15 NĂM THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 33-NQ/TW CỦA BỘ CHÍNH TRỊ (KHÓA IX)

Nhiều chính sách sáng tạo, nhân văn phát triển Đà Nẵng - Bài 2: Những con số biết nói

.

Thành tựu của “cuộc chiến” xóa đói, giảm nghèo trong 15 năm qua kể từ khi Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 33-NQ/TW (ngày 16-10-2003) về xây dựng và phát triển Đà Nẵng trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước là thành phố đã xóa được hộ đói, giảm mạnh tỷ lệ hộ nghèo (cao hơn chuẩn Trung ương quy định) và bảo đảm tất cả hộ chính sách có mức sống bằng hoặc cao hơn so với cộng đồng dân cư.

Ngày hội việc làm với rất nhiều thông tin tuyển dụng giúp nhiều người có cơ hội tìm việc làm thuận lợi. Trong ảnh: Sinh viên Trường Đại học Kinh tế (ĐH Đà Nẵng) tìm hiểu thông tin tuyển dụng lao động tại Ngày hội việc làm năm 2018).
Ngày hội việc làm với rất nhiều thông tin tuyển dụng giúp nhiều người có cơ hội tìm việc làm thuận lợi. Trong ảnh: Sinh viên Trường Đại học Kinh tế (ĐH Đà Nẵng) tìm hiểu thông tin tuyển dụng lao động tại Ngày hội việc làm năm 2018).

Những cột mốc đáng nhớ

Sau chia tách địa giới hành chính tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng, thành phố Đà Nẵng trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, công cuộc xóa đói giảm nghèo được quan tâm bằng những chủ trương, chính sách cụ thể. Thời điểm năm 1997, thành phố có 8,79% tổng số hộ dân thuộc diện hộ nghèo; trong đó hộ đói chiếm 0,66%.

Đây là vấn đề khiến lãnh đạo thành phố trăn trở tìm cách tháo gỡ, nhất là trong bối cảnh từ năm 1997, Đà Nẵng bước vào cuộc chỉnh trang đô thị lớn nhất lịch sử, và 15 năm qua, hơn 110.000 hộ dân phải thay đổi chỗ ở và kéo theo nhiều xáo trộn trong việc làm ăn.

Tuy nhiên, chương trình xóa đói giảm nghèo giai đoạn 2001-2005 không những đạt kết quả tốt mà còn tạo bước ngoặt đáng nhớ khi tất cả mục tiêu đề ra đều về đích trước 2 năm, đặc biệt, thành phố đã xóa hết hộ đói.

Đây được xem là giai đoạn đặt nền móng để thành phố thực hiện chương trình giảm nghèo giai đoạn 2013-2017 với mục tiêu cao hơn là bảo đảm 100% hộ nghèo tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi và phát huy hiệu quả đồng vốn vay; xóa tất cả nhà tạm, bảo đảm hộ nghèo có đất ở ổn định, có công trình vệ sinh, điện và nước sạch, tập trung hỗ trợ 2.000 hộ đặc biệt nghèo, 1.000 hộ nghèo nhóm I, nhóm II vươn lên thoát nghèo.

Thành phố phấn đấu năm đầu của chương trình giảm từ 20-24% số hộ nghèo/năm và đến năm 2017 cơ bản xóa hết hộ nghèo (theo chuẩn Trung ương). Điều đáng mừng là không đợi đến hết năm 2017, cuối năm 2016, thành phố không những về đích sớm 2 năm mà còn vượt khá xa kế hoạch đề ra.

Chỉ trong 2 năm 2015 và 2016, thành phố đã huy động trên 1.400 tỷ đồng, giúp hơn 23.000 hộ dân thoát nghèo. Nhờ vậy, năm 2016, Đà Nẵng trở thành một trong số rất ít địa phương xóa được hộ nghèo theo chuẩn Trung ương.

Với mục đích nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, thành phố đã nâng chuẩn nghèo cao hơn mức quy định của Nhà nước.

Theo đó, mức thu nhập hộ nghèo mới khu vực nội thành là 1,3 triệu đồng/người/tháng và khu vực ngoại thành là 1,1 triệu đồng/người/tháng (khá xa chuẩn của cả nước là khu vực nội thành 900.000 đồng/người/tháng và khu vực nông thôn 700.000 đồng/người/tháng).

Mặc dù đã nâng chuẩn hộ nghèo lên khá cao so với cả nước, nhưng tính đến tháng 6-2018, tỷ lệ hộ nghèo của thành phố chỉ còn 0,9% trên tổng số hộ. Như vậy, thêm lần nữa thành phố về đích trước 2 năm trong mục tiêu giảm nghèo xuống dưới 1% vào năm 2020.

