Khắc phục những hạn chế đối với hướng dẫn viên du lịch

.

Chiều 20-6, Chi hội Hướng dẫn viên(HDV) du lịch, thuộc Hiệp hội Du lịch thành phố Đà Nẵng tổ chức “Đối thoại nhịp cầu HDV tương lai”.

Tại buổi đối thoại, các đơn vị lữ hành, HDV cũng như một số trường đại học, cao đẳng trên địa bàn trao đổi nhiều nội dung liên quan đến những bất cập trong hoạt động của đội ngũ HDV du lịch, cũng như công tác đào tạo HDV.

Theo Sở Du lịch, số lượng HDV du lịch của Đà Nẵng hiện đứng thứ 3 cả nước, nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu của các hãng lữ hành, kinh doanh du lịch; trong đó, số lượng HDV đông nhất là tiếng Anh, Trung, Nhật, Nga…

Thành phố có hơn 15 cơ sở đào tạo liên quan đến hoạt động HDV du lịch, tuy nhiên, chỉ có 3 đơn vị đào tạo chuyên ngành về HDV du lịch. Số HDV được đào tạo chuyên ngành ở bậc đại học hầu như không có, chủ yếu ở trình độ cao đẳng, trung cấp.

Phần lớn, HDV ở Đà Nẵng có bằng đại học là sinh viên ngoại ngữ của các trường đại học. Ngoài ra, thành phố còn có 7 trung tâm đào tạo tiếng Nhật, 7 trung tâm đào tạo tiếng Trung và 6 trung tâm đào tạo tiếng Hàn.  

Ông Cao Trí Dũng, Chủ tịch Hội Lữ hành thành phố Đà Nẵng cho biết, thành phố đang thiếu từ 400 - 500 HDV tiếng Hàn. Đối với công tác đào tạo ở các trường hiện nay, nên thay đổi hình thức đào tạo và trang bị cho sinh viên nhiều hơn nữa kiến thức về địa lý, văn hóa, lịch sử không chỉ trong nước mà còn trên thế giới; nhất là các kỹ năng về tổ chức đoàn, xử lý tình huống thực tế…

Đánh giá từ các hãng lữ hành và nhà trường còn cho thấy, hạn chế lớn nhất của đội ngũ HDV du lịch Đà Nẵng là thiếu kỹ năng giao tiếp, xử lý tình huống; khả năng ngoại ngữ chưa thật sự đáp ứng nhu cầu trao đổi trong thực tế; công tác đào tạo, bồi dưỡng đối với đội ngũ HDV đã hành nghề chưa đáp ứng yêu cầu.

Hằng năm, Sở Du lịch tổ chức những buổi đào tạo, sinh hoạt chuyên đề, mời chuyên gia về tập huấn kỹ năng giới thiệu mua sắm, nhưng chỉ dành cho đối tượng HDV đã được cấp thẻ…

MẪU ĐƠN

;
.
.
.
.
.
.