Nghị quyết số 33-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa IX) xác định Đà Nẵng là trung tâm kinh tế-xã hội lớn của miền Trung với vai trò là trung tâm công nghiệp, dịch vụ du lịch, thương mại; là thành phố cảng biển, đầu mối giao thông quan trọng về trung chuyển vận tải trong nước và quốc tế; trung tâm bưu chính-viễn thông và tài chính-ngân hàng; một trong những trung tâm văn hóa-thể thao, giáo dục-đào tạo và khoa học-công nghệ của miền Trung.
Với vị thế đó, thành phố luôn nỗ lực duy trì mức tăng trưởng kinh tế, gắn liền với các mặt tiến bộ trong đời sống xã hội, cơ sở hạ tầng phát triển, đô thị được chỉnh trang hiện đại, tạo động lực phát triển Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung.
Thương mại, dịch vụ, nhất là du lịch, phát triển nhanh đã tạo động lực để các địa phương trong khu vực liên kết đầu tư, phát triển du lịch. Trong ảnh: Một góc đô thị hiện đại tại quận Sơn Trà. |
Đầu tàu trên các lĩnh vực
Với sự hỗ trợ tích cực của Trung ương và sự chủ động phát huy nội lực của địa phương, giai đoạn 2003-2018, Đà Nẵng duy trì tăng trưởng kinh tế ở mức khá cao và ổn định với tổng sản phẩm xã hội ước tăng 10%/năm.
Nhiều lĩnh vực được xác định là mũi nhọn kinh tế phát triển khá vững chắc. Theo GS, TS Trần Văn Nam, nguyên Giám đốc Đại học Đà Nẵng, chính sự năng động trong lãnh đạo, chỉ đạo của lãnh đạo thành phố đã cho ra đời những mô hình kiểu mẫu để các địa phương trong khu vực tham khảo, rút kinh nghiệm trong quá trình phát triển của mình.
Đà Nẵng bước đầu đã tạo lập và được sự thừa nhận về vai trò khu vực, phát triển khá toàn diện về lĩnh vực du lịch, thương mại, vận tải, logistics, tài chính ngân hàng, công nghệ thông tin, hạ tầng, đầu tư, giáo dục và đào tạo, y tế chuyên sâu. Trong đó, du lịch và công nghệ thông tin là hai lĩnh vực kinh tế phát triển mạnh mẽ.
“Du lịch Đà Nẵng phát triển rất rõ nét bởi những định hướng từ sớm và thu hút đầu tư cho ngành du lịch rất tốt. Vì vậy, du khách đến Đà Nẵng từ các thị trường tiềm năng đang tăng nhanh, doanh thu du lịch năm sau luôn cao hơn năm trước”, GS, TS Trần Văn Nam nêu rõ.
Về giáo dục nói chung và giáo dục đại học nói riêng, Đà Nẵng đã thực sự trở thành địa điểm lý tưởng, thu hút học sinh và sinh viên từ mọi miền đất nước, nhất là các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên và các tỉnh phía Bắc đến học tập. GS, TS Trần Văn Nam cho biết, thành phố Đà Nẵng đã đáp ứng đủ nhu cầu nguồn nhân lực cho địa phương và cả khu vực.
Tất cả các lĩnh vực từ khoa học cơ bản, tự nhiên, xã hội nhân văn, công nghệ, kỹ thuật, kinh tế, ngôn ngữ... Đà Nẵng đều là nơi có nguồn cung nhân lực chất lượng cao dồi dào, đáp ứng tốt cho nhu cầu phát triển của khu vực.
Mỗi năm, có hơn 6.000 sinh viên tốt nghiệp tại Đại học Đà Nẵng với hơn 100 ngành nghề khác nhau. Đây là cơ sở để thu hút, phát triển các doanh nghiệp trong và ngoài nước không chỉ riêng Đà Nẵng mà bổ sung nguồn nhân lực cho cả khu vực.
Trên lĩnh vực y tế, thành phố ưu tiên dành nhiều nguồn vốn đầu tư xây dựng, đưa vào sử dụng Bệnh viện Phụ sản-Nhi giai đoạn 1, Bệnh viện Ung bướu, nâng cấp Bệnh viện Đà Nẵng, xây dựng Trung tâm Tim mạch Bệnh viện Đà Nẵng, thu hút và đào tạo nguồn nhân lực y tế có chất lượng nhằm phục vụ có hiệu quả công tác khám, chữa bệnh cho nhân dân toàn khu vực.
