Đầu tư công trên địa bàn thành phố còn dàn trải, lãng phí, chất lượng một số công trình thấp. Đây là nhận định của các thành viên Đoàn giám sát chuyên đề đầu tư công (gọi tắt là Đoàn giám sát) của Thường trực HĐND thành phố tại các buổi làm việc mới đây với các đơn vị liên quan.
Câu hỏi đặt ra là các cơ quan, đơn vị, địa phương thật sự phát huy vai trò tham mưu đắc lực trên lĩnh vực phụ trách hay làm chưa hết trách nhiệm, thậm chí đùn đẩy. Quan trọng hơn là cần có giải pháp khắc phục hạn chế để mỗi công trình đầu tư công tạo ra “đòn bẩy” thúc đẩy quá trình phát triển Đà Nẵng trong giai đoạn mới.
Người dân xót xa trước tình trạng sân tập golf đầu tư 27,5 tỷ đồng tại phường Khuê Trung (quận Cẩm Lệ) bị bỏ hoang, gây lãng phí tài sản. Đây là hậu quả của đầu tư công không hiệu quả. |
Hạn chế trong nhiều khâu
Theo Trưởng ban Đô thị HĐND thành phố Tô Văn Hùng, qua giám sát chuyên đề của Thường trực HĐND thành phố cho thấy thẩm định dự án là khâu kém nhất trong hoạt động đầu tư công. Từ đây cũng dẫn đến các hệ lụy công trình đầu tư công hiệu quả sử dụng kém, gây lãng phí ngân sách.
Công trình sân tập golf đầu tư 27,5 tỷ đồng tại một vị trí đẹp ở phường Khuê Trung, quận Cẩm Lệ là một ví dụ về thẩm định tính cần thiết khi triển khai dự án. Do không coi trọng khâu thẩm định nên công trình này không phát huy hiệu quả sử dụng, bỏ hoang rất lãng phí.
Bệnh viện Y học cổ truyền Đà Nẵng cũng là một điển hình về yếu kém trong công tác thiết kế và quản lý chất lượng xây dựng. Bệnh viện được di dời từ đường Phan Châu Trinh về đường Trần Thủ Độ năm 2006, nhưng chỉ sử dụng 10 năm đã quá tải và xuống cấp nặng.
Đơn vị lập dự án và thiết kế không dự báo được sự phát triển và nhu cầu khám chữa bệnh của người dân nên bệnh viện nhanh chóng quá tải. Đến tháng 8-2017, UBND thành phố phải tiếp tục phê duyệt chủ trương đầu tư xây dựng Bệnh viện Y học cổ truyền mới tại phường Hòa Xuân (quận Cẩm Lệ) với tổng mức đầu tư trên 179 tỷ đồng, từ nguồn ngân sách thành phố.
Tại buổi làm việc của Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy Trương Quang Nghĩa với Sở Kế hoạch – Đầu tư (KH-ĐT), Giám đốc Sở Xây dựng Vũ Quang Hùng cho biết, công tác quản lý chất lượng xây dựng công trình đầu tư công hiện nay có 5 hạn chế lớn như:
Công tác khảo sát lập thiết kế dự toán của các đơn vị tư vấn chưa bảo đảm yêu cầu. Một số dự án không được khảo sát phục vụ thiết kế gây ra hệ lụy là lún, nứt công trình mà thành phố phải xử lý rất nhiều ở xã Hòa Liên trong thời gian qua.
Nhiều công ty Nhà nước hay các sở, ngành không phải đơn vị quản lý xây dựng chuyên ngành nhưng vẫn được giao chức năng làm chủ đầu tư và quản lý dự án. Do đó, công tác quản lý dự án cũng như công tác báo cáo đánh giá đầu tư chưa đáp ứng yêu cầu. Công tác bảo trì trong quá trình sử dụng chưa được quan tâm đúng mức, chưa có quy trình về bảo trì, duy tu bảo dưỡng công trình, dẫn đến công trình nhanh xuống cấp.
Khi Đoàn giám sát làm việc với Sở Xây dựng, trước câu hỏi về chất lượng công trình đầu tư công, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Lê Tùng Lâm trả lời: Không thể đánh giá được chất lượng (tốt, trung bình, kém) của công trình đầu tư công trên địa bàn thành phố do một thời gian dài sở này không khảo sát chất lượng công trình đầu tư công.
Trong khi đó, tại buổi giám sát chuyên đề đầu tư công với Ban QLDA Đầu tư xây dựng hạ tầng và phát triển đô thị Đà Nẵng, Phó Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Nho Trung đặt câu hỏi: Tại sao cứ bão vào là nhà công sản, trường học, bệnh viện công bị tốc mái, hư hỏng nặng hơn công trình do tư nhân làm? Tuy nhiên, câu hỏi này chưa được cơ quan liên quan trả lời thích đáng.
Quy rõ trách nhiệm, minh bạch mọi thông tin
Đánh giá về hiệu quả đầu tư công thời gian qua, Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ khẳng định, phần lớn công trình đầu tư từ nguồn ngân sách Nhà nước đã thực sự phát huy giá trị, thể hiện hiệu quả đầu tư trên nhiều lĩnh vực, tạo nền tảng hạ tầng vững chắc để phát triển thành phố sau 15 năm Đà Nẵng thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa IX) “về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa”.
