Có việc làm để xa lánh ma túy

.

Từng có thu nhập tốt với nghề thợ thạch cao, thế nhưng, sau vài lần bị bạn bè rủ rê sử dụng ma túy, N.H.S ở phường Xuân Hà (quận Thanh Khê) trở thành con nghiện. Sau 18 tháng cai nghiện tập trung ở Cơ sở Xã hội Bầu Bàng, về địa phương xin lại việc chỗ cũ, S. chỉ nhận được lời từ chối khéo léo của chủ thầu khi “dạo này ít công trình quá!”. Nhiều lần thất bại trong quá trình tìm việc làm, S. quyết định tự... làm chủ bằng việc nhận thi công trần thạch cao nhà dân. 

3 thanh niên sau cai có việc làm ổn định, bỏ hẳn ma túy được UBND thành phố biểu dương và tặng quà động viên.
3 thanh niên sau cai có việc làm ổn định, bỏ hẳn ma túy được UBND thành phố biểu dương và tặng quà động viên.

Nhớ lại thời gian đầu, S. ngao ngán: “Tôi có nghề, nhưng đến đâu chủ nhà cũng không dám giao việc vì không tin người nghiện. Nhưng thật may, nhờ mấy cô chú trong tổ dân phố, cán bộ Đoàn phường đứng ra “bảo lãnh”, tôi đã nhận được công trình”. Hiện nay, cơ sở của S. có 4 thợ cũng là những người chung “hoàn cảnh”, bảo đảm mỗi tháng có ít nhất 15 đến 20 ngày công nên cuộc sống khá ổn định. Đúc kết quãng thời gian vừa qua, S. nói đơn giản: “Có việc chi làm để xa được đám bạn hút chích thì mình nhận làm và chỉ có vậy mới tránh được ma túy”.

Còn T.T.V, ở quận Hải Châu cũng đã từ bỏ hẳn ma túy gần 4 năm nay nhờ sống được với nghề hớt tóc. Từng có đến 3 lần đi cai nghiện ở Cơ sở Xã hội Bầu Bàng, thế nhưng lần nào về được tầm vài tháng, V. lại bị đưa đi cai nghiện tiếp vì đám bạn nghiện ngập không chịu buông tha. Trong một lần cùng gia đình thăm chùa Quang Châu (huyện Hòa Vang), V. tình cờ gặp nhóm bạn trẻ đến làm từ thiện tại đây. Lân la hỏi chuyện, V. mới biết đây là nhóm bạn cùng làm nghề hớt tóc, cứ vài tháng lại đến chùa tặng quà và chơi với các em nhỏ nơi này. Trở về, V. suy nghĩ rất nhiều, vì sao các bạn còn trẻ mà sống tốt vậy trong khi mình lại là nỗi buồn của gia đình. Cuối cùng, V. quyết định đi học nghề cắt tóc và nay đã trở thành ông chủ tiệm tóc nhỏ với 2 người giúp việc. Đặc biệt vui hơn, V. cũng cùng nhóm thợ làm tóc vài tháng lại đến thăm chùa và làm từ thiện. V. chia sẻ: “Bây giờ mới thấy cuộc sống có ý nghĩa, chỉ có việc làm, sự bận rộn tích cực mới giúp mình tránh được ma túy. Còn cứ rảnh rỗi la cà quán xá thì sớm muộn gì cũng “chơi” ma túy trở lại”.

Thời gian qua, thành phố rất chú trọng công tác đào tạo nghề cho học viên tham gia cai nghiện tại Cơ sở Xã hội Bầu Bàng cũng với những lý do tương tự nêu trên. Chỉ có ổn định công ăn việc làm, người nghiện mới tránh xa được ma túy. Do đó, tại Cơ sở Xã hội Bầu Bàng, học viên được học các nghề phổ thông, dễ xin việc làm như: sửa xe, cơ khí, đan lưới... Trong 5 tháng đầu năm 2018, tại cơ sở này có 480 học viên được đào tạo nghề, hầu hết bảo đảm chương trình đào tạo và được cấp chứng chỉ nghề. Nhờ đó, tính đến thời điểm đầu năm 2018, trong số 731 người sau cai được quản lý tại cộng đồng, đã có 447 người có việc làm ổn định. Đặc biệt, thời gian gần đây, chính quyền các địa phương rất chú trọng hỗ trợ, giới thiệu việc làm cho những đối tượng sau cai trên địa bàn và đã đạt kết quả khích lệ. Điển hình như quận Hải Châu, 6 tháng đầu năm 2018 đã giới thiệu cho 10 người sau cai vay vốn làm ăn. Quận Sơn Trà hỗ trợ 13 trường hợp sau cai 1 triệu đồng/người để tìm việc làm. Các quận Ngũ Hành Sơn, Liên Chiểu và huyện Hòa Vang bên cạnh hỗ trợ tiền và gạo cho người sau cai có hoàn cảnh khó khăn còn bảo lãnh với doanh nghiệp để nhận người cai nghiện vào làm việc. Các CLB “Can thiệp sớm, dự phòng nghiện ma túy” tại địa phương cũng tìm kiếm việc làm cho 164 hội viên CLB để giảm tình trạng nhàn rỗi dẫn đến tái nghiện.

Theo ông Lê Mạnh Hùng, Chi cục trưởng Chi cục Phòng, chống tệ nạn xã hội thành phố, công tác quản lý sau cai chỉ thành công vững chắc khi tạo cho người sau cai việc làm ổn định. Chính vì vậy, thời gian qua, các quận, huyện và phường, xã trên địa bàn thành phố đều đẩy mạnh công tác này bằng nhiều hình thức như: giới thiệu việc làm, hỗ trợ vốn vay học nghề... Riêng UBND thành phố đã mạnh dạn áp dụng việc khuyến khích người cai 5 năm liên tục được hỗ trợ 10 triệu đồng/người, thay vì 5 triệu đồng/người như trước đây nhằm giúp họ có thêm động lực cũng như có vốn làm ăn, xa rời tình trạng “nhàn cư vi bất thiện”.

Bài và ảnh: THANH VÂN

;
.
.
.
.
.
.