Thiết chế văn hóa ở Đà Nẵng: Cần tương xứng với phát triển kinh tế

Bài 3: Lúng túng trong vận hành, quản lý

.

Mặc dù đầu tư cho văn hóa ngày càng tăng nhưng việc thiếu nguồn nhân lực và cả lúng túng trong điều hành, quản lý, chưa thu hút hoạt động xã hội hóa… là những nguyên nhân chính dẫn đến các thiết chế văn hóa (TCVH) hoạt động chưa hiệu quả.

Nhà sinh hoạt cộng đồng khu dân cư Xuân Đán (phường Xuân Hà, quận Thanh Khê)  xuống cấp.
Nhà sinh hoạt cộng đồng khu dân cư Xuân Đán (phường Xuân Hà, quận Thanh Khê) xuống cấp.

Còn lãng phí…

Báo cáo thẩm tra của Ban Văn hóa-Xã hội HĐND thành phố trong hai năm 2016 và 2017 đều chỉ rõ đầu tư cho văn hóa có tăng hơn những năm trước nhưng vẫn chưa tương xứng so với đầu tư phát triển kinh tế. Công tác quy hoạch, xây dựng hệ thống các TCVH tuy được quan tâm nhưng vẫn chưa bài bản; thiếu hệ thống công viên, khu vui chơi, giải trí, vườn dạo, chưa xứng tầm với đô thị loại 1.

Nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Đình An nhìn nhận rằng, về chủng loại, TCVH ở Đà Nẵng cơ bản đã đầy đủ, nhưng phát huy công năng của nó như thế nào thì vẫn chưa được đánh giá cụ thể. Lấy ví dụ, Nhà hát Trưng Vương tuy đã có chuyển biến nhưng vẫn không ở đẳng cấp của một nhà hát chuyên nghiệp, chưa có một phòng hòa nhạc đạt chuẩn, nhà hát chưa sáng đèn hằng đêm và phải tổ chức các hoạt động khác để bù đắp kinh phí.

Cũng theo báo cáo thẩm tra của Ban Văn hóa-Xã hội HĐND thành phố, đối với TCVH cơ sở, tuy đã được đầu tư về số lượng và chất lượng, nhưng trên thực tế hiệu quả hoạt động của hệ thống TCVH, thể thao cơ sở vẫn chưa cao, người dân chưa có nhu cầu thường xuyên đến sinh hoạt tại đây.

Trong quá trình khảo sát thực tế, chúng tôi cũng ghi nhận nhiều ý kiến phản ánh về thực trạng một số TCVH còn lãng phí từ cấp quận, huyện đến phường, xã. Tại Trung tâm Văn hóa thể thao - học tập cộng đồng (VHTT – HTCĐ), ở địa chỉ 16 Trưng Nữ Vương, phường Bình Hiên, quận Hải Châu, theo quan sát của chúng tôi, tầng một có một phòng với vài bộ bàn ghế và một kệ sách nhỏ, tuy nhiên cửa khóa chặt, không có ai trông coi. Tầng hai cơ sở này được Công ty trang phục biểu diễn Viet Dance thuê và những đống quần áo cho thuê chất chồng bừa bãi, nhếch nhác.

Tương tự, trong số 4 trung tâm VHTT của các xã Hòa Sơn, Hòa Ninh, Hòa Liên, Hòa Bắc thuộc huyện Hòa Vang được đầu tư gần 25 tỷ đồng năm 2015 thì Trung tâm VHTT xã Hòa Liên được xây dựng vào cuối năm 2015 và hoàn thành tháng 4-2016 với kinh phí gần 4,8 tỷ đồng bằng nguồn vốn ngân sách thành phố, dù chưa đưa vào sử dụng nhưng trung tâm này đã bị sụt lún và đang được khắc phục với kinh phí gần 800 triệu đồng. 3 trung tâm còn lại chưa phát huy được công năng.

Ông Nguyễn Hoài Phương, Trưởng thôn 2, xã Hòa Sơn, huyện Hòa Vang cho biết, đưa vào sử dụng hơn một năm nay nhưng Trung tâm VHTT xã Hòa Sơn ít người đến. Bên ngoài có xích đu, cầu trượt nên trẻ con đến chơi, các cụ già đến tập thể dục chứ bên trong chẳng có gì. “Ít nhất phải có phòng đọc sách, bể bơi để thu hút trẻ em, thanh - thiếu niên. Chứ trẻ em vùng nông thôn bây giờ chúi mũi vào trò chơi điện tử, thanh-thiếu niên tụ tập cà-phê dễ phát sinh tệ nạn xã hội. Thật sự nhà văn hóa to lớn thế mà cứ đóng cửa im ỉm suốt ngày thì quá lãng phí”, ông Phương nói.

