Trong quá trình phát triển từ sau năm 1975 đến nay, do những đặc điểm lịch sử và khó khăn về kinh tế, Đà Nẵng có thời kỳ thiếu quan tâm trong xây dựng và phát triển văn hóa…, trong đó có các thiết chế văn hóa (TCVH).
Sau năm 2014, thành phố Đà Nẵng mới có những quyết sách đầu tư mạnh mẽ cho văn hóa. Tuy nhiên, hiện nay các TCVH từ cấp xã, phường, đến quận, huyện tuy tăng số lượng nhưng công năng sử dụng và làm sao cho người dân thụ hưởng những tiện ích đó thì vẫn chưa đạt hiệu quả mong muốn…
Việc xây dựng Bảo tàng Đà Nẵng ngay trong thành Điện Hải do nhận thức và tầm nhìn về văn hóa lúc bấy giờ chưa thấu đáo. Ảnh: NGỌC HÀ |
Bài 1: Thiếu một tầm nhìn về thiết chế văn hóa
Một thời gian dài, do những hạn chế về điều kiện kinh tế - xã hội (KT-XH), Đà Nẵng chưa có một tầm nhìn và nhận thức đầy đủ về thiết chế văn hóa (TCVH), dẫn đến những quyết định sai lầm về thu hồi cũng như đầu tư các TCVH trọng điểm.
Nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Đình An, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng giai đoạn 1983-1993 cho rằng, TCVH rất quan trọng, là cơ sở vật chất để triển khai các hoạt động văn hóa, đồng thời là nơi người dân đến hưởng thụ và sáng tạo.
Nhắc đến thời kỳ trước, ông Nguyễn Đình An cẩn trọng đánh giá, nói lãnh đạo các thời kỳ trước không quan tâm nhiều đến phát triển văn hóa là không đúng. Bởi ngay từ những năm tháng khó khăn nhất về KT-XH của cả nước, các đồng chí Hồ Nghinh, Phạm Đức Nam, Hoàng Minh Thắng… đã tham khảo ý kiến và mời các nhà chuyên môn nổi tiếng như kiến trúc sư (KTS) Huỳnh Tấn Phát, Nguyễn Trực Luyện đến Đà Nẵng tham khảo về việc xây dựng Bảo tàng Đà Nẵng.
Phương án ban đầu là chọn khu đất tại Khu hành chính quận Hải Châu bây giờ để làm Bảo tàng Đà Nẵng, nhưng khi triển khai lại vướng quy định về quản lý đất đai và với tình thế lúc bấy giờ, dự án đó đã không thể thực hiện.
Theo KTS Hồ Duy Diệm, quá trình đô thị hóa làm nảy sinh một loạt vấn đề có liên quan đến sự phát triển bền vững của các địa phương, không chỉ những vấn đề KT-XH mà còn có cả những vấn đề lớn khác, trong số đó phải kể đến quy hoạch, kiến trúc, xây dựng. Đối với thành phố Đà Nẵng, ngay từ năm 1980, những nhà quy hoạch và nhà quản lý đã bắt đầu quan tâm đến quy hoạch công trình công cộng, trong đó có TCVH.
Ví dụ cụ thể nhất là để xây dựng Trung tâm Văn hóa thành phố, chính quyền thành phố Đà Nẵng thời bấy giờ đã quyết tâm giải tỏa, di dời “chợ vườn hoa” để hình thành hệ thống thiết chế Nhà hát Trưng Vương, Quảng trường và Trung tâm Văn hóa thành phố, không gian triển lãm nghệ thuật đường Hùng Vương (đoạn từ đường Yên Bái lên đường Phan Châu Trinh).
Đối với Công viên 29-3, đích thân các lãnh đạo tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng thời kỳ đó như ông Hồ Nghinh, Hoàng Minh Thắng… là những người đầu tiên kéo xe bò chở đất để lấp hố rác cùng thanh niên xung phong, người dân xây dựng công trình này.
