Cùng dệt nên chiến công

.

Trong những chiến công của Đại đội 2, Khu II, Hòa Vang những năm chống Mỹ, có công lao thầm lặng của những con người vào sinh, ra tử. Họ cùng góp sức làm nên tinh thần tiến công anh dũng, sự hy sinh cao cả cho độc lập, tự do của đất nước, dân tộc.

Ông Nghiêm (phải) và ông Nuôi cùng ôn lại những trang sử vẻ vang của Đại đội 2 (C2), Khu II, Hòa Vang.
Ông Nghiêm (phải) và ông Nuôi cùng ôn lại những trang sử vẻ vang của Đại đội 2 (C2), Khu II, Hòa Vang.

Dũng sĩ diệt Mỹ

Ông Hoàng Minh Nghiêm (sinh năm 1946) vốn là thiếu niên xông xáo trong các hoạt động của du kích địa phương như đánh, phá bờ rào, ấp chiến lược ngụy quân, ngụy quyền... tại quê nhà là thôn An Nông, xã Hòa Hải (huyện Hòa Vang cũ).

Năm 1962, ông nhập ngũ; được bầu làm tiểu đội trưởng, rồi Chính trị viên phó (năm 1967), Chính trị viên trưởng Đại đội 2 (hay còn gọi là C2), khu II, Hòa Vang từ năm 1968 cho đến ngày đất nước giải phóng. 13 năm gắn bó với Đại đội 2, Khu II, Hòa Vang, đi qua không biết bao nhiêu trận đánh, nếm trải không biết mấy đau thương, nhưng để kể về chiến công của mình, người cựu chiến binh già chợt lúng túng, thoáng trầm ngâm.

Bởi, kể sao cho trọn; bởi, những năm tháng ông đã sống và chiến đấu cũng chỉ như hàng trăm hàng ngàn chiến sĩ ngày ấy thôi. Bởi, không biết bao nhiêu người đã gửi lại cả thanh xuân, xương máu nơi chiến trường, ông Nghiêm còn sống đến hôm nay đã là quá “may mắn”.

Chúng tôi gặng hỏi mãi, ông Nghiêm mới chịu chia sẻ đôi điều về những trận phục kích, những trận chiến đấu trực diện một mất một còn với quân địch không thể nào quên. Đó là trận phục kích vào khoảng tháng 7-1967 tại An Châu, thôn Nam Thành, xã Hòa Thượng, nay là xã Hòa Phong.

Sáng một ngày tháng 7 ấy, gần 20 lính Mỹ ở đồn Dương Mẹo đi tuần hướng về Nam Thành (cách An Châu- Nam Thành chừng 500m), trung đội 1 của Đại đội 2 (có ông Nghiêm tham gia) được giao tiêu diệt nhóm lính Mỹ tại đồn này. Bằng sự dũng cảm, mưu trí, trung đội của ông Nghiêm đã diệt gọn cả nhóm lính Mỹ, thu được 7 khẩu súng AR15, 1 bộ đàm BRC25. Riêng ông Nghiêm diệt gọn 7 tên Mỹ. Sau trận này, ông Nghiêm được cấp trên khen là “Dũng sĩ diệt Mỹ”.

Tháng 8 cùng năm, tại đồn Trước Bàu (thuộc xã Hòa Phú ngày nay), trong kế hoạch đánh bom đội tuần tiễu, rà mìn đồn Trước Bàu, ông Nghiêm tiếp tục lập công diệt Mỹ. Ông Nghiêm có mặt ở hầu khắp các trận đánh, các mặt trận khu dồn Dương Lâm, An Tân, Túy Loan... Hòa Vang những năm đánh Mỹ. Trong 13 năm, ông Nghiêm bị thương 11 lần.

Nay, những vết sẹo chiến tranh vẫn lằn khắp cơ thể, một mảnh lựu đạn trong phổi hành hạ người cựu chiến binh già qua bao năm tháng, song, đó là ký ức thời hoa lửa oanh liệt, tự hào mà ông cùng đồng đội đã đi qua.

Cắt đứt liên lạc quân thù

Cùng Đại đội 2 với ông Nghiêm, ông Lê Trung Nuôi (sinh năm 1950), được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân từ năm 2016. Giác ngộ cách mạng từ tuổi 15 với các phong trào du kích tại địa phương, ông Nuôi đến với Đại đội 2 từ năm 1967.

Tháng 10 nhập ngũ thì tháng 11-1967, Trung đội của ông Nuôi được điều động về C25 E31 - đơn vị đặc công của Mặt trận 4 Quảng Đà. Từ lính bộ binh, ông Nuôi đã trở thành lính đặc công trực tiếp chiến đấu trên khắp chiến trường Hòa Vang.

Trong 38 trận chiến lớn nhỏ trực tiếp tham gia chiến đấu, ông Nuôi nhớ mãi trận tiêu diệt khu thông tin liên lạc hạm đội 7 ở Phước Tường, ngày 30-1-1968. Căn cứ Đá Chẻ của quân Mỹ ngày ấy nằm trong hệ thống phòng thủ trên dãy núi Phước Tường, áp sát sân bay Đà Nẵng, có trung tâm ra-đa thông tin liên lạc giữa đất liền với Hạm đội 7, được bảo vệ rất nghiêm ngặt. Mở màn chiến dịch Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, đơn vị C25 E31 của ông được giao nhiệm vụ kết hợp với huyện đội Hòa Vang tiêu diệt căn cứ này.

Mục tiêu là tiêu diệt cho được Trung tâm Ra-đa thông tin, cắt đứt liên lạc của quân Mỹ tại Đà Nẵng với Hạm đội 7. Đúng 2 giờ, ngày 30-1-1968 (nhằm ngày mùng Một Tết Mậu Thân), đơn vị C25 E31 nổ súng tiêu diệt toàn bộ hệ thống ra-đa của quân Mỹ, tiêu diệt một đại đội lính Mỹ và nhân viên kỹ thuật, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Sau chiến dịch Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân, Mặt trận 4 Quảng Đà tiếp tục giao nhiệm vụ cho đơn vị của ông Nuôi đánh vào trận địa tên lửa đất đối không của Mỹ cũng trên núi Phước Tường.

Trong trận này, ông Nuôi đã dũng cảm băng qua hai lớp hàng rào thép gai, xông thẳng vào trung tâm cứ điểm, bắn nổ các giàn tên lửa, bắn cháy kho nhiên liệu khiến quân Mỹ hoảng loạn bỏ chạy. Lúc này, các hướng tấn công của quân ta xông thẳng lên tiêu diệt các mục tiêu trên cứ điểm Phước Tường, diệt 1 đại đội lính Mỹ, phá hủy 5 giàn tên lửa, 2 giàn ra-đa, một hầm chỉ huy điện tử...

Kế đó, những trận đánh diệt 15 chiếc xe tăng và 1 đại đội Mỹ tại Hà Nha (gần chi khu quân sự Thượng Đức, huyện Đại Lộc, Quảng Nam, năm 1969), trận tiêu diệt biệt kích thám báo trên đỉnh Bà Nà - Núi Chúa... và rất nhiều trận đánh khác đều là những kỷ niệm chiến trường vẹn nguyên trong tim những chiến sĩ, anh hùng như ông Nuôi, ông Nghiêm ngày ấy, bây giờ.

Bài và ảnh: THANH TÂN

;
.
.
.
.
.
.