Chuyện kể về Đại đội 66 Hòa Vang

.

Ngày trước, các chiến sĩ ở Đại đội 66 Hòa Vang đã lập nhiều chiến công bắt sống giặc Mỹ trên chiến trường Liên khu 5.

Cựu chiến binh (CCB) Lê Đình Sanh, 84 tuổi, ở phường Hòa Thọ Đông (quận Cẩm Lệ), nguyên chiến sĩ Đại đội 66 Hòa Vang trong thời chống Pháp. Hồi ấy, ông Sanh phụ trách công tác nhân chính của đại đội (tương tự như nhân viên quân lực ngày nay), thường xuyên ở bên Ban Chỉ huy đại đội để ghi chép các hoạt động của đơn vị.

Ông Lê Đình Sanh (thứ ba, từ phải) tham gia Chương trình giao lưu Nhân chứng lịch sử ở quận Cẩm Lệ ngày 4-5-2018.
Ông Lê Đình Sanh (thứ ba, từ phải) tham gia Chương trình giao lưu Nhân chứng lịch sử ở quận Cẩm Lệ ngày 4-5-2018.

Ông Sanh nhớ lại, ngày đó, Đại đội 66 Hòa Vang đảm nhiệm đánh địch ở khu vực đông nam huyện Hòa Vang, trải dài từ Hòa Phong đến Non Nước. Ban Chỉ huy Đại đội thường xuyên bố trí 1 tiểu đội tiền tiêu làm nhiệm vụ bám nắm tình hình và đánh địch ở khu vực ven biển thuộc xã Hòa Quý (nay là hai phường Hòa Quý và Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn). Trung tuần tháng 4-1954, tiểu đội tiền tiêu do ông Lưu Quang Đức làm Tiểu đội trưởng, phối hợp với 5 du kích xã Hòa Quý, bí mật bố trí đội hình tại rặng phi lao gần bãi cát Non Nước, cạnh một con đường nhỏ đi xuống bãi biển. Còn đại bộ phận đơn vị đóng ở thôn An Trạch, xã Hòa Tiến. Đơn vị hồi đó do ông Hoàng Đức Thái làm Đại đội trưởng, ông Nguyễn Đông làm Chính trị viên đại đội.

Hôm ấy, khoảng 4 giờ chiều, tiểu đội tiền tiêu phát hiện 1 chiếc xe Jeep chở 5 tên địch người nước ngoài từ nội thành Đà Nẵng chạy về Non Nước. Cả tiểu đội giương súng về mục tiêu, sẵn sàng chiến đấu. Khi chiếc xe địch rẽ vào con đường nhỏ đi xuống biển, anh em đoán ngay là bọn địch đi tắm biển. Tiểu đội trưởng Lưu Quang Đức truyền lệnh không nổ súng mà chờ địch xuống tắm sẽ xông ra bắt sống.
Chiếc xe dừng lại trên bãi cát. 5 tên giặc để súng đạn, quần áo, giày, mũ trên xe, rồi ào xuống biển tắm. Nơi chúng tắm chỉ cách đội hình tiểu đội tiền tiêu chừng 50 mét. Các chiến sĩ bình tĩnh chờ bọn giặc ra đến chỗ nước ngập ngang vai, mới xông ra bắt sống. Tiểu đội trưởng Lưu Quang Đức phất tay ra lệnh, các chiến sĩ đồng loạt lao ra, chĩa súng vào bọn giặc, hét to: “Hô-lê-manh!” (tiếng Pháp, nghĩa là giơ tay lên). 5 tên giặc hoảng hốt, giơ tay đầu hàng. Các chiến sĩ ra hiệu cho chúng đi lên bờ. Bọn giặc run rẩy thi hành, luôn mồm van xin tha chết.

Tiểu đội tiền tiêu nhanh chóng trói ngoặc tay từng tên và giải chúng về cho Ban Chỉ huy Đại đội khai thác, còn giao chiếc xe chiến lợi phẩm cho du kích Hòa Quý xử lý. Anh em dẫn 5 tù binh vòng tránh địch, vượt qua nhiều cồn cát, lũy tre, đồng ruộng, gần sáng mới về đến thôn An Trạch. Ban chỉ huy đại đội khẩn trương khai thác để nắm bắt âm mưu địch. “Ông Hứa Thống Nhất, cán bộ huyện Hòa Vang biết tiếng Anh và tiếng Pháp, đang công tác tại xã Hòa Tiến, được mời đến tham gia hỏi cung”, ông Sanh kể.

Trong buổi hỏi cung, ông Sanh được giao nhiệm vụ ghi chép lời khai của tù binh. Khi Ban Chỉ huy Đại đội hỏi, ông Nhất phiên dịch ra tiếng Anh và khi các tù binh trả lời, ông Nhất lại phiên dịch ra tiếng Việt. Các tù binh khai chúng là sĩ quan cấp tá của Mỹ phái sang Việt Nam làm cố vấn cho quân Pháp, cụ thể là được giao nhiệm vụ đến Đà Nẵng bàn tính với bọn chỉ huy Pháp mở một cuộc càn lớn nhằm “thu hút lực lượng Việt Minh, làm giảm sức tấn công của Việt Minh ở Điện Biên Phủ”. Xuống sân bay Đà Nẵng, chúng nghe bọn Pháp nói là khu vực này “Pháp hoàn toàn làm chủ, đi lại rất an toàn”. Đang nóng bức, nghe vậy, 5 tên Mỹ liền sử dụng xe Jeep để đi tắm biển và không ngờ vừa xuống biển đã bị Việt Minh bắt sống!  

Lập tức, Ban Chỉ huy Đại đội báo cáo kết quả hỏi cung lên cấp trên và ngay sau đó, cấp trên yêu cầu giải 5 tù binh ra vùng tự do ở Tam Kỳ (Quảng Nam) để tiếp tục khai thác, phục vụ kháng chiến. Về phía giặc Pháp, cay cú vì bị mất 5 cố vấn Mỹ, chúng điên cuồng ném bom, đánh phá nhiều nơi và hò hét “truy kích Việt Minh” nhưng tất cả đều vô hiệu!

 Bài và ảnh: LÊ VĂN THƠM

;
.
.
.
.
.
.