Hồng Phước đổi thay

.

Những ngày này, người dân sinh sống trong khu căn cứ cách mạng B1 - Hồng Phước (thuộc phường Hòa Khánh Bắc, quận Liên Chiểu) phấn khởi, tự hào trước thông tin “địa chỉ đỏ” này đón nhận danh hiệu Anh hùng LLVTND, ghi nhận những cống hiến lớn lao của người dân Hồng Phước trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ cứu nước.

Khu căn cứ B1 - Hồng Phước không chỉ là nơi tìm về của những người trẻ, mà trong tương lai còn cần xây dựng nơi đây thành điểm du lịch. Trong ảnh: Tuổi trẻ Đoàn Đại học Đà Nẵng tổ chức dâng hương tại Khu căn cứ B1 - Hồng Phước.
Khu căn cứ B1 - Hồng Phước không chỉ là nơi tìm về của những người trẻ, mà trong tương lai còn cần xây dựng nơi đây thành điểm du lịch. Trong ảnh: Tuổi trẻ Đoàn Đại học Đà Nẵng tổ chức dâng hương tại Khu căn cứ B1 - Hồng Phước.

Chiến tranh đã lùi xa, Hồng Phước bây chừ không còn là vùng cồn cát, đầm lầy hoang vu, thưa thớt dân cư mà nằm trong diện giải tỏa mở rộng Khu công nghiệp (KCN) Hòa Khánh. Để phát triển kinh tế, người dân chấp hành tốt chủ trương bàn giao mặt bằng, di chuyển mồ mả ông bà đi nơi khác.

Ông Phạm Chữ, nguyên Trưởng ban công tác Mặt trận tổ 61, khu dân cư Hồng Phước từng nói rằng, bức tranh phát triển kinh tế-xã hội ở Hồng Phước đã diễn ra rất chậm do những hậu quả của chiến tranh để lại.

Thêm vào đó, Hồng Phước là vùng thấp trũng, cứ có mưa lớn thì nhà nào cũng ngập nước, ô nhiễm môi trường; mặt bằng KCN cao hơn nửa nhà dân, nên nước thải từ KCN qua hệ thống cống làm ngập nhiều chỗ ở khu vực dân cư Hồng Phước. Vậy nên, chuyện ra đi, với người dân Hồng Phước, cũng là cách để tìm đến một khu phố mới, ổn định và phát triển hơn.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, trước đây, trong bản đồ quy hoạch, toàn bộ khu căn cứ B1 - Hồng Phước nằm trong diện giải tỏa trắng, nhường đất cho KCN Hòa Khánh. Chấp nhận ra đi, nhưng người dân Hồng Phước mong muốn làm sao vừa có thể phát triển kinh tế, vừa bảo tồn và phát huy truyền thống văn hóa, lịch sử của quê hương, để mật danh B1 gắn với tên gọi Hồng Phước mãi mãi còn đó với thời gian.

Nhận thấy trăn trở, mong muốn của người dân là chính đáng, theo đề xuất, kiến nghị của Quận ủy và UBND quận Liên Chiểu, Thành ủy đồng ý chủ trương và Chủ tịch UBND thành phố có Quyết định số 1302/QĐ-UBND ngày 11-3-2016 phê duyệt xây dựng Đài bia và Nhà truyền thống B1 - Hồng Phước trên diện tích đất 2.700m2, tổng kinh phí 4,2 tỷ đồng từ nguồn ngân sách thành phố.

Ông Nguyễn Ân, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Quận ủy Liên Chiểu khẳng định, đó là quyết định đúng đắn, hợp lòng dân. “Việc xây dựng công trình có tầm vóc, ý nghĩa này nhằm tôn vinh giá trị truyền thống lịch sử, văn hóa vẻ vang của cán bộ và nhân dân Hồng Phước cũng như Khu I cánh Bắc Hòa Vang; đồng thời giáo dục, bồi dưỡng truyền thống yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng, nêu cao tinh thần đoàn kết, năng động, sáng tạo cho cán bộ, đảng viên, nhân dân, nhất là các thế hệ hôm nay và mai sau”, ông Ân nói.

Hơn một năm sau ngày khánh thành Đài bia, Nhà truyền thống di tích lịch sử căn cứ cách mạng B1 - Hồng Phước, địa chỉ này đón hàng trăm đoàn khách trong nước và quốc tế đến tham quan. Ông Vương Chí Thanh, Trưởng phòng Hành chính - Trung tâm Tổ chức sự kiện và Lễ hội Văn hóa, Sở Văn hóa-Thể thao cho rằng, trong tương lai, việc phát huy giá trị lịch sử các khu căn cứ cách mạng như B1 - Hồng Phước gắn với phát triển du lịch là điều cần thiết.

Theo ông Thanh, tuy tài liệu, hiện vật được giới thiệu tại nhà truyền thống B1 - Hồng Phước chưa nhiều, chưa phong phú nhưng ở chừng mực nhất định, nhà trưng bày có thể được xem như những dòng biên niên sử giá trị và sống động về một thời kỳ cách mạng hào hùng của người dân nơi đây. 

Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 14-12-2017 của Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố khóa XXI đề cập: Đà Nẵng cần “phát huy giá trị văn hóa, lịch sử gắn với hoạt động du lịch”. Do đó, trong tương lai, không nên xem khu căn cứ cách mạng B1 - Hồng Phước là một di tích lịch sử cách mạng thuần túy, tách biệt, mà cần xây dựng điểm này thành một trong những hạt nhân về lịch sử, văn hóa, du lịch sinh thái tại địa phương.

Tuy nhiên, để làm được điều này, theo ông Đặng Đức Nhật, Phó Chủ tịch UBND phường Hòa Khánh Bắc, thành phố cần sớm hoàn thành dự án Trạm xử lý nước thải Liên Chiểu, trồng vệt cây xanh cách ly, tạo cảnh quan giữa trạm xử lý với hơn 200 hộ dân tổ 61 phường Hòa Khánh Bắc nhằm chấm dứt tình trạng ô nhiễm môi trường đang diễn ra nghiêm trọng tại khu vực Hồng Phước nhiều năm qua.

Bài và ảnh: HUỲNH LÊ

;
.
.
.
.
.
.