Trong khi đó, Trung tâm VHTT phường Hòa An (quận Cẩm Lệ) có diện tích đến 3.000m2, được đầu tư khá khang trang nhưng không thu hút được người dân. Chị Phan Thị Ngọc Bích, người được phường hợp đồng để trông coi và giữ chìa khóa trung tâm chia sẻ, nhiều lần UBND phường Hòa An tìm cách thu hút người dân đến trung tâm để vui chơi như mời các đoàn cải lương, cho các đoàn đu quay thuê buổi tối phục vụ trẻ em… nhưng dường như mọi hành động nhằm cố gắng thu hút người dân của phường đều thất bại.

Ngoài các thiết chế trung tâm VHTT, trên địa bàn thành phố có 19 nhà văn hóa cấp phường, xã; 119 nhà văn hóa thôn và 348 nhà sinh hoạt cộng đồng (NSHCĐ) ở các khu dân cư. Theo quan sát, các thiết chế này chủ yếu được dùng làm chỗ họp của tổ dân phố, tần suất hoạt động không cao, hiện tại không ít thiết chế xuống cấp.

Bà Trương Thị Kim Thu (Trưởng thôn Quan Nam 3, xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang) cho biết, cơ sở vật chất nhà văn hóa thôn thiếu thốn, người dân chủ yếu đến họp hành chứ không có gì vui chơi, giải trí. Trong khi đó, NSHCĐ Xuân Đán (phường Xuân Hà, quận Thanh Khê) xuống cấp trầm trọng, bên ngoài sân ngổn ngang bao ni-lông, sắt thép, bên trong không khá hơn khi được trưng dụng làm nhà kho chứa vật liệu xây dựng, xe cộ và một phần được cho thuê làm nơi sửa xe máy. Thời gian gần đây, người dân mượn phòng đọc sách Xuân Hà để làm nơi sinh hoạt.

Theo ý kiến của người dân, nhu cầu đời sống tinh thần hiện nay đã cao hơn trước rất nhiều, vì thế chất lượng hoạt động của các TCVH cơ sở phải đáp ứng kịp. Nơi đó phải có các thiết bị tập thể dục, cây xanh mát mẻ, không gian bên trong phải có góc đọc sách, góc chơi những môn thể thao đơn giản và góc sinh hoạt của các câu lạc bộ… Những ý kiến đó hoàn toàn phù hợp với khảo sát thực tế của chúng tôi. Theo đó, những TCVH được đầu tư theo hướng tích hợp tiện ích thì thu hút người dân tham gia; ngược lại những TCVH có trang thiết bị nghèo nàn, tận dụng bàn ghế cũ của các trường học, một số có tủ sách nhưng chủ yếu tủ sách pháp luật… thì không ai mặn mà.

“Tôi lấy ví dụ về đọc sách chẳng hạn. Đến Công viên cà-phê sách Daegu (phường Hòa Cường Bắc, quận Hải Châu) do thành phố Daegu (thành phố kết nghĩa với Đà Nẵng) tài trợ kinh phí xây dựng, người dân được đọc những quyển sách mới, nhiều quyển đang bán chạy trên thị trường với giá khá đắt, bàn ghế, kệ sách đều được sắp xếp đẹp mắt, có cả máy điều hòa, nước uống phục vụ bạn đọc. Không thích đọc sách thì bên ngoài có sẵn các thiết bị vui chơi, tập thể dục để giải trí. Chứ bây giờ mà đến các TCVH không có gì để vui chơi, giải trí thì tôi nghĩ khó hấp dẫn người dân”, ông Phạm Hoàn (65 tuổi, phường Hòa Cường Nam, quận Hải Châu) nói.

Quản lý không hiệu quả

Ông Huỳnh Văn Hùng, Giám đốc Sở VH-TT thành phố cho biết, để khắc phục tình trạng lãng phí cũng như phát huy công năng của các TCVH, thời gian qua, Sở VH-TT đã nỗ lực tham mưu, hoàn thiện cơ sở pháp lý về quy hoạch, phân cấp đầu tư và quản lý, khai thác hệ thống thiết chế văn hóa từ thành phố đến cơ sở, trong đó có Quyết định 6273/QĐ-UBND ngày 16-9-2016 của UBND thành phố về Quy định tạm thời về tổ chức, quản lý và hoạt động của trung tâm VHTT xã, phường trên địa bàn thành phố và Quyết định 11/2016/QĐ-UBND về quy định một số chính sách khuyến khích xã hội hóa đối với các hoạt động trong lĩnh vực văn hóa.

Tuy nhiên, khi áp dụng những quyết định này vào thực tế các địa phương còn khá lúng túng. Theo đó, thực hiện Quyết định 6273/QĐ-UBND, đến cuối năm 2017 có 46/56 phường, xã thành lập trung tâm VHTT hoặc thí điểm trung tâm VHTT - HTCĐ với bộ máy tổ chức từ 5-6 người, trong đó, phó chủ tịch UBND phường/xã làm giám đốc trung tâm.