Lô đất 84 Hùng Vương, trước đây là Trung tâm Văn hóa thành phố, bị bỏ hoang gần 10 năm qua. |
Ông Nguyễn Hoàng Long, nguyên Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng giai đoạn 1994-2004 kể, sau ngày giải phóng, thành phố Đà Nẵng hầu như không có công trình văn hóa nào xứng tầm.
Bảo tàng Điêu khắc Chăm thì xuống cấp, Nhà hát Trưng Vương xập xệ, khái niệm TCVH khá mờ nhạt. Đến những năm sau 1990, sự quan tâm đối với văn hóa mới dần rõ nét hơn, Nhà hát Trưng Vương được xây dựng lại, Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh được xây mới trên cơ sở Nhà hát Hòa Bình cũ.
Đặc biệt, thành phố quan tâm phát triển hệ thống bảo tàng, trong đó Bảo tàng Điêu khắc Chăm được trùng tu, nâng cấp, rồi xây dựng Bảo tàng Đà Nẵng…
Cũng theo ông Long, việc xây dựng Bảo tàng Đà Nẵng ngay trong thành Điện Hải vào thời điểm đó thật ra cũng do nhận thức lúc bấy giờ chưa thấu đáo về văn hóa. Khi ấy, lãnh đạo thành phố nhìn thấy thành Điện Hải chỉ là cái thành cổ hoang phế và một thời gian dài là cơ sở sản xuất của một công ty dược.
Do đó, việc dời công ty dược và đưa Bảo tàng Đà Nẵng về đó với suy nghĩ đây là cách tôn tạo thành Điện Hải. Nói sai cũng có thể là sai, nhưng trong nhận thức tại thời điểm đó, với điều kiện KT-XH lúc bấy giờ thì nên coi đây là một cố gắng của lãnh đạo thành phố để thể hiện sự trân trọng với quá khứ, trong đó có quá khứ của thành Điện Hải và quá khứ lịch sử của địa phương. Nhưng bây giờ với điều kiện mới, tầm nhìn mới thì điều đó không còn phù hợp.
Đồ họa: TUYẾT ANH |
“Lúc đó tôi ở trong thường trực UBND và biết chủ trương này từ suy nghĩ của lãnh đạo thành phố thời điểm đó, cũng như ý tưởng bán Thư viện Khoa học tổng hợp Đà Nẵng, Cung Thiếu nhi, chuyển Nhà Văn hóa Lao động về Hòa Cường đều xuất phát từ thực tế là những nơi đó bức bối, chật chội…
Tất cả đều là ý tưởng tốt đối với phát triển văn hóa Đà Nẵng. Nhưng thật ra vì lý do kinh phí có hạn, nhận thức về TCVH chưa đầy đủ, năng lực đội ngũ cán bộ còn hạn chế trong tham mưu, đề xuất với lãnh đạo nên có những quyết định chưa thỏa đáng”, ông Long chia sẻ.
Nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Đình An cũng tỏ ra tiếc nuối: “Chúng ta thiếu một tầm nhìn, thiếu quy hoạch bài bản cho TCVH nên mới dẫn đến nhiều hệ lụy”.
Đó là Trung tâm Văn hóa thành phố - nơi điều phối, tổ chức các hoạt động văn hóa nhưng năm 2008, toàn bộ diện tích đất hàng chục ngàn mét vuông với 3 mặt tiền ở số 84 đường Hùng Vương, cạnh Nhà hát Trưng Vương bị thu hồi dẫn đến tình trạng Trung tâm nay ở chỗ này, mai dời chỗ khác và vẫn chưa biết khi nào an cư. Trong quy hoạch ban đầu, thành phố từng bố trí đất xây dựng Trung tâm Văn hóa thành phố, Nhà hát lớn tại khu vực cầu Thuận Phước, bố trí xây dựng Thư viện Khoa học tổng hợp thành phố tại khu vực phía đông nam Đài Tưởng niệm nhưng sau đó liên tục thay đổi quy hoạch.
