Phần lớn những công trình đầu tư công trên địa bàn thành phố mang lại hiệu quả thiết thực, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế-xã hội, giữ vững quốc phòng-an ninh địa phương. Tuy nhiên, có những công trình đầu tư công chất lượng xây dựng và hiệu quả sử dụng thấp, xuống cấp nhanh, gây dư luận bức xúc trong nhân dân.
Nhà biểu diễn đa năng xây dựng tại phường Hòa Cường Bắc, quận Hải Châu mắc nhiều lỗi thiết kế, hiện nay đã bán cho doanh nghiệp. |
Trung tâm văn hóa vừa xây đã sụt lún
Đó là công trình Trung tâm Văn hóa - Thể thao xã Hòa Liên được xây dựng tại thôn Quan Nam 3 (xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang) với kinh phí 4,8 tỷ đồng từ ngân sách thành phố. Công trình hoàn thành tháng 4-2016 nhưng ngay sau đó có dấu hiệu sụt lún, nứt tường nghiêm trọng.
Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Liên Huỳnh Tấn Bôn cho biết khối nhà trung tâm sụt lún nền, các cửa gỗ đều không khóa được, một số mảng tường bị nứt toác có nguy cơ đổ sập. Đơn vị thi công đã triển khai sửa chữa hai đợt vào tháng 5 và tháng 7-2016, nhưng công trình vẫn sụt lún, nứt tường hơn 70%.
Đến nay, công trình vẫn tiếp tục sửa chữa. Vụ việc đã gây dư luận bức xúc trong nhân dân địa phương trong thời gian dài.
Theo Phó Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao (VH-TT) Hà Vỹ, nguyên nhân khiến công trình vừa xây xong đã lún, nứt tường là do địa hình xây dựng ở giữa hai núi và nằm trên một túi bùn. Đơn vị khảo sát, thiết kế ban đầu khảo sát không cẩn thận nên đã khiến công trình nhanh hỏng. Không chỉ công trình Trung tâm Văn hóa-Thể thao, một số dự án trên địa bàn xã Hòa Liên thi công san nền chất lượng kém gây sụt lún, cầu, đường, cống cao hơn nhà dân gây ngập úng cục bộ gây dư luận bức xúc kéo dài.
Tại phiên họp thường kỳ Thường trực HĐND thành phố tháng 5-2018, Phó Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Nho Trung nhấn mạnh: Các dự án, công trình trên địa bàn xã Hòa Liên là một điển hình về sự lãng phí của đầu tư công. Vấn đề này vừa được Thanh tra thành phố kết luận sai phạm thi công ẩu gây sụt lún đất nền 3 khu tái định cư ở Hòa Liên (khu TĐC Hòa Liên 3 và Hòa Liên 4 giai đoạn 1 và 2).
Lùi thời gian về đầu năm 2017, dư luận vẫn chưa quên về công trình Khu Hồi sức cấp cứu Bệnh viện Đà Nẵng được đầu tư hơn 126 tỷ đồng đưa vào sử dụng mới được 8 tháng đã hư hỏng nhiều hạng mục.
Thường trực HĐND thành phố đã có văn bản đề nghị UBND thành phố chỉ đạo kiểm tra, khắc phục những bất cập về thiết kế, công tác quản lý, sử dụng đối với công trình này đồng thời làm rõ trách nhiệm của tư vấn thiết kế, đơn vị thi công và vai trò giám sát của Ban quản lý các dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp Đà Nẵng.
Hai công trình nêu trên chỉ là công trình đầu tư công gần đây nhất hư hỏng, xuống cấp ngay sau khi khánh thành. Vẫn còn rất nhiều công trình đầu tư công khác trong tình trạng tương tự. Đó là Bệnh viện Y học cổ truyền Đà Nẵng xây dựng trên địa bàn quận Cẩm Lệ đưa vào sử dụng từ năm 2006 đến nay đã xuống cấp trầm trọng.
Một cán bộ của bệnh viện cho biết hoạt động chưa được bao lâu thì gặp bão Xangsane, toàn bộ mái tôn của bệnh viện bay hết, các cửa hư hỏng. Một thời gian sau, công trình nhanh chóng xuống cấp. Các tường bao, thậm chí cả trần nhà và tường bị bong tróc, rớt xuống giường bệnh khiến bệnh nhân nằm dưới rất lo lắng.
Vào mùa mưa thì nước thấm dột cả phòng bệnh. Chưa kể hệ thống vệ sinh chất lượng quá kém, ống thoát nước nhỏ, thường xuyên tắc nghẽn, gây tràn và thấm vào tường khiến bệnh viện phải đục tường ra khắc phục. Đặc biệt, các thang máy hẹp, không đẩy lọt băng ca, nhiều lúc phải cõng bệnh nhân để đi lên tầng.
Công trình đầu tư công nổi bật về chất lượng kém, xuống cấp nhanh là một loạt khu chung cư do thành phố quản lý như: Chung cư Lâm đặc sản Hòa Cường, chung cư Thuận Phước, chung cư Hòa Minh, chung cư Hòa Hiệp Nam, các khu chung cư trên địa bàn quận Sơn Trà…
Theo kết quả giám sát của Ban Đô thị HĐND thành phố trong năm 2017, trong số 43 khu chung cư do thành phố đầu tư xây dựng, chỉ có 11 khu đạt chất lượng khá, còn lại đều thuộc loại chất lượng kém và trung bình.
Trưởng ban Đô thị HĐND thành phố Tô Văn Hùng nhận xét: Qua giám sát đầu tư công trên địa bàn thành phố, có một điều dường như mặc định rằng cứ công trình Nhà nước đầu tư là chất lượng không tốt, xuống cấp nhanh và không có quy trình bảo trì, bảo dưỡng.
