Nhật Bản là đối tác chiến lược hàng đầu trong tiến trình tái cấu trúc nền kinh tế Việt Nam

.

Trong khuôn khổ chuyến thăm cấp Nhà nước tới Nhật Bản, chiều 31-5, tại thủ đô Tokyo, Chủ tịch nước Trần Đại Quang tham dự và phát biểu tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư Việt Nam. Đây là sự kiện do Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam và Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) tổ chức, thu hút trên 600 doanh nghiệp hai nước tham dự.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Thủ tướng Shinzo Abe.                  Ảnh: TTXVN
Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Thủ tướng Shinzo Abe. Ảnh: TTXVN

Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch nước Trần Đại Quang cảm ơn sâu sắc về sự hợp tác, hỗ trợ, giúp đỡ thiết thực, có hiệu quả mà Nhật Bản đã dành cho Việt Nam trong công cuộc xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước, đặc biệt trong lĩnh vực phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng, nguồn nhân lực chất lượng cao, nâng cao năng lực quản trị quốc gia và xóa đói, giảm nghèo. Nhật Bản là đối tác hỗ trợ phát triển chính thức lớn nhất của Việt Nam với hơn 30 tỷ USD cam kết, đã góp phần quan trọng phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng, nguồn nhân lực chất lượng cao, nâng cao năng lực quản trị quốc gia, xóa đói, giảm nghèo… Về đầu tư, Nhật Bản luôn là đối tác hàng đầu của Việt Nam với trên 3.700 dự án có tổng vốn đầu tư đăng ký đạt trên 50 tỷ USD. Về hợp tác thương mại, quan hệ thương mại song phương luôn tăng trưởng ổn định, lành mạnh, cân bằng với quy mô thương mại hai chiều năm 2017 đạt trên 33 tỷ USD.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang nêu rõ Hội nghị Xúc tiến đầu tư Việt Nam chính là cơ hội quý báu để cộng đồng doanh nghiệp hai nước cùng nhìn lại những kết quả hợp tác đầu tư đã đạt được, chia sẻ tầm nhìn, triển vọng và những cơ hội hợp tác phát triển trong giai đoạn mới, góp phần thúc đẩy và làm sâu sắc hơn quan hệ Đối tác chiến lược sâu rộng vì hòa bình và thịnh vượng ở châu Á trong thời gian tới. Cộng đồng doanh nghiệp Nhật Bản, trong đó có các tập đoàn hàng đầu, không chỉ giữ vai trò tiên phong trong hợp tác đầu tư, mà còn thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa hai nước trên các lĩnh vực đi vào thực chất, hiệu quả hơn. Chủ tịch nước Trần Đại Quang nhấn mạnh: “Chúng tôi đánh giá cao tính kỷ luật, ý thức trách nhiệm, công nghệ hiện đại, quản trị tiên tiến, văn hóa doanh nghiệp của các doanh nghiệp, doanh nhân Nhật Bản trong quá trình đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam”.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang nhấn mạnh hướng tới mục tiêu xây dựng quốc gia công nghiệp theo hướng hiện đại, Việt Nam đang có nhu cầu rất lớn về phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng, năng lượng hiện đại, đồng bộ; hệ thống giáo dục tiên tiến... Đây là những lĩnh vực Nhật Bản có thế mạnh, là thời cơ quý báu để các doanh nghiệp, doanh nhân Nhật Bản nắm bắt để mở rộng hợp tác, đầu tư tại Việt Nam, nhất là các lĩnh vực công nghiệp chế tạo, nông nghiệp hiện đại, năng lượng, công nghệ thông tin, đô thị thông minh, dịch vụ, hạ tầng, tài chính, ngân hàng, khởi nghiệp dựa trên đổi mới, sáng tạo cũng như tham gia đối tác chiến lược cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang khẳng định: “Chính sách nhất quán của Việt Nam là luôn coi trọng quan hệ hợp tác với Nhật Bản dựa trên sự chia sẻ những lợi ích địa chính trị - kinh tế chiến lược - quan hệ hữu nghị tin cậy đã được vun đắp trong suốt 45 năm qua. Trong thời gian tới, chúng tôi mong muốn thúc đẩy quan hệ kinh tế, thương mại, đầu tư giữa hai nước, luôn coi cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân Nhật Bản là đối tác chiến lược hàng đầu trong tiến trình tái cấu trúc nền kinh tế, đổi mới, sáng tạo, phát triển kinh tế tri thức, nâng cao chất lượng tăng trưởng và năng lực cạnh tranh quốc gia”.

● Chiều cùng ngày, tại Phủ Thủ tướng, thủ đô Tokyo, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã hội đàm và dự chiêu đãi chính thức của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe chào mừng Chủ tịch nước và Đoàn đại biểu cấp cao của Việt Nam.