Tuy vậy, một số công trình quy mô đầu tư nhỏ còn bộc lộ hạn chế trong các khâu lập dự án, thẩm định dự án, thiết kế, đấu thầu, thi công xây dựng, quản lý giám sát chất lượng… Trách nhiệm này thuộc về các sở, ban, ngành và các đơn vị, địa phương liên quan. Trong đó, chậm giải phóng mặt bằng để thi công, trách nhiệm chính thuộc về UBND các quận, huyện.
Về giải pháp nâng cao hiệu quả đầu tư công, Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ cho biết, đầu năm 2018, UBND thành phố đã chỉ đạo rà soát cắt giảm thủ tục hành chính liên quan đến đầu tư xây dựng cơ bản.
Trong đó, rút ngắn trung bình 1/3 thời gian trong các khâu so với quy định chung để hạn chế dự án chậm tiến độ cho thủ tục hành chính kéo dài và rườm rà. “Để làm được điều đó, UBND thành phố chỉ đạo siết chặt trách nhiệm, kỷ cương của các sở chuyên môn, như sở: KH-ĐT, Xây dựng, Tài chính, Tài nguyên-Môi trường, Giao thông vận tải; Văn phòng UBND thành phố, các Ban QLDA và UBND các quận, huyện.
Ngoài việc tăng cường tính minh bạch, công khai hết tất cả các khâu khi thực hiện dự án đầu tư công, các đơn vị phải cam kết tiến độ phần việc được giao, nếu không, phải chịu trách nhiệm trước UBND thành phố”, Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ nhấn mạnh.
Trên cơ sở các cuộc giám sát vừa qua, nhiều thành viên Đoàn giám sát đưa ra kiến nghị nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả đầu tư công trên địa bàn thành phố. Trước hết, phải coi trọng công tác lập dự án đầu tư và công tác tư vấn thiết kế. Muốn vậy phải thực hiện công tác đấu thầu tư vấn một cách minh bạch, công khai mới loại bỏ được tình trạng “sân sau, chân gỗ”.
Theo Trưởng ban Kinh tế-Ngân sách HĐND thành phố Phan Thị Thúy Linh, thành phố áp dụng đấu thầu trực tuyến qua Internet đạt nhiều kết quả tốt, bảo đảm công khai, minh bạch. Tuy nhiên, đấu thầu trực tuyến mới chỉ chiếm tỷ lệ 30% tổng các dự án, công trình đầu tư công.
“Cần áp dụng đấu thầu trực tuyến đối với tất cả các công trình, dự án đầu tư công sẽ tránh được tiêu cực trong đấu thầu. Đồng thời, kiện toàn lại các Ban QLDA, tránh tình trạng trước đây Ban QLDA vừa là chủ đầu tư vừa điều hành dự án, tức là “vừa đá bóng, vừa thổi còi”, bà Thúy Linh nêu.
Các chuyên gia tham gia Đoàn giám sát đề nghị Sở Xây dựng, Sở KH-ĐT, Sở Tài chính, Sở Giao thông vận tải… phải thường xuyên kiểm tra, giám sát việc tuân thủ pháp luật của các Ban QLDA khi triển khai các dự án đầu tư do đơn vị mình được giao quản lý; kịp thời ngăn chặn những sai phạm nảy sinh.
Bên cạnh đó, thành phố cần giảm dần việc chỉ định thầu nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh lành mạnh trong các Ban QLDA. Đối với Trung ương, các thành viên Đoàn giám sát kiến nghị sửa đổi một số nội dung của Luật Đầu tư công 2015, như để địa phương chủ động trong công tác thẩm định và rút ngắn thời gian thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư, xem xét ủy quyền cho phép địa phương quyết định chủ trương đầu tư đối với dự án nhóm A sử dụng vốn ngân sách địa phương và xem xét giảm thủ tục không cần thiết thực hiện việc trình HĐND cấp tỉnh, thành phố cho ý kiến về báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư…
Một khi những giải pháp, đề xuất nêu trên khi được lắng nghe, điều chỉnh và thực hiện đồng bộ ở tất cả các cơ quan, đơn vị liên quan, chắc chắn sẽ tạo chuyển biến để công tác đầu tư công đi vào quy củ, phát huy hiệu quả dòng vốn của Nhà nước đầu tư trên mọi lĩnh vực của đời sống. Như vậy, trách nhiệm mới rõ ràng, đồng thời chất lượng, hiệu quả các công trình đầu tư công mới được đong, đo, đếm rõ ràng, công khai, minh bạch hơn.
Cần lập danh sách những công trình đầu tư lãng phí Theo ông Tô Văn Hùng, báo cáo kết quả giám sát chuyên đề đầu tư công của Thường trực HĐND thành phố trình kỳ họp giữa năm 2018 của HĐND thành phố sắp tới sẽ nói đến trách nhiệm đối với từng cơ quan quản lý Nhà nước của thành phố có liên quan. Tuy nhiên, để rõ hơn trách nhiệm của cơ quan, đơn vị đối với từng công trình cụ thể cần lập danh sách những công trình đầu tư lãng phí, kém chất lượng và yêu cầu có những cuộc thanh tra như cuộc thanh tra 3 dự án hạ tầng kỹ thuật khu tái định cư Hòa Liên 3, Hòa Liên 4 giai đoạn 1 và 2 đã công bố kết luận cụ thể đơn vị vi phạm vừa qua. |
Nhóm PV Thời sự