Giám đốc Sở Y tế Ngô Thị Kim Yến cho biết, mạng lưới cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn thành phố ngày càng đồng bộ. Quan trọng nhất, từ việc thu hút những bác sĩ giỏi, làm chủ các kỹ thuật điều trị hiện đại nên Bệnh viện Đà Nẵng, Bệnh viện Phụ sản-Nhi Đà Nẵng và Bệnh viện Ung bướu trở thành nơi lựa chọn khám chữa bệnh thường xuyên của người dân các tỉnh trong khu vực miền Trung.
Thành phố thu hút đầu tư, phát triển nhanh các bệnh viện tư nhân với nhiều trang thiết bị hiện đại như các bệnh viện: Vimec, Hoàn Mỹ, Tâm Trí, Gia Đình… mang đến nhiều sự lựa chọn chăm sóc sức khỏe cho người dân trong khu vực. “Tỷ lệ người bệnh ngoại tỉnh đến Đà Nẵng khám bệnh, tầm soát tăng cao, chiếm khoảng 50% ở các bệnh viện lớn”, bác sĩ Ngô Thị Kim Yến cho biết.
Đầu mối giao thông quan trọng của khu vực
Nhiều công trình, dự án quan trọng, quy mô lớn về giao thông xây dựng trên địa bàn thành phố như: hầm Hải Vân, sân bay quốc tế Đà Nẵng, cảng Tiên Sa, đường cao tốc Đà Nẵng-Quảng Ngãi được đầu tư xây dựng, góp phần rút ngắn khoảng cách địa lý, tăng cường liên kết phát triển kinh tế, thương mại và thu hút đầu tư toàn khu vực.
Hạ tầng du lịch, thương mại được tập trung đầu tư, nhiều khu du lịch, tour, tuyến, sản phẩm, từng bước liên kết và tạo không gian kinh tế thống nhất toàn vùng. Dự án nâng cấp, mở rộng cảng Tiên Sa (giai đoạn 2) hoàn thành vào tháng 7-2018, nâng cao năng lực bốc dỡ của cảng Đà Nẵng lên 10-12 triệu tấn/năm.
Việc khánh thành nhà ga hàng không Đà Nẵng có tổng đầu tư hơn 3.500 tỷ đồng vào giữa tháng 5-2017 mở ra cơ hội lớn để không chỉ Đà Nẵng mà các địa phương trong khu vực xúc tiến, thu hút đầu tư, phát triển du lịch. Với thế mạnh về vị trí, đầu mối giao thông, Đà Nẵng đang từng bước phát triển và hình thành hệ thống dịch vụ logistics để có khả năng hỗ trợ tốt, đáp ứng nhu cầu vận chuyển của khu vực miền Trung.
15 năm qua, vai trò, vị thế trung tâm kinh tế biển khu vực miền Trung và cả nước của thành phố dần được xác lập trên cơ sở khai thác hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh theo tinh thần Nghị quyết 33-NQ/TW (khóa XII) và Nghị quyết 09-NQ/TW (khóa X) về “Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020”. Cơ sở hạ tầng dịch vụ nghề cá từng bước được đầu tư, hoàn thiện để hình thành trung tâm nghề cá khu vực miền Trung tại Đà Nẵng.
Gần đây, thành phố chủ động đẩy mạnh các chương trình hợp tác với tỉnh Quảng Nam và Thừa Thiên Huế để phát huy thế mạnh, thúc đẩy giao thương, xúc tiến triển khai các dự án trên các lĩnh vực. Chắc chắn, kết quả mang lại sẽ kéo theo sự phát triển cho các địa phương trong vùng.
Các chuyên gia kinh tế nhận định, với việc đăng cai và tổ chức thành công Tuần lễ Cấp cao APEC 2017, Đà Nẵng đã gia nhập danh sách những thành phố lớn trên thế giới có khả năng đăng cai tổ chức một hội nghị tầm vóc toàn cầu.
Đây cũng là cơ hội để các địa phương trong khu vực tiếp nhận những cơ hội và xúc tiến với các nhà đầu tư, tập đoàn lớn trên thế giới để thúc đẩy phát triển không chỉ địa phương mình và đưa Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung phát triển năng động hơn.
Bài và ảnh: Diệu Minh