Hai nhà lãnh đạo đã nhất trí cao về những phương hướng lớn và các biện pháp cụ thể để đưa quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng Việt Nam-Nhật Bản phát triển toàn diện, thực chất và hiệu quả hơn nữa trong thời gian tới; nhất trí năm 2018 là năm khởi đầu mở ra một giai đoạn phát triển mới trong quan hệ hai nước.

Thủ tướng Shinzo Abe nhiệt liệt chào mừng chuyến thăm cấp Nhà nước tới Nhật Bản của Chủ tịch nước Trần Đại Quang, coi đây là sự kiện chính trị rất quan trọng trong quan hệ giữa Việt Nam và Nhật Bản. Nhật Bản đánh giá cao những thành tựu phát triển kinh tế, xã hội, vị thế, vai trò ngày càng quan trọng của Việt Nam ở khu vực và trên thế giới và hết sức coi trọng Việt Nam trong chính sách đối ngoại của Nhật Bản.

Hai bên hoan nghênh sự phát triển mạnh mẽ của hợp tác kinh tế giữa hai nước thời gian qua, nhất trí tiếp tục thúc đẩy tăng cường liên kết kinh tế theo tinh thần hai bên cùng có lợi, thúc đẩy tăng cường đầu tư của Nhật Bản vào Việt Nam, hợp tác trong các dự án lớn, trọng điểm về cơ sở hạ tầng chất lượng cao, năng lượng, đào tạo nguồn nhân lực, ứng phó với biến đổi khí hậu, triển khai chiến lược công nghiệp hóa của Việt Nam; thúc đẩy tăng kim ngạch thương mại giữa hai nước, tạo điều kiện để thủy sản và hoa quả của Việt Nam như vải, nhãn vào thị trường Nhật Bản.

Thủ tướng Shinzo Abe khẳng định, sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam phát triển kinh tế-xã hội thông qua nguồn viện trợ phát triển, cũng như thúc đẩy hợp tác các dự án cơ sở hạ tầng chất lượng cao, cam kết cung cấp thêm khoản viện trợ phát triển ODA cho Việt Nam trị giá 16 tỷ yên, tương đương 142 triệu USD cho dự án nâng cao năng lực đào tạo nghề.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang đánh giá cao sự đóng góp của viện trợ phát triển của Nhật Bản đối với sự phát triển kinh tế-xã hội và nâng cao năng lực cạnh tranh của Việt Nam, nhất trí việc hai nước phối hợp chặt chẽ nhằm sử dụng hiệu quả nguồn viện trợ phát triển này.

Hai bên nhất trí tăng cường hợp tác thực chất về an ninh - quốc phòng, triển khai Tuyên bố tầm nhìn chung hợp tác quốc phòng hai nước, thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực như an ninh mạng, trang thiết bị quốc phòng, quân y, tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc, khắc phục hậu quả chiến tranh thông qua rà phá bom mìn và hỗ trợ nạn nhân dioxin tại Việt Nam, nâng cao năng lực thực thi pháp luật trên biển và chia sẻ kinh nghiệm về chính sách biển. Hai nhà lãnh đạo hoan nghênh hai bên bắt đầu đàm phán hiệp định tương trợ tư pháp về hình sự và hiệp định chuyển giao người bị kết án.
Hai bên cũng nhất trí tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực, nông nghiệp, y tế, môi trường, lao động, xây dựng và phát triển đô thị, cải cách hành chính, hợp tác địa phương. Thủ tướng Abe khẳng định sẽ hỗ trợ Việt Nam đào tạo bồi dưỡng cán bộ cao cấp, cải cách hành chính và tiếp tục tiếp nhận thực tập sinh kỹ năng của Việt Nam sang Nhật Bản.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang khẳng định chủ trương nhất quán của Việt Nam là tích cực phối hợp với các đối tác quốc tế đóng góp vào việc duy trì hòa bình, ổn định và hợp tác ở khu vực và trên thế giới. Hai bên nhất trí tăng cường phối hợp tại các diễn đàn quốc tế và khu vực trong những vấn đề hai bên cùng quan tâm.

Về vấn đề Biển Đông, hai bên nhất trí về tầm quan trọng của việc bảo đảm hòa bình, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không tại Biển Đông, thúc đẩy giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình, không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, kiềm chế và tránh mọi hành động làm tổn hại lòng tin, nghiêm túc tuân thủ luật pháp quốc tế, nhất là Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982, tôn trọng các tiến trình ngoại giao và pháp lý, thực hiện đầy đủ Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), sớm hoàn thành Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) thực chất, hiệu quả và có hiệu lực pháp lý.

Sau hội đàm, Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Thủ tướng Shinzo Abe đã chứng kiến các bộ, ngành và cơ quan hai nước trao đổi một số văn kiện ký kết.

B.T

;
.
.
.
.
.
.