Hơn nữa, nhìn một cách tổng thể, Đà Nẵng có nhiều công trình xâm hại cảnh quan thiên nhiên nhưng lại thiếu hẳn công trình phúc lợi như công viên phục vụ lợi ích chung của cộng đồng. Từ sau năm 1975, cho đến trước năm 2014, ngoài Công viên 29-3, Đà Nẵng đã hình thành Công viên Biển Đông theo hướng mở, thực hiện đầu tư dự án Công viên Thanh niên và xã hội hóa Công viên châu Á.
Từ năm 2014 đến nay, thành phố thực hiện dự án công viên văn hóa tâm linh Ngũ Hành Sơn, đầu tư và hoán đổi một số khu vui chơi giải trí không hiệu quả thành công viên vườn dạo như: Công viên vườn dạo góc Hùng Vương, Yên Bái và tại một số địa phương…
Tuy nhiên, nhiều dự án trọng điểm ì ạch và lãng phí. Cụ thể, dự án Công viên Thanh niên phê duyệt cuối năm 2004 với diện tích 35,2ha thuộc quận Hải Châu và Cẩm Lệ. Trong hơn 10 năm qua, thành phố nhiều lần điều chỉnh, thu hẹp diện tích công viên nhưng đến nay vẫn chưa thấy triển khai.
Trong nhiều năm, ngân sách đầu tư cho văn hóa cũng chưa tương xứng với chi đầu tư phát triển của thành phố. Theo báo cáo của Sở Văn hóa - Thể thao, trong giai đoạn năm 2005 đến 2014, ngân sách thành phố bố trí từ nguồn vốn xây dựng cơ bản cho ngành văn hóa là 424 tỷ đồng (trung bình 42,5 tỷ đồng/năm).
Con số này khá khiêm tốn so với kinh phí chi đầu tư phát triển của thành phố hằng năm khoảng trên 5.000 tỷ đồng. Trong giai đoạn 2011-2013, mức đầu tư thấp dần. Cụ thể, năm 2011 được bố trí 51,7 tỷ đồng, trong khi kinh phí chi đầu tư phát triển của thành phố là 6.553 tỷ đồng (chiếm 0,79%).
Năm 2012 là 20,9 tỷ đồng so với con số 7.525 tỷ đồng (chiếm 0,28%). Năm 2013 là 15,2 tỷ đồng so với con số 5.009 tỷ đồng (chiếm 0,3%). Cũng trong năm 2013, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã công bố mức độ đầu tư cho ngành văn hóa của Đà Nẵng ở mức thấp, đứng thứ 61/63
tỉnh thành.
Nhà điêu khắc Phạm Hồng chua xót: “Có những thứ bây giờ có chi hàng núi tiền cũng khó lấy lại được, đó chính là sự phát triển của văn hóa, nghệ thuật thành phố. Giá mà chúng ta trích một phần nhỏ trong đầu tư cho xây dựng cơ bản để đầu tư các TCVH thì không bị hụt hẫng như ngày hôm nay.
Tôi còn nhớ Trung tâm Văn hóa thành phố tại địa chỉ 84 Hùng Vương khi ấy hoạt động khá sôi nổi, thu hút đông đảo văn nghệ sĩ không chỉ của thành phố mà cả nước. Do ở vị trí đắc địa nên những cuộc triển lãm chỉ cần treo băng rôn là người dân biết và ghé xem rất đông”.
“Chúng ta mất mật độ cây xanh, mất công trình văn hóa công cộng… Bây giờ muốn làm thì chi phí sẽ rất cao, sẽ phải chấp nhận nếu muốn sửa sai”, KTS Hồ Duy Diệm nói thêm.
Bài và ảnh: NGUYỄN CHUNG - LÊ PHẠM