Đáng mừng là đến cuối năm 2017, thành phố cũng đã đưa tất cả hộ thuộc diện chính sách ra khỏi danh sách hộ nghèo. Nhiều quận như Sơn Trà, Hải Châu, Thanh Khê có hơn 50% số hộ chính sách có mức sống khá trở lên so với cộng đồng dân cư.

Những cú hích “bên lề”

Một trong những nhân tố giúp Đà Nẵng thành công trong “cuộc chiến” xóa đói, giảm nghèo là nhờ sự chung tay của toàn xã hội. Thống kê chưa đầy đủ trong 15 năm qua, thành phố đã huy động từ nhiều nguồn với số tiền gần 10.000 tỷ đồng, trong đó chỉ trong 3 năm gần đây đã huy động gần 3.500 tỷ đồng hỗ trợ người dân làm kinh tế để thoát nghèo.

Theo đánh giá của ông Dương Quyết Thắng, Tổng Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam, Đà Nẵng với nhiều cách làm sáng tạo, mang tính đột phá đã giúp người dân thoát nghèo bền vững, đây là cách làm cần nhân rộng ra nhiều địa phương khác học tập.

Bên cạnh việc tạo điều kiện thuận lợi cho hộ nghèo tiếp cận nguồn vốn vay, thành phố quan tâm đến việc “trao cần câu” bằng việc mở rộng đối tượng được đào tạo nghề như: bộ đội xuất ngũ, người lao động ở khu vực giải tỏa do chỉnh trang đô thị, người khuyết tật...

Trung bình mỗi năm thành phố có trên 22.000 người tìm được việc làm, đạt mức tăng trung bình 4,4%/năm, và đến thời điểm đầu năm 2018, tỷ lệ thất nghiệp khu vực nội thị giảm xuống còn 3,6%. Thành phố cũng rất chú trọng mở rộng lĩnh vực hỗ trợ cho các hộ nghèo như: y tế, giáo dục, pháp lý, nhà ở, nước sinh hoạt, ốm đau hoặc tai nạn đột xuất...

Nhờ vậy, chỉ trong 2 năm gần đây đã có 265.000 lượt người được thụ hưởng với tổng kinh phí lên đến 320 tỷ đồng.

Theo ông Nguyễn Văn An, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH, bên cạnh nhiều giải pháp giúp người dân phát triển kinh tế, việc thành phố mở rộng đối tượng và nâng mức hưởng thụ các chính sách về an sinh xã hội đã giúp người dân nói chung và người nghèo nói riêng ổn định cuộc sống, an tâm làm ăn.

Một ví dụ là với việc quyết định nâng mức trợ giúp các đối tượng xã hội từ 270.000 đồng/tháng/người lên 350.000 đồng/tháng/người cho gần 360.000 đối tượng, mỗi năm ngân sách thành phố đã chi 150 tỷ đồng.

Điều này đã phát huy hiệu quả khi người nghèo được chăm sóc tốt về giáo dục, y tế và các vấn đề khác, an tâm làm ăn, cải thiện đời sống và kéo theo giảm những vấn đề bất cập trong xã hội do nghèo đói, thất nghiệp gây ra.

Đặc biệt, vấn đề làm sao để người nghèo “an cư” được lãnh đạo thành phố quan tâm bằng những chính sách cụ thể và nhân văn. Bên cạnh các hộ chính sách được tăng mức hỗ trợ sửa chữa nhà từ 20 triệu đồng lên 30 triệu đồng và mức xây nhà mới từ 40 triệu đồng lên 60 triệu đồng/nhà, các quận, huyện tùy thực tế địa phương đã hỗ trợ thêm 5-10 triệu đồng/nhà sửa nhà và 10-20 triệu đồng/nhà xây mới...

Song song đó, việc thực hiện giảm đến 60% tiền thuê nhà thuộc sở hữu Nhà nước và giảm 50% tiền sử dụng đất cho các hộ nghèo đặc biệt cũng là cách làm hay, đậm chất nhân văn.

Xóa đói, giảm nghèo với Đà Nẵng không đơn giản dừng ở việc lo cho mọi người có cái ăn, cái mặc, mà xa hơn là Đảng bộ, chính quyền đã giúp người nghèo an cư, có công ăn việc làm, được tiếp cận thuận lợi các chính sách an sinh xã hội... Qua đó cho thấy, thực hiện Nghị quyết 33 của Bộ Chính trị, Đà Nẵng đang hướng đến việc giảm nghèo bền vững chứ không dừng lại ở phong trào.

Bài và ảnh: THANH VÂN

;
.
.
.
.
.