Mở rộng hoạt động phòng, chống tham nhũng ra khu vực ngoài Nhà nước

Chiều 31-5, Quốc hội thảo luận ở tổ về dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi). Đoàn đại biểu (ĐB) Quốc hội thành phố Đà Nẵng tham gia thảo luận với Đoàn ĐB Quốc hội các tỉnh: Sơn La, Tây Ninh, Ninh Bình.

ĐB Nguyễn Thanh Quang (Đà Nẵng) nhất trí phương án mở rộng phạm vi điều chỉnh của Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) ra khu vực ngoài Nhà nước nhằm thực hiện một trong 8 nhóm nhiệm vụ, giải pháp của Kết luận số 10-KL/TW ngày 26-12-2016 của Bộ Chính trị về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 (khóa X) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, từng bước mở rộng hoạt động phòng, chống tham nhũng ra khu vực ngoài Nhà nước. Theo ĐB Quang, thời gian qua có nhiều vụ việc sai phạm xảy ra do thiếu minh bạch và thiếu cơ chế kiểm soát hữu hiệu đối với các tổ chức, doanh nghiệp khu vực ngoài Nhà nước, gây thiệt hại cho nền kinh tế, Nhà nước, xã hội và người dân. Công tác phòng, chống tham nhũng trong các tổ chức, doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước chưa được quy định rõ ràng về phương thức và biện pháp cụ thể. Do đó, ĐB Quang cho rằng, việc mở rộng phạm vi điều chỉnh của dự thảo luật ra khu vực ngoài Nhà nước là cần thiết.

Về thẩm quyền kiểm soát tài sản, thu nhập, ĐB Nguyễn Thanh Quang đề nghị chọn phương án 1, vì thực hiện theo phương án này sẽ góp phần chuyên nghiệp hóa hoạt động của các cơ quan, đơn vị kiểm soát thu nhập, xây dựng đội ngũ cán bộ có chuyên môn, nghiệp vụ, nâng cao vai trò trách nhiệm, phát huy được kinh nghiệm của lực lượng thanh tra các cấp trong việc kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn đã được tích lũy trong thời gian qua. Hơn nữa, với phương án này sẽ không tăng thêm biên chế, tổ chức, phù hợp với chủ trương tinh giản biên chế của Đảng và Nhà nước trong giai đoạn hiện nay, đồng thời tạo thuận lợi về quản lý, vận hành cơ sở dữ liệu quốc gia về kiểm soát tài sản, thu nhập sẽ triển khai trong thời gian tới.

Về xử lý tài sản, thu nhập kê khai không trung thực hoặc tài sản, thu nhập tăng thêm mà người có nghĩa vụ kê khai không giải trình một cách hợp lý, ĐB Nguyễn Thanh Quang đề nghị, đối với phần tài sản, thu nhập có kê khai nhưng không giải trình được một cách hợp lý về nguồn gốc thì thực hiện việc thu thuế thu nhập cá nhân theo quy định của pháp luật về thuế. Còn đối với trường hợp tài sản, thu nhập kê khai không trung thực thì bên cạnh việc thực hiện thu thuế thu nhập cá nhân theo quy định của pháp luật về thuế thì đề nghị xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi kê khai không trung thực của người có nghĩa vụ kê khai.

Trong khi đó, ĐB Võ Thị Như Hoa (Đà Nẵng) đề nghị bổ sung việc quy định công khai, minh bạch về trách nhiệm, phạm vi, thẩm quyền giải quyết các vấn đề liên quan đến tổ chức, cá nhân; trình tự, thủ tục, quy trình giải quyết nhiệm vụ của những người thuộc diện phải kê khai tài sản; đường dây nóng, người có thẩm quyền tiếp nhận, giải quyết những yêu cầu, kiến nghị của tổ chức, cá nhân khi họ cho rằng người có trách nhiệm giải quyết vụ việc gây khó khăn, có dấu hiệu tham nhũng… Về kê khai tài sản, ĐB Như Hoa cho rằng, Điều 38 dự thảo luật quy định tài sản là kim khí quý, đá quý, tiền, giấy tờ có giá và các loại động sản khác mà mỗi tài sản có giá trị từ 50 triệu đồng trở lên thì phải kê khai. Khoản 2 Điều 39 quy định việc kê khai bổ sung khi người có nghĩa vụ kê khai có tài sản mới hoặc thu nhập phát sinh trong năm có giá trị từ 300 triệu đồng trở lên thì phải kê khai bổ sung. ĐB Như Hoa đề nghị xem xét lại tính thống nhất giữa hai quy định này, vì Điều 38 thì tài sản có giá trị từ 50 triệu đồng trở lên phải kê khai, nhưng Điều 39 thì tài sản phát sinh phải từ 300 triệu đồng trở lên mới phải kê khai bổ sung. Khi đó, những tài sản phát sinh thêm trong năm có giá trị lớn hơn 50 triệu đồng nhưng dưới 300 triệu đồng thì không phải kê khai bổ sung (trừ trường hợp kê khai hằng năm theo Khoản 3). Nếu trong các năm tiếp theo, mỗi năm tài sản phát sinh không quá 300 triệu đồng thì không phải kê khai bổ sung. ĐB Như Hoa cho rằng điều này là bất hợp lý. Để bảo đảm tính thống nhất, đồng thời bảo đảm tài sản, thu nhập được kê khai đầy đủ, ĐB Như Hoa đề nghị quy định theo hướng khi phát sinh tài sản thuộc diện kê khai (chưa được kê khai) thì phải kê khai bổ sung.

Việc xác định tính hợp lý của nguồn gốc tài sản là vấn đề rất phức tạp

Về phương án xử lý tài sản, thu nhập không giải trình được một cách hợp lý về nguồn gốc, báo cáo thẩm tra dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) của Ủy ban Tư pháp cho rằng, đây là vấn đề mới và phức tạp, quá trình thảo luận còn nhiều ý kiến khác nhau. Ủy ban Tư pháp nhận thấy, đặc điểm xã hội nước ta là người dân (trong đó có cán bộ, công chức) có truyền thống tích lũy, tiết kiệm, tặng cho, thừa kế trong gia đình; tài sản của cán bộ, công chức được hình thành từ nhiều nguồn khác nhau ngoài thu nhập từ lương, trong khi Nhà nước chưa kiểm soát được thu nhập của toàn xã hội, pháp luật hiện hành cũng chưa quy định buộc người dân phải chứng minh nguồn gốc hình thành số tiền để mua tài sản, nhất là những tài sản có giá trị lớn; chưa quy định đánh thuế đối với tài sản... Do vậy, việc xác định tính hợp lý của nguồn gốc tài sản nói chung là vấn đề rất phức tạp.

Báo cáo thẩm tra cũng nêu rõ đây là lần đầu tiên vấn đề xử lý tài sản không giải trình được hợp lý về nguồn gốc được đặt ra và là vấn đề lớn, có liên quan đến quyền sở hữu tài sản là quyền cơ bản của công dân được hiến định, nên việc xử lý theo phương án nào cần được cân nhắc rất thận trọng, có bước đi phù hợp để vừa đáp ứng yêu cầu phòng, chống tham nhũng, vừa bảo đảm quyền cơ bản của công dân.

B.T

PHẠM HỮU HOA

;
.
.
.
.
.
.