Nghịch lý ở chỗ, dù có bộ máy, có con người nhưng các trung tâm hầu như trong tình trạng đóng cửa. Ông Bùi Nam Dũng, Phó Chủ tịch UBND huyện Hòa Vang cho biết, bộ máy này hầu hết kiêm nhiệm nên khối lượng công việc khá nhiều, không có thời gian để nghiên cứu, đề xuất các hoạt động cũng như quản lý trung tâm, đặc biệt khi bố trí lại cán bộ công chức theo Nghị quyết số 133/NQ-HĐND của HĐND thành phố thì càng khó khăn.

Tương tự, các nhà văn hóa phường, nhà văn hóa thôn, NSHCĐ giao cho đoàn thể và khu dân cư tự quản lý nên chỉ khi nào có sự kiện mới mở cửa, hằng ngày người dân có muốn vào cũng không được. Ông Trần Chí Trung, Phó phòng Văn hóa-Thông tin quận Ngũ Hành Sơn cho biết, vì không có người quản lý túc trực tại đó nên các nhà văn hóa tại khu dân cư luôn trong tình trạng đóng cửa để tránh tình trạng mất đồ, hư hỏng tài sản…

Không người quản lý, kinh phí hoạt động thấp (từ 60-80 triệu đồng/trung tâm/năm, riêng kinh phí sự nghiệp văn hóa được cấp theo số dân) cộng với công tác bảo trì sửa chữa thường xuyên theo quy định về nội dung quản lý, vận hành bị bỏ ngỏ, dẫn đến các TCVH xuống cấp, hoạt động nghèo nàn.

Từ năm 2016, nguồn vốn đầu tư xây dựng TCVH, thể thao cơ sở được lấy từ nguồn vốn đầu tư xây dựng các hạng mục thiết chế do thành phố phân bổ cho các quận, huyện từ 50-60 tỷ đồng/năm. Song theo ông Nguyễn Hòa, Phó Chủ tịch UBND quận Ngũ Hành Sơn, con số 50-60 tỷ đồng là khá lớn, nhưng để phân bổ đầu tư xây dựng các hạng mục thiết chế từ văn hóa, giáo dục, y tế… thì không nhiều. Hơn nữa, do không ghi rõ nguồn vốn phân cấp cho quận, huyện về đầu tư xây dựng TCVH, thể thao là bao nhiêu trong khi thiết chế nào cũng đáng để đầu tư, dẫn đến tình trạng lúng túng trong đầu tư công.

Bất cập xã hội hóa

Để khai thác công năng thiết chế văn hóa, các địa phương đã liên kết với tư nhân tổ chức nhiều hoạt động tại trung tâm VHTT phường/xã.  Hiện 15/47 trung tâm VHTT phường, xã trên địa bàn thành phố xã hội hóa các hoạt động văn hóa, thể thao, nhưng đa phần chỉ các hoạt động thể thao (thường là aerobic, thể hình, võ thuật), các loại hình kinh doanh giải khát theo hình thức cà- phê sách…, ít có hoạt động văn hóa. Trong khi đó, không ít hoạt động tại các TCVH gây nhiều phản cảm. Cụ thể ngày 5-5, chúng tôi trở lại công viên, cà-phê sách Sơn Trà tại khu dân cư An Hòa 4, phường An Hải Bắc, quận Sơn Trà (hoạt động từ tháng 3-2017). Hiện tại, nơi đây giao cho tư nhân kinh doanh cà-phê sách và họ có nhiệm vụ trông coi công viên, cây xanh dưới sự giám sát của cộng đồng. Điều đáng nói, công viên, cà-phê sách Sơn Trà có các hạng mục cà-phê, phòng đọc sách, song ngoại trừ khu lắp đặt các thiết bị thể thao ngoài trời thì không gian còn lại đều bị chiếm dụng. Các kệ sách tại đây không ai quản lý, ngổn ngang. Phòng đọc sách có trang bị bàn đọc, sàn lót xốp, trang trí hình ảnh ngộ nghĩnh dành cho trẻ em, bị chủ kinh doanh chiếm dụng thành phòng sinh hoạt cá nhân, treo quần áo, túi xách, đặt tủ lạnh, thậm chí chứa thức ăn…

Tương tự, TTVH thể thao phường Bình Hiên (quận Hải Châu) do diện tích quá nhỏ, khó thu hút tư nhân tham gia đầu tư khai thác. Hiện tại, trung tâm này chỉ có cửa hàng trang phục biểu diễn thuê ở tầng hai nhưng họ cũng biến không gian nơi đây thành hoạt động kinh doanh ngoài mục đích sinh hoạt văn hóa.

Trong khi các TCVH đã được thành phố đầu tư vẫn chưa phát huy hiệu quả thì việc các quận, huyện tiếp tục đầu tư TCVH theo quy hoạch đã được thành phố phê duyệt đang tạo không ít băn khoăn cho dư luận.

Bài và ảnh: NGUYỄN CHUNG - LÊ PHẠM

;
.
.
.
.
.
.