Cần giải pháp mạnh mẽ, cụ thể hơn

.

Báo Đà Nẵng ghi nhận ý kiến cử tri của thành phố Đà Nẵng về phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIV, diễn ra ngày 5-6.

* Ông Vũ Văn Khoa, phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu: Cần quản lý đất đai theo đúng quy định của pháp luật

Qua theo dõi phiên chất vấn của các đại biểu đối với Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) Trần Hồng Hà vào sáng 5-6, tôi đặc biệt lưu ý đến công tác quản lý đất đai ở các địa phương, nhất là các thành phố lớn. Về vấn đề phân cấp đất đai, Bộ TN-MT là đơn vị quản lý chung nhưng thực chất ở dưới các địa phương là đơn vị trực tiếp nắm quyền. Việc phân cấp đất đai không đúng đối tượng, đất công bị bán rẻ, chuyển cho doanh nghiệp với giá thấp, thực chất Bộ TN-MT không quản lý hết được mà phải do cấp tỉnh, cấp thành phố quản lý. Do đó, trách nhiệm này thuộc về cấp tỉnh, thành phố. Theo tôi, Bộ TN-MT cần tiếp tục định hướng quản lý đất đai theo đúng quy định của pháp luật, đồng thời kiểm soát ô nhiễm môi trường, vì đây là vấn đề rất nghiêm trọng, xảy ra tại nhiều địa phương trong thời gian qua nhưng ở nhiều nơi chưa xử lý triệt để.

* Cử tri Trần Thị Bốn, phường An Hải Tây, quận Sơn Trà: Biện pháp phòng, chống xâm hại, bạo lực trẻ em chưa được giải trình rõ ràng

Theo dõi phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung về vấn đề phòng, chống xâm hại, bạo lực trẻ em, tôi chưa đồng tình vì các biện pháp đưa ra vẫn còn chung chung và chưa thuyết phục. Trong đó trách nhiệm của Bộ LĐ-TB&XH và các tổ chức, đoàn thể liên quan trong việc bảo vệ quyền lợi của trẻ em đối với các vụ việc này vẫn chưa cụ thể. Tôi cho rằng, để chặn đứng các hành vi xâm hại, bạo hành trẻ em ngay từ ban đầu, Bộ LĐ-TB&XH và các bộ, ngành liên quan, trong đó có Bộ Giáo dục và Đào tạo, cần xây dựng khung chương trình giáo dục, nhằm nâng cao nhận thức của các em nhỏ, tránh xa những hành vi xâm hại.

Hiện nay, còn tình trạng sinh viên học xong không có việc làm, hoặc phải làm trái ngành, trái nghề, thu nhập không bảo đảm, gây lãng phí nguồn nhân lực, nhưng Bộ trưởng Đào Ngọc Dung trả lời chưa rõ ràng; trong khi đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng chưa có ý kiến giải trình thêm. Tôi cho rằng đây là vấn đề đáng báo động, cần phải được các vị đại biểu chất vấn, tranh luận nhiều hơn để tìm ra giải pháp cụ thể. 

* Cử tri Nguyễn Lan Hương, phường Khuê Trung, quận Cẩm Lệ: Tiếng nói mạnh hơn để bảo vệ trẻ em

Tôi chưa thấy Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nêu được hành động thiết thực, cụ thể của ngành LĐ-TB&XH trong công tác chăm sóc và bảo vệ trẻ em mà chỉ đưa ra những giải pháp chung chung thuộc về trách nhiệm của đơn vị khác cũng như gia đình, nhà trường hoặc bản thân trẻ. Tôi thiết tha đề nghị ngành LĐ-TB&XH có tiếng nói mạnh mẽ, quan tâm hơn nữa và vào cuộc quyết liệt để khắc phục tình trạng bạo hành và xâm hại trẻ em, tránh có thêm những trường hợp thương tâm như thời gian qua.

* Cử tri Trương Duy Quang (phường Tam Thuận, quận Thanh Khê): Giáo dục nghề nghiệp phải đáp ứng nhu cầu thị trường lao động

Tôi rất phấn khởi khi nghe Bộ trưởng Đào Ngọc Dung thông báo rằng, Bộ đã bắt đầu thí điểm các chủ trương mới như tiến hành quy hoạch lại toàn bộ mạng lưới giáo dục nghề nghiệp; chuyển mạnh sang tự chủ tạo động lực phát triển giáo dục nghề nghiệp; chuyển hẳn sang một hướng mới là kết nối đào tạo với doanh nghiệp, doanh nghiệp đồng hành với giáo dục nghề nghiệp... Tuy nhiên, một nội dung nữa mà Bộ trưởng Đào Ngọc Dung vẫn chưa nêu rõ, đó là giáo dục nghề nghiệp sẽ tập trung vào ngành nghề gì, cái nào là trọng tâm để đáp ứng thị trường lao động đặc thù của nước ta nói riêng và các nước trong khu vực nói chung; tránh đào tạo tràn lan rồi không tìm được việc làm, dẫn đến những bất cập khi phải xuất khẩu lao động.

* Cử tri Đặng Văn An, phường Thuận Phước, quận Hải Châu: Quan tâm đến xuất khẩu lao động

Trả lời chất vấn của ĐB Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) về việc lao động xuất khẩu Việt Nam chủ yếu trình độ thấp, nhiều công ty môi giới lao động đem con bỏ chợ, nhiều lao động không tuân thủ hợp đồng, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung chỉ mới nói chung chung là “sẽ tổ chức tốt lại các hoạt động để giảm tình trạng này” mà chưa nêu rõ sẽ làm gì, ra sao? Tôi mong muốn có thêm những giải pháp khác để bảo vệ người lao động, bảo đảm quyền lợi cho những lao động bị thiệt hại. Tuy nhiên, cần quan tâm đến các công ty môi giới khi các lao động không tuân thủ hợp đồng. Bộ trưởng nói đang cùng với các bộ, ngành khác thảo luận các giải pháp để ngăn ngừa vi phạm và cử tri chúng tôi hy vọng các giải pháp này sẽ sớm được áp dụng. Không chỉ là giảm thiểu tình trạng công ty môi giới lao động đem con bỏ chợ hay lao động không tuân thủ hợp đồng, chúng ta cần nghiên cứu làm sao để nâng cao chất lượng, trình độ lao động xuất khẩu Việt Nam.

Quốc Khải - Trâm Anh - Lam Phương ghi

;
.
.
.
.
.
.