dọc đường Thanh Thủy, phường Thanh Bình, quận Hải Châu, các camera (khoanh tròn) hỗ trợ đắc lực cho Công an phường trong việc kiểm soát an ninh khu vực. Ảnh: THU THẢO |
Bắt trộm nhờ camera an ninh
Vừa qua, anh Nguyễn Đình Sơn (SN 1998, trú huyện Đăk Geil, tỉnh Kon Tum) điều khiển mô-tô Sirius màu xanh, biển số 82H1-28… đến chơi nhà bạn tại phòng trọ trên đường Phạm Như Xương (phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu).
Do xe dựng ở vị trí khuất tầm nhìn tại hành lang nhà trọ nên đã bị kẻ gian lấy mất. Sau khi nhận tin báo, kết hợp với việc khai thác dữ liệu từ camera của những quán cà-phê gần đó, lực lượng Công an phường Hòa Khánh Nam đã nhận định các đối tượng tình nghi và vây bắt được đối tượng Phạm Minh Nhật (SN 1997, trú huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam).
Tương tự, mới đây, anh Đinh Văn Minh (SN 1995, quê Đông Hòa, Phú Yên, tạm trú tại phường Hòa Khê, quận Thanh Khê) đến trụ sở Công an phường trình báo về việc quán internet do anh quản lý tại địa bàn phường này đã bị kẻ gian đột nhập trộm cắp 8 chip máy tính, 8 thanh ram máy tính với tổng giá trị tài sản là 14 triệu đồng.
Nhận tin báo, lực lượng Công an phường đã tiến hành trích xuất camera, sau đó truy nóng đối tượng nghi vấn và chỉ một ngày sau đối tượng bị xử lý.
Theo Thượng úy Trần Hữu Ngọc, Phó Công an phường Hòa Khê, tính đến nay, trên địa bàn phường lắp đặt được 182 camera. Những “tai mắt” này đã kịp thời phát hiện nhiều vụ trộm cắp tài sản, đánh nhau, gây rối trật tự công cộng.
“Mô hình được đông đảo người dân ủng hộ, đóng góp kinh phí để lắp đặt, nhiều hộ hỗ trợ điện, kết nối internet để các camera hoạt động. Cảnh sát khu vực cũng khảo sát, lựa chọn lắp đặt hàng loạt camera giám sát tại các vị trí xung yếu như ngã ba, ngã tư, các tụ điểm nóng trong các ngõ, hẻm, nút giao thông, các địa bàn được cho là nhạy cảm, phức tạp…
Tại trụ sở Công an phường, có 1 hệ thống máy chủ, internet và 5 ti-vi luôn hiển thị hình ảnh để trực ban theo dõi, phát hiện và xử lý kịp thời các tình huống”, Thượng úy Ngọc cho biết.
Còn nhiều camera chưa phát huy hiệu quả
Theo Phòng Tham mưu Công an thành phố, tính đến tháng 5-2018, đã có hơn 1.700 camera được lắp đặt, kết nối (đạt 97,8%) từ nguồn vốn ngân sách thành phố nhằm phục vụ công tác bảo đảm an ninh, giao thông, trật tự trên toàn địa bàn.
Trong đó, quận Hải Châu đã lắp đặt 289 camera (giai đoạn 1), các địa phương còn lại vừa hoàn tất lắp đặt 1.320 camera (giai đoạn 2). Hiện Công an thành phố phối hợp với VNPT Đà Nẵng và Điện lực Đà Nẵng khảo sát, lên phương án thi công, lắp đặt 40 camera trên bán đảo Sơn Trà (giai đoạn 3 dự án).
Bên cạnh đó, thực hiện chủ trương vận động, xã hội hóa lắp đặt hệ thống camera giám sát an ninh, giao thông, trật tự, tính đến tháng 5-2018, người dân lắp đặt hơn 25.300 camera, trong đó tập trung nhiều nhất ở quận Hải Châu (hơn 17.300 chiếc); quận Thanh Khê (hơn 1.700 chiếc); quận Sơn Trà (hơn 1.600 chiếc)... Quá trình vận hành hệ thống camera đã giúp công an phát hiện, xử lý gần 400 vụ việc; trong đó có 150 vụ trộm cắp, 27 vụ cố ý gây thương tích và 33 vụ tai nạn giao thông.
Tuy nhiên, ở nhiều nơi, camera vẫn chưa phát huy được hiệu quả sau một thời gian lắp đặt. Đơn cử như trên địa bàn phường Thuận Phước (quận Hải Châu) hiện có 158 camera an ninh được lắp đặt trong các khu dân cư, kiệt hẻm từ nguồn huy động, đóng góp của các hộ dân, doanh nghiệp đóng trên địa bàn phường và hơn 1.000 camera hộ gia đình, doanh nghiệp tự nguyện lắp trước cửa nhà.
Sau hơn 2 năm lắp đặt và đi vào hoạt động, camera an ninh một số khu vực trên địa bàn phường đã bắt đầu hư hỏng, không hoạt động được. Tại khu vực tổ 44 và 45, một số camera đã hư hỏng mấy tháng nay, tổ dân phố đang phối hợp với cảnh sát khu vực tiến hành khảo sát, đề xuất sửa chữa.
Theo Trung tá Trần Phương, Phó trưởng Công an phường Thuận Phước, trong số 158 camera an ninh được lắp đặt, hiện có khoảng 30 camera không hoạt động được.
“Một số lỗi thường gặp là dây diện bị đứt, màn hình bị hỏng, đường truyền kết nối wifi không hoạt động. Khó khăn lớn nhất chính là doanh nghiệp nhận thi công, lắp đặt trước đây giờ đã đi khỏi địa bàn cư trú, không còn kinh doanh mặt hàng này nữa nên chúng tôi không thể yêu cầu họ khắc phục sửa chữa mà phải rà soát, thống kê lại, đồng thời đề xuất thành phố hỗ trợ ngân sách để sửa chữa, khắc phục”, Trung tá Phương cho biết.
Công an phường Hòa Khê (quận Thanh Khê) đang kiểm tra camera an ninh trên địa bàn phường. Ảnh: THU THẢO |
Một số camera hộ gia đình cũng chưa phát huy được tác dụng. Là người đầu tiên về làm nhà tại lô số 3 đường Lê Văn Hiến, quận Ngũ Hành Sơn, anh Mai Đức Toàn, chủ cơ sở gỗ Khải Hoàn cho biết, sau khi bị trộm đột nhập vào nhà “dọn” sạch đồ, anh mới quyết định lắp camera cho gia đình.
Mặc dù vậy, do vị trí đặt camera quá cao nên camera chỉ ghi hình được ở tầm xa chừng 5-10 mét, còn khi lại gần thì chỉ ghi được phần trên... đầu. Ngoài ra, do vị trí lắp đặt chưa tính toán kỹ nên nhiều thời điểm bị ngược sáng, hình ảnh không rõ. Theo anh Toàn, lỗi này do bên công ty lắp đặt thiết bị không tư vấn kỹ cho chủ nhà nên không thực sự phát huy công năng của chiếc camera.
Còn ông Nguyễn Hồng Tân, Tổ trưởng tổ dân phố số 7, phường An Hải Bắc, quận Sơn Trà cũng cho biết cách đây một năm, khi UBND phường có chủ trương lắp camera an ninh, tổ đã vận động mỗi hộ dân đóng 200.000 đồng.
Với hơn 70 hộ dân, tổ đã lắp được 2 camera trên tuyến đường Tạ Mỹ Duật, có kết nối trực tiếp về Công an phường An Hải Bắc. Theo ông Tân, với đoạn đường dài gần 400 mét mà chỉ có 2 camera thì khó ghi hình ảnh đầy đủ và cũng khó rõ nét, nên khi cần truy xuất hình ảnh, cơ quan chức năng sẽ gặp không ít khó khăn.
Chia sẻ về vấn đề này, bác sĩ Trần Đình Tài, chủ phòng khám nha khoa Việt Mỹ tại số nhà 916 Ngô Quyền cho biết thêm: “Camera đang bắt tại phòng khám chúng tôi cũng như hầu hết camera người dân tự bắt hiện nay mới bảo đảm quét được hình ảnh trong phạm vị góc quay khoảng 45 độ và bán kính chừng 4-5 mét, nên khó phát hiện và phòng ngừa được kẻ gian từ xa. Vì vậy, chức năng chính của camera tại phòng khám là theo dõi hoạt động của nhân viên hơn là phòng ngừa kẻ gian đột nhập”.
Ngoài hạn chế là mật độ camera còn thấp, chưa phủ khắp mọi nơi, công tác duy trì, bảo dưỡng chưa thực hiện đầy đủ thì hiện nay cũng có khá ít camera hồng ngoại để có thể quay được trong bóng tối. Điều này gây hạn chế rất nhiều trong việc bảo đảm độ nét cao của hình ảnh được lưu giữ.
Bên cạnh đó, việc các camera tại các khu dân cư chủ yếu kết nối về Công an phường mà ít chia sẻ về nhà dân khiến việc theo dõi của cơ quan Công an bị quá tải, rất khó theo dõi hết hình ảnh từ camera cung cấp 24/24 giờ, do đó việc phát hiện và can thiệp khi có sự việc không phải lúc nào cũng kịp thời.
P. CHUNG - T.SƠN - T.THẢO