Giúp người nghiện ma túy ở cộng đồng: Nhiều cách làm hay

.

Thành phố Đà Nẵng là một trong số ít địa phương trên cả nước thực hiện hiệu quả việc cai nghiện tại gia đình và cộng đồng với hơn 73% người không tái nghiện.

Cho các hội viên (đứng) của một Câu lạc bộ Can thiệp sớm, dự phòng ma túy chứng kiến buổi xét xử đối tượng nghiện ma túy nhằm mục đích cảnh tỉnh các em trước con đường phạm pháp.
Cho các hội viên (đứng) của một Câu lạc bộ Can thiệp sớm, dự phòng ma túy chứng kiến buổi xét xử đối tượng nghiện ma túy nhằm mục đích cảnh tỉnh các em trước con đường phạm pháp.

Báo cáo của Bộ LĐ-TB&XH cho biết, từ năm 2014 đến năm 2017, cả nước chỉ có khoảng một nửa địa phương triển khai công tác cai nghiện ma túy dựa vào gia đình và cộng đồng, thế nhưng số người tham gia cũng rất ít với khoảng 10.000 người/năm. Trong khi đó, tại Đà Nẵng, từ năm 2015 đến năm 2017, trong số trên 3.500 lượt người tham gia cai nghiện ma túy, có đến 516 người được cai nghiện tại gia đình và cộng đồng. Trong số này, có 378 người được cấp giấy chứng nhận hoàn thành chương trình cai nghiện, chiếm hơn 73%. Kết quả này được xem là cao nhất trên cả nước, khi ở những địa phương khác số người cai nghiện tại gia đình và cộng đồng chỉ chiếm khoảng 10% trong tổng số người cai nghiện. Tính đến ngày 15-5-2018, thành phố có 440 người đang cai nghiện tập trung tại Cơ sở Xã hội Bầu Bàng và 731 người đang được quản lý tại cộng đồng, 29 người đang trong quá trình cai nghiện tại gia đình và cộng đồng được theo dõi giám sát.

Điều dễ dàng nhận thấy là khi chính quyền các cấp có sự quan tâm thì công tác cai nghiện tại gia đình và cộng đồng đạt kết quả rất rõ ràng. Một ví dụ tiêu biểu như quận Cẩm Lệ hiện quản lý gần 200 người nghiện ma túy thì tất cả đều được phân chia cụ thể về cho các tổ chức, đơn vị như Mặt trận, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên, Hội Cựu chiến binh... từ cấp quận đến phường và khu dân cư để theo dõi, cảm hóa từng đối tượng. Bên cạnh công tác tuyên truyền, tạo điều kiện học nghề, tiếp cận nguồn vốn vay, giới thiệu việc làm, việc duy trì kiểm tra và kiểm tra đột xuất các đối tượng để kịp thời phát hiện những trường hợp vẫn lén lút sử dụng ma túy được áp dụng thường xuyên. Trong khi đó, quận Sơn Trà tập trung thực hiện các mô hình như Hội Phụ nữ có mô hình “3 kịp thời”, “Chi hội không ma túy”; các tổ dân phố có phong trào “1 xây, 2 chống, 3 phòng”; Đoàn Thanh niên duy trì thường xuyên các diễn đàn “Nói không với ma túy” từ cấp quận đến phường. Riêng 257 đối tượng quản lý sau cai trên địa bàn quận đều được giao về khu dân cư quản lý bằng mô hình “4 trong 1”, tức sẽ có 4 tổ chức cơ sở quản lý 1 người sau cai.

Theo ông Lê Minh Hùng, Chi cục trưởng Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội thành phố, việc đấu tranh phòng, chống ma túy nói chung và cai nghiện ma túy tại gia đình và cộng đồng nói riêng chưa bao giờ đơn giản và luôn tiềm ẩn yếu tố phức tạp khó lường. Tuy nhiên, địa phương nào có sự quyết tâm, huy động được toàn xã hội, cùng với đó là những tìm tòi cách làm hay, mô hình tốt để áp dụng vào thực tế thì kết quả sẽ tốt hơn.

Bên cạnh đó, thành phố đã mạnh dạn triển khai một số giải pháp mang tính “phá rào”, góp phần tạo nên hiệu quả cho công tác cai nghiện. Theo Nghị định 56/2016/NĐ-CP (ngày 29-6-2016) của Chính phủ, trạm y tế phường, xã sẽ là nơi tiếp nhận việc điều trị cắt cơn cho người cai nghiện tại gia đình và cộng đồng. Tuy nhiên, Đà Nẵng đã quyết định “nâng cấp” đơn vị tiếp nhận và cai nghiện là các trung tâm y tế quận, huyện và Bệnh viện Tâm thần thành phố. Nhờ có điều kiện trang thiết bị đầy đủ, đội ngũ cán bộ y tế được đào tạo bài bản nên việc cắt cơn nghiện và tư vấn tâm lý đạt hiệu quả cao hơn. Ngay như tại Cơ sở Xã hội Bầu Bàng cũng đã hoàn thiện quy trình điều trị cắt cơn theo phát đồ tại các trung tâm y tế quận, huyện. Nhờ vậy, những trường hợp tiếp tục được chuyển về địa phương cai nghiện cũng gặp thuận lợi hơn nếu xảy ra tái nghiện. Đặc biệt, trong năm 2016, Đà Nẵng mạnh dạn triển khai thí điểm mô hình “Can thiệp sớm, dự phòng ma túy” tại một số phường cũng đã đem lại kết quả khả quan. Đến nay, qua 2 năm triển khai, thành phố có 4 địa phương là phường Thọ Quang (quận Sơn Trà), phường Hòa Minh (quận Liên Chiểu), phường Hòa An (quận Cẩm Lệ) và phường Bình Hiên (quận Hải Châu) thu hút được gần 200 thanh-thiếu niên sử dụng ma túy lần đầu tham gia vào các câu lạc bộ này. Ở cấp phường, phường Tân Chính (quận Thanh Khê) cũng đã thành công trong việc tổ chức cai nghiện tại gia đình và cộng đồng bằng việc mạnh dạn rút ngắn thủ tục lập hồ sơ đối tượng cai nghiện.

“Nhờ sự can thiệp sớm, cùng với đó là biện pháp hỗ trợ như tạo cơ hội học nghề, vay vốn làm ăn nên thành phố đã giúp được nhiều thanh-thiếu niên không sa vào con đường nghiện ngập và giúp người nghiện từ bỏ ma túy”, ông Lê Minh Hùng nói.

Bài và ảnh: THANH VÂN
 

;
.
.
.
.
.
.