Sân tập golf bỏ hoang, nhà biểu diễn bán rẻ
Dự án sân tập golf tại Công viên Thanh Niên (phường Khuê Trung, quận Cẩm Lệ) được đầu tư 27,5 tỷ đồng từ nguồn ngân sách Nhà nước cũng là một trong những điển hình về hiệu quả sử dụng kém, gây lãng phí ngân sách.
Khánh thành vào tháng 8-2014, đến nay, sau gần 4 năm, công trình vẫn trong tình trạng bị bỏ hoang. Sau đó, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (trước đây) đã chỉ đạo Trung tâm Thể dục-Thể thao lập đề án đấu thầu quyền khai thác sử dụng công trình.
Tuy nhiên, lãnh đạo UBND thành phố chỉ đạo dừng việc đấu thầu khai thác công trình để nghiên cứu chuyển đổi công năng thành khu thể thao kết hợp nhà hàng-tiệc cưới ngoài trời, nhưng việc này cũng không thể triển khai được.
Tại cuộc họp nghe báo cáo các đồ án quy hoạch, kiến trúc thành phố ngày 29-11-2016, lãnh đạo thành phố đồng ý bố trí đất quy hoạch cho Trung tâm Văn hóa thành phố tại khu đất công trình Sân tập golf tại Công viên Thanh Niên, cho chủ trương hủy đấu giá quyền sử dụng đất chuyển đổi công năng sân tập golf và giao cho Sở Xây dựng phối hợp với Sở Văn hóa - Thể thao (VH-TT), Viện Quy hoạch xây dựng lập phương án quy hoạch.
Tại cuộc họp ngày 31-10-2017, lãnh đạo thành phố yêu cầu nghiên cứu đề xuất thay thế địa điểm xây dựng Trung tâm Văn hóa thành phố. Do đó, hiện nay đã tạm dừng cuộc thi tuyển phương án quy hoạch, kiến trúc; công trình sân tập Golf tại Công viên Thanh Niên vẫn chưa được đưa vào sử dụng theo đúng mục tiêu đầu tư ban đầu của dự án.
“Vừa qua, Sở VH-TT kiến nghị UBND thành phố cho phép tổ chức triển khai lại hoạt động của sân tập; đồng thời sẽ tham mưu UBND thành phố phương thức quản lý, vận hành công trình bảo đảm hiệu quả sử dụng và đúng theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, tránh tình trạng bỏ hoang, xuống cấp đáng tiếc như hiện nay”, Phó Giám đốc Sở VH-TT Nguyễn Trọng Thao cho biết. Như vậy, hơn 4 năm qua, các sở, ngành vẫn còn loay hoay với bài toán tìm ra đơn vị vận hành và khai thác sân tập golf.
Thêm một công trình đầu tư công không hiệu quả là Nhà biểu diễn đa năng xây dựng tại phường Hòa Cường Bắc, quận Hải Châu. Nhà biểu diễn gồm khu khán đài với sức chứa 4.000 chỗ ngồi, sân khấu biểu diễn đa năng, khu hóa trang nghỉ ngơi của diễn viên, khu giải khát, giải lao và các dịch vụ khác...
Công trình được khánh thành và đưa vào sử dụng tháng 1-2009 với tổng vốn đầu tư 90 tỷ đồng. Chỉ sau 2 năm đi vào hoạt động, Nhà biểu diễn đa năng xuống cấp trầm trọng, không thể phát huy công năng. Do lỗi về thiết kế, Nhà biểu diễn đa năng không thể ngăn gió, mưa tạt vào.
Vì vậy, các đơn vị tổ chức sự kiện biểu diễn ở các nơi khi về Ðà Nẵng không dám chọn nơi này để tổ chức vì phải phụ thuộc vào thời tiết. Nhà biểu diễn đa năng sau đó bị bỏ hoang đến tháng 10 năm 2014, được bán cho một doanh nghiệp với giá 50 tỷ đồng và trả dần trong 10 năm.
Dư luận gần đây cũng đặt dấu hỏi về hiệu quả sử dụng công trình Trung tâm Báo chí quốc tế sau sự kiện Tuần lễ Cấp cao APEC 2017 tại Đà Nẵng hồi tháng 11-2017. Trung tâm này vốn là Trung tâm Hội chợ-Triển lãm quốc tế, được đầu tư 178 tỷ đồng từ ngân sách để cải tạo thành Trung tâm Báo chí quốc tế, phục vụ 1 lần sự kiện của APEC.
Trong phạm vi bài viết này không thể liệt kê hết các công trình đầu tư công hiệu quả sử dụng kém, gây lãng phí. Thực tế vẫn còn nhiều công trình được đầu tư với kinh phí lớn nhưng chưa khai thác hết công năng hoặc xuống cấp nhanh khi đưa vào sử dụng.
Làm việc với Sở Kế hoạch-Đầu tư thành phố về giám sát đầu tư công, Phó Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Nho Trung nhìn nhận: “Bên cạnh những kết quả tích cực do đầu tư công mang lại, việc triển khai các dự án đầu tư công trên địa bàn thành phố trong những năm qua còn có những hạn chế như: một số dự án kéo dài thời gian xây dựng ảnh hưởng lớn đến hiệu quả đầu tư; một số dự án lựa chọn các đơn vị tư vấn, thiết kế, nhà thầu chưa tốt, chất lượng tư vấn, thiết kế còn hạn chế, thiết kế phải điều chỉnh nhiều; công tác phối hợp của các cấp, các ngành, chủ đầu tư và nhà thầu trong thực hiện các thủ tục đầu tư, công tác giải phóng mặt bằng có lúc, có nơi chưa thực sự chặt chẽ… Đây là điều cần phải sớm khắc phục ngay từ bây giờ”.
Nhóm